'Khan' nguồn vốn vay ưu đãi cho gia đình nghèo mua nhà ở xã hội

01/03/2019 - 16:27
Năm 2019, ngân sách nhà nước bố trí và NHCSXH tự huy động được tổng nguồn vốn hơn 1.300 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội; tuy vậy, nguồn vốn này chỉ như “gió vào nhà trống” so với nhu cầu của người nghèo, người thu nhập thấp.
Năm 2019, hơn 1.300 tỷ đồng cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội
 
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết: Năm 2019, ngân sách nhà nước bố trí cho ngân hàng này số vốn 663 tỷ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động, tổng nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội là 1.326 tỷ đồng.
 
Về mức lãi suất gói vay ưu đãi này, trong năm 2018, Hội đồng quản trị NHCSXH đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi năm 2019 đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ là 4,8%/năm.
 
Đây quả là tin rất vui dành cho người nghèo, người thu nhập thấp đang khó khăn về nhà ở có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp để mua nhà. Nhìn lại năm 2018, nguồn vốn cho vay này cũng được triển khai là 1.000 tỷ đồng. Theo NHCSXH, tính đến 31/12/2018 đã có 59 tỉnh, thành phố thực hiện cho vay, và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao. Trong đó, nhiều chi nhánh triển khai cho vay tốt như Hà Nội đã cho vay được 62 tỷ đồng, Hà Tĩnh 54 tỷ đồng, Khánh Hòa 52 tỷ, Quảng Nam 50 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng 50 tỷ đồng...
 
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp mua nhà ở xã hội chỉ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng phân giao về các tỉnh/thành để cho vay chỉ như “gió vào nhà trống”, trong khi vẫn còn hàng trăm ngàn gia đình khó khăn về nhà ở có nhu cầu vay vốn nhưng chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp này.
 
vay-von-ngan-hang-chinh-sach-2.jpg
Mức lãi suất cho vay ưu đãi năm 2019 từ NHCSXH với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm. Ảnh H. Hòa

 

Cần mô hình tiết kiệm nhà ở - người dân chủ động tạo nguồn vốn
 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh- HoREA, cho biết: Trước đây có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi được triển khai từ năm 2013. Sau 3 năm thực hiện chính sách này, đến hết năm 2016, đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở, trong đó có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi này cũng đã có tác động làm cho nhiều người thu nhập thấp đô thị chưa được tiếp tục vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.
 
Còn nguồn vốn vay qua NHCSXH nêu trên, theo ông Lê Hoàng Châu, “thực tế đa số các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn”.
 
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng: Việc triển khai gói 30 ngàn tỷ đồng thời gian qua cho thấy gói kích thích, hỗ trợ này rất hiệu quả, đã thu hút được nguồn vốn lớn trong xã hội.
 
Theo ông Nguyễn Trần Nam, trước mắt, cần nhanh chóng triển khai cơ chế bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần cho cả chủ đầu tư và khách hàng vay mua nhà. Như vậy với 1 tỷ đồng bù lãi suất có thể huy động được thêm 33,3 tỷ đồng (dự tính mức bù lãi suất là 3%/năm) từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết thêm: Nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị ngày càng cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh giá nhà đất còn cao so khả năng chi trả. Vì vậy, cần xem xét tới mô hình tiết kiệm nhà ở để người dân chủ động tham gia tạo nguồn vốn cải thiện nhà ở cho bản thân.
 
Ông Nam lý giải thêm: “Mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở” nên là dạng “đóng”, chỉ huy động tài chính từ một nguồn duy nhất từ các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay để tạo lập nhà ở mà không được phép huy động từ các nguồn khác.
 
Mô hình này nên hoạt động theo nguyên tắc người dân tự nguyện tham gia, đóng góp và xã hội hóa; nghĩa là thay vì sử dụng vốn chính sách, thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân.
 
Một số nước đã và đang áp dụng thành công mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở như ở Đức, Malaysia, Trung Quốc, Singapore… và mô hình này có vai trò rất quan trọng trong việc mua và sở hữu nhà ở của người dân.
 
Còn Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết: Phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc do nhiều điểm nghẽn, lớn nhất chính là nguồn vốn tín dụng. Lãnh đạo hiệp hội này kiến nghị Quốc hội bổ sung "Chương trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Điều 7 Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 (ngày 28/08/2015) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách, trước hết là năm 2019, để Chính phủ có căn cứ thực hiện.
 
Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị: Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỷ đồng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách cho cả 4 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, là những ngân hàng chủ lực đã tham gia thực hiện chính sách cho vay ưu đãi các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm