pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kết nối giao thương giữa các hợp tác xã sản xuất trong ngành dược liệu
Gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội nghị Kết nối giao thương giữa các hợp tác xã sản xuất dược liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại.
"Kết nối giao thương giữa các hợp tác xã sản xuất trong ngành dược liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại" nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, là một trong những hoạt động thiết thực giúp các cơ sở kinh tế tập thể, hợp tác xã chia sẻ những cơ hội hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm hàng hóa trong ngành hàng dược liệu, tiếp cận trực tiếp các nhà phân phối trên thị trường để hợp tác, liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ.
Các hoạt động trong chương trình nhằm tăng cường nhận thức và nhu cầu sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị để phát triển bền vững, xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu dược liệu. Tạo ra mạng lưới kết nối giữa các đối tác trong và ngoài nước, thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đồng thời, giúp quảng bá hình ảnh, mẫu mã, phát triển thương hiệu sản phẩm dược liệu, xúc tiến thương mại, ký kết các hợp đồng kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển hình ảnh, thương hiệu "Liên minh HTX Việt Nam", nâng cao vị thế, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm
Theo chia sẻ của bà Cao Xuân Thu Vân, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cả nước có 31.364 hợp tác xã (HTX), 120.983 tổ hợp tác (THT); 133 liên hiệp HTX.
Theo báo cáo và khảo sát của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có hơn 600 HTX chuyên sản xuất dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu, sơ chế và chế biến sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao tiêu thụ thị trường trong nước. Tiêu biểu có thể kể đến như sâm núi, bạch quả, cà gai leo, anh thảo, cỏ ngươi, ba kích, đinh lăng, tam thất, ráy gai, vàng đắng. rau má, cỏ mực, yến sào… với tổng diện tích hơn 3.000 ha.
Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã - Liên minh HTX Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho các HTX vay vốn để mở rộng sản xuất.
Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, song con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Trong giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo, khi nhu cầu dược liệu của thị trường trong nước và xuất khẩu tăng lên, thì diện tích và sản lượng dược liệu do HTX và tổ hợp tác sản xuất sẽ tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; nhất là ở miền núi.
Hội nghị kết nối giao thương, trưng bày, giới thiệu sản phẩm dược liệu trực tiếp tới người tiêu dùng, là cơ hội giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp làm quen thị trường, tìm hiểu thị hiếu, sức mua của khách hàng, nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đến khách hàng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Với nguồn dược liệu quý giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.
Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn đặt nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp là trọng tâm, cần được ưu tiên nguồn lực. Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đối tác, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại thị trường trong nức và các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, xúc tiến, mở rộng thị trường cho dược liệu.