Sức hấp dẫn từ thể loại
Dòng văn học trinh thám quan án có một đặc điểm rất thú vị, chủ yếu xuất phát ở phương Đông, nơi xã hội phong kiến tồn tại đến hàng nghìn năm. Xã hội mà Vua là Thiên tử, quan lại như phụ mẫu của dân và chịu trách nhiệm chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của con dân mình.
"Địch Công kỳ án" là một tác phẩm hư cấu, lấy cảm hứng từ cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của tể tướng Địch Nhân Kiệt (630 - 700) ở Trung Hoa. Ông có tiếng là vị quan thanh liêm, vị thần thám tài ba lỗi lạc dưới thời dưới thời trị vì của Võ Tắc Thiên, đời nhà Đường - Chu.
Điều đặc biệt ở Địch Công là các “vụ án lồng trong án”. Chúng ta có một vụ án chính, sau đó, sẽ có từ 3 đến 4 vụ án có thể có mang mối liên quan đến các vụ án chính. Với các mối quan hệ, các sự kiện, tình tiết riêng biệt và tưởng chừng như chẳng có chút liên quan gì đến nhau, thêm nữa, điều đó khiến cho vụ án chính trở nên ngày càng phức tạp hơn. Một mớ rối bòng bong, chính độc giả đọc xong cũng thấy rối, chúng ta rất khó để tìm ra được một sợi chỉ, mặc cho trước đó độc giả từng đọc nhiều trinh thám đến mấy và tự suy luận được ra hàng trăm ngàn mớ kịch bản nội dung trong đầu, nhưng đến cuối cùng, sợi dây Địch Công dẫn chúng ta đi để tìm ra chân tướng thế nào cũng rẽ theo một nhánh khác. Và sự xâu chuỗi nội dung, tình tiết cực kì logic và thuyết phục.
Sức hấp dẫn từ văn hóa - lịch sử
Xuyên suốt các tập truyện, người đọc vẫn có thể cảm thấy những vụ Địch Công kỳ án không chỉ là chuyện hư cấu từ ngàn năm trước mà còn vẽ nên những bức tranh nhân tình thế thái sống động. Những nét văn hóa - lịch sử thời nhà Đường dưới triều đại Võ Tắc Thiên trị vì được tác giả Van Gulik khéo léo lồng ghép giữa các vụ án. Thậm chí, tác giả còn đưa đến cả một cái nhìn bao quát về bộ máy quan lại thời Đường, dưới thời trị vì của nữ hoàng đế.
Trong "Địch Công kỳ án", văn thơ, họa nhạc được tác giả nhắc đến rất nhiều, hiển hiện trong tác phẩm như một phần không thể thiếu. Điều đó nói lên sự phát triển hưng thịnh của thi ca hay hội họa, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần văn hóa người dân Trung Hoa thời bấy giờ.
Tính nhân văn
Mặc dù viết về văn hóa phương Đông nhưng "Địch Công kỳ án" lại được viết dưới cái nhìn lý tính của phương Tây. Không phải hình mẫu điển hình của văn chương Trung Hoa, mọi thứ được mô tả quá hoa mỹ, nhân vật chính thường rất hoàn hảo, nhân vật “thần thám” được Robert VanGuilk mô tả mang tính đánh giá rất khách quan và công bằng. Địch Công không hề hoàn hảo. Cũng như một con người chân thực, ông cũng có những tật xấu, có quan điểm bài xích và yêu ghét rất rõ rệt đối với một số vấn đề.
"Địch Công kỳ án" cũng hàm chứa những giá trị nhân văn rất lớn: Kẻ thủ ác nhất định sẽ bị trừng phạt, công lý luôn luôn chiến thắng. Có lẽ điều khiến độc giả hiện đại không thể không hứng thú và say mê, đó là lòng can đảm, nghĩa hiệp, niềm tin vững chắc vào công lý, rằng vào lúc cuối cùng, cái ác sẽ luôn bị trừng phạt. Bạn có thể tìm mua tác phẩm này tại các nhà sách.