pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII: Cần quyết sách thiết thực để đảm bảo an sinh xã hội
"Gian hàng 0 đồng" cho công nhân. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt 3,32% - thấp hơn cùng kỳ 2022 là 5,03%.
Thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm trong khi số tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền…
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, những tháng đầu năm 2023, việc bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân còn những bất cập.
Đặc biệt, xuất hiện tình trạng người lao động mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao (trong quý I/2023 là 7,61%); số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng; số người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần trong 4 tháng đầu năm tăng 19,02% so với cùng kỳ.
Đề xuất gói khẩn cấp hỗ trợ an sinh xã hội
Tại phiên thảo luận chương trình giám sát của Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) nhìn nhận: Nếu kinh tế tăng trưởng dưới 3% thì tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng. Báo cáo số người lao động mất việc làm thời gian gần đây rất lớn, dù không có con số cụ thể nhưng có thể hình dung khoảng 500.000 lao động mất việc làm.
Liên quan đến gói hỗ trợ, ông nêu vấn đề, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 cho đến nay mới giải ngân được 87.300 tỉ đồng trong tổng số 301.000 tỉ đồng, không kể 46.000 tỉ đồng cho y tế.
Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất bởi lẽ khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc”.
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung
"Tỉ lệ như vậy mới được 29% mà đã mất 1,5 năm trong khi gói này có thời hạn chỉ 2 năm. Do vậy, phải nỗ lực nhiều hơn", ông Ngân nói và đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người mất trong đại dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.
Thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đặt vấn đề về bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động.
Theo bà, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã làm thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và an sinh xã hội của người lao động.
Đề cập đến giải pháp, đại biểu này cho rằng, ngoài việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, người làm chính sách cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm của chính sách và lợi ích quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.
"Chính phủ nên nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm ứng phó với những khó khăn rủi ro đột ngột.
Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho quỹ an sinh xã hội truyền thống như Quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế. Qua đó bảo đảm tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội nước ta", đại biểu Dung đề xuất.
Sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về an sinh xã hội người cao tuổi
Cũng quan tâm đến việc thực hiện chính sách nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nhận thấy, việc quan tâm, chăm sóc người cao tuổi đã đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, do quy mô quỹ an sinh xã hội còn hạn chế nên chưa thể đảm bảo được thu nhập cho mọi đối tượng người cao tuổi. Trong khi đó, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và trong tương lai gần sẽ tác động mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay, hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội người cao tuổi chưa hoàn thiện nên đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.
Trước thực trạng trên, đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện.
Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đồng bộ, đa dạng, chất lượng, kết hợp có hiệu quả giữa bảo hiểm mang tính chất xã hội và bảo hiểm mang tính chất dịch vụ thương mại, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân.
Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động tự do, nông dân và các ngành nghề truyền thống; đồng thời, thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, trong đó có mô hình chăm sóc người cao tuổi, nhằm đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của quốc gia và mỗi người dân.
Xây dựng chính sách pháp luật về an sinh xã hội cho người cao tuổi cần phải xây dựng, thực hiện song song với hệ thống pháp luật về kinh tế.