pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kẻ thù vô hình của mỗi người, ngọn nguồn của mọi tâm bệnh
Colin Wilson, nhà văn, triết gia người Anh - nổi tiếng với hơn 100 đầu sách trong suốt cuộc đời sáng tác, đã có vài chiêm nghiệm về bản chất của sự nhàn rỗi trong cuộc đời con người từ khi khá trẻ.
Trong hồi ký Dreaming so Some Purpose (Tạm dịch: Mơ về mục đích sống), ông kể rằng hồi trẻ mình thường xuyên gặp những đợt trầm cảm kéo dài. Với tư duy của một triết gia và người viết, ông muốn đào sâu vào nỗi buồn đó để hiểu căn nguyên của nó.
Dần dần, Wilson nhận ra những đợt trầm cảm trên tthường diễn ra sau một khoảng thời gian an nhàn và bất động - khi một ngày thiếu vắng những công việc, thử thách hay những vấn đề cần giải quyết - chính lúc ấy là khi ông bị nhấn chìm bởi trầm cảm và cảm giác bi quan về cái tôi, về bản thân. Ấy chính là cái "Nhàn cư vi bất thiện" hay trong tiếng Anh có câu "The idle mind is the devil's workshop" (tạm dịch: "Tâm trí nhàn rỗi là lãnh địa của quỷ").
Bản thân Wilson đã đúc kết điều này: "Sự nhàm chán, bị động, trì trệ: Đó là khởi đầu của tâm bệnh, nó sinh sôi như bọt váng trong cái ao tù".
Kẻ thù của tâm trí và cái tôi
Loài người là sinh vật của lao động, và điều đó đã kéo dài suốt tiến trình lịch sử. Vào thời xa xưa của tổ tiên chúng ta, khi mà năng suất lao động còn chưa cao và mỗi nỗ lực chinh phục thiên nhiên, giành lấy cái ăn, cái mặc đều là một cuộc chiến thì sự nhàn rỗi là một xa xỉ phẩm.
Ngay cả lúc nông nhàn trong các xã hội cũ, người ta cũng hiếm khi để bản thân thực sự có cái gọi là "nhàn rỗi" như định nghĩa của chúng ta ngày nay là một dạng nghỉ ngơi, "đi trốn" và nằm dài trên bãi biển mà thực tế lịch sinh hoạt cũng chứa đầy những lễ hội, nghi thức tâm linh...
Trong xã hội hiện đại với guồng quay và áp lực công việc gấp gáp hơn, con người càng có ít cơ hội để thực sự nhàn rỗi. Cuối tuần hay lễ Tết nếu không tất bật với gia đình, con cái thì cũng là lúc dành cho những dự định cá nhân: Viết một cuốn sách, mở một dự án kinh doanh, học thêm về kỹ năng, chuyên môn...
Theo Wilson, một cá nhân có sức khỏe tinh thần phải là người thường xuyên vận động và chạm đến những tầng sâu trong nhận thức quý báu của tâm trí. Đối với nhiều nhà tâm lý học, tâm trí giống như một con khỉ không bao giờ chịu ngừng vận dộng, và việc bắt nó nằm im một chỗ dường như là trái tự nhiên với cách vận hành của nó suốt hàng triệu năm qua (tâm viên ý mã).
Bào mòn tâm trí
Khi lao động, tâm trí có một mục tiêu, một cái đích rõ ràng để nó hướng đến mà tránh đi lạc (sinh nông nổi). Nhưng khi quyển sách ta viết đã hoàn thành, dự án kinh doanh đã được sang nhượng thành công, khóa học đã kết thúc và tấm bằng được treo vinh dự trên tường (chứ chưa nói đến những trường hợp tồi tệ như thất nghiệp), thì cuộc vui sau đó ở trên bãi biển cát trắng thực sự làm ta hứng thú được bao lâu?
Chẳng mấy chốc mà cái sự nhàn rỗi bất thường ấy sẽ bóp nghẹt tâm trí của người quen lao động. Cảm giác của tâm trí sau một thời gian hưng phấn, có lẽ sẽ là sự trống rỗng.
Tâm trí hoạt động theo một cách kỳ lạ. Để có thể tạo ra động lực cho chúng ta hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, nó cần vẽ ra ý tưởng rằng một khi công việc đã hoàn thành, nó sẽ được thỏa mãn, được hạnh phúc (tâm lý phần thưởng). Và tất nhiên, ta cũng dễ dàng chấp nhận "lời nói dối" ngọt ngào ấy để suy tưởng rằng một khi đã xong việc, sẽ chẳng có ý niệm khó chịu, cảm giác có lỗi nào ập đến cả đâu.
Nhưng sự thật là có, dù đó là chủ đích hay tình cờ đi chăng nữa. Tâm trí phản ứng dữ dội với cảm giác yên bình, và sự thư giãn. Một điều kỳ quặc nữa là tâm trí không hiểu được sự phủ định, nếu ta tự nhủ: "Đừng nghĩ nữa, đừng căng thẳng" thì thực tế lại càng bị cuốn vào vòng xoáy khó chịu, lo lắng của nó.
Chất vấn cái tôi
Tệ hơn, sự nhàn rỗi bắt đầu thách thức cái tôi và giá trị quan của bản thân. Đây là thời điểm mà nhiều người sẽ tự đặt câu hỏi về mục đích sống của mình, hay liệu họ có thực sự xứng đáng với những sự tưởng thưởng và nhàn rỗi ấy không, nhất là trong một xã hội lúc nào cũng đề cao cạnh tranh và sống chết với khẩu hiệu "Nếu bạn không tiến lên thì tức là bạn đang thụt lùi"?
Trong cuốn Restoring Pride (Phục hồi niềm kiêu hãnh), triết gia thế kỷ 20 Richard Taylor đưa ra một lập luận thuyết phục rằng tại sao sự vật lộn để sản xuất và sáng tạo luôn xứng đáng với nỗ lực bỏ ra. Ông giải thích, nó làm tăng khả năng của chúng ta để đạt tới một trạng thái hiếm có là "niềm kiêu hãnh".
Theo Taylor định nghĩa, kiêu hãnh là "tình yêu bản thân một cách có cơ sở" và nhận định rằng trong khi nhiều người tự cho là mình yêu bản thân, thường thì tình yêu đó của họ chẳng qua chỉ là tính ái kỷ hay một tấm khiên kiêu căng để che giấu đi những sự bất an và chán ghét chính mình, chứ còn lâu mới là "niềm kiêu hãnh".
Để đạt được trạng thái kiêu hãnh, Taylor cho rằng con người nhất thiết phải trau dồi một kỹ năng xuất sắc trong một lĩnh vực cụ thể và từ đó đạt được sự xuất chúng, khiến ta nổi bật khỏi những người khác - và điều đó thì không thể đạt được nếu cứ truy cầu sự nhàn rỗi, hay để sự nhàn rỗi độc chiếm thời gian của bản thân.
Vậy chẳng lẽ cuộc đời cứ mãi là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ?
Thực tế, nhàn cư chưa chắc đã tạo ra bất thiện, nhưng nó chắc chắn làm giảm đi khả năng đạt được sự kiêu hãnh của chúng ta, như Taylor đã giải thích. Một vấn đề quan trọng không kém là chúng ta dùng thời gian nhàn rỗi để làm gì?
Tất nhiên, cuộc đời không phải là một cuộc đua không hồi kết những thành tích, chỉ số KPI, mức lương hay danh vọng. Nếu mọi giây mọi phút trong cuộc đời chúng ta chỉ tập trung vào việc cố gắng làm mình bận rộn và chẳng có thư giãn, nghỉ ngơi, thì thực chất đó cũng là một cuộc đời khốn khổ và chẳng ai muốn.
Với thiết kế xã hội hiện đại, con người dễ dàng đạt được những khoảng thời gian nhàn rỗi - và nó là một phần của cuộc sống. Nếu không phải cuối tuần hay lễ Tết, thì đó sẽ là một kỳ nghỉ ta tự thưởng cho bản thân, hay sau vài chục năm đóng góp thì sẽ là kỳ nghỉ hưu. Mấu chốt không phải là sự nhàn rỗi về thời gian, mà là sự nhàn rỗi về tâm trí.
Một cách để thoát khỏi những đe dọa tiềm tàng của nhàn rỗi về tâm trí đối với cái tôi chính là đắm chìm trong những hoạt động có ý nghĩa đối với mục tiêu, giá trị quan của bản thân. Đó có thể là đọc một cuốn sách hay, dành thời gian cho bạn bè, gia đình, người thân thay vì lướt thời gian vô nghĩa trên mạng xã hội hay nằm dài cả ngày.
Nếu như tâm trí là một con khỉ không thể ngủ yên, ít nhất hãy để nó tung tăng trong một mảnh vườn đầy hoa trái của tri thức và giá trị.
Nguồn: Tổng hợp