Khi bố thiên vị con gái

K.Minh
22/06/2021 - 17:18
Khi bố thiên vị con gái

Ảnh minh hoạ

Nhiều người mẹ bức xúc khi chồng lúc nào cũng thiên vị con gái mà bất công với con trai. Điều đó khiến con trai luôn ấm ức và cảm thấy bị tổn thương.

Chị Đoàn Thu Minh (Thuỵ Khuê, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị có 3 đứa con. Cậu con trai 14 tuổi, 2 con gái 8 và 4 tuổi. Trong khi chị luôn công bằng với 3 con thì chồng chị là chỉ thiên vị 2 con gái và đối xử bất công với con trai.

Chồng chị luôn bắt con trai phải nhường nhịn các em, dù các em có đành hanh thế nào. Vì luôn được bố bênh chằm chặp nên 2 cô em lúc nào cũng ngang ngạnh, quá quắt với anh. Ăn uống hay đồ chơi, đồ dùng, chúng đều đòi chọn trước và tranh phần tốt hơn. Không ít lần cậu con trai ấm ức "kiện" thì bị bố mắng mỏ và cắt quyền lợi. Người bố luôn mặc định rằng, con trai phải nhường con gái và không có quyền đòi hỏi, so sánh, tị nạnh.

Mọi công việc ở nhà, người bố luôn sai con trai làm và phải làm thay 2 em gái. Người bố chiều 2 con gái nhiều khi vô lối. Con gái dù điểm 6, 7 vẫn được bố khen rối rít trong khi con trai điểm 8, 9 thì bố coi đó là đương nhiên. Ngược lại, nếu con trai được điểm 6, 7 thì bị bố mắng cho xối xả, là lười nhác, ngu dốt, rằng con trai mà học dốt thì chỉ có vứt...

Người bố còn thường xuyên tuyên bố trước mặt các con là sẽ dành 2 cái nhà cho 2 con gái sau này làm vốn trước khi lấy chồng, còn cậu con trai thì không có gì. Cậu con trai nhiều lúc cảm thấy tủi thân, thắc mắc không biết mình có phải là con ruột của bố không mà bị bố đối xử bất công như vậy. Cậu luôn cảm thấy bố lúc nào cũng đòi hỏi và tạo áp lực với mình.

Việc bố yêu chiều, thiên vị con gái thường xảy ra nhiều gia đình ở thành phố hơn. Là nạn nhân của việc "con yêu, con ghét", Đức Hùng (Khương Trung, Hà Nội) mang nhiều tâm tư trong lòng. Hùng hậm hực không biết tại sao mình là con đẻ mà bị bố đối xử không khác gì " con rơi". Cậu trở nên ghét em, hận em gái vì do em mà cậu bị bố đối xử không ra gì.

Hùng cho biết, 2 anh em chơi với nhau nhưng chỉ cần em gái khóc là cậu sẽ bị trận đòn tơi tả. Chỉ vì được bố chiều chuộng nên cô em thường xuyên giở trò ăn vạ. Bố lại chẳng bao giờ tìm hiểu nguyên nhân mà cứ em khóc là coi như con trai có lỗi.

Khi bố thiên vị con gái - Ảnh 1.

Nhiều người mẹ bức xúc khi chồng lúc nào cũng thiên vị con gái mà bất công với con trai.

Hùng bực nhất khi cùng là 2 con của bố mẹ nhưng em đòi cái gì thì bố cũng sẵn sàng mua, còn cậu thì bị "lườm cháy mặt". Chưa kể, cô em học hành ra sao cũng được nhưng cậu mà chểnh mảng, điểm kém thì  "chết đòn".

Hùng cho biết, chính sự đối xử thiên vị của bố nên cậu rất ghét đứa em gái duy nhất của mình. Trước mặt bố, cậu cố kìm nén tỏ ra hòa bình với em, nhưng chỉ cần bố đi khỏi, cậu coi em như "kẻ thù không đội trời chung". Không ít lần, những lúc bị "ăn đòn" oan, cậu đổ sự tức giận lên em bằng những cái đá, cái đấm như bố đã làm với cậu. "Điều mà con tị nạnh lớn nhất là tị nạnh trái tim bố, tâm trí bố không có chỗ cho con. Con khao khát được bố yêu thương như em", Hùng chia sẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ đối xử thiên vị giữa các con sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Trẻ thường khó quên những hành động, lời nói phân biệt đối xử của cha mẹ. Trẻ cho rằng mình không ngoan, không tốt, không giỏi... nên bị cha mẹ "hắt hủi". Suy nghĩ đó khiến trẻ luôn đánh giá thấp bản thân, ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con.

Bên cạnh đó, trẻ luôn khao khát được cha mẹ yêu thương như các anh chị em còn lại. Nếu cảm thấy mình bị "bỏ rơi", trẻ sẽ cảm thấy tủi thân, cô đơn. Tâm lý uất ức dồn nén khiến trẻ căng thẳng kéo dài, thậm chí trầm cảm hoặc trở nên nổi loạn, học hành sa sút...

Đặc biệt, khi bị đối xử thiếu bình đẳng trong gia đình, trẻ dễ nảy sinh tâm tự ti, sống khép kín và tự tách mình khỏi những buổi họp mặt đầm ấm của gia đình. Về lâu dài, việc này có thể làm tình cảm giữa trẻ và các anh chị em không còn gắn bó, thậm chí rạn nứt nếu cha mẹ không sớm phát hiện để kịp thời điều chỉnh. Tệ hơn, đứa trẻ sẽ trở nên ganh tỵ, thù ghét người thân. Tâm lý này theo trẻ đến trưởng thành, là nguồn gốc của những bi kịch gia đình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm