pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khơi dậy tiềm năng của ngành du lịch Việt
Hội An, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Quảng Nam
Chiều ngày 27/11, Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch giữa thủ đô Hà Nội, TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) với chủ đề "Dòng chảy tinh hoa" đã được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Quảng Nam.
Nội dung trọng tâm chính của Diễn đàn là thống nhất ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thủ đô Hà Nội, TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó tập trung vào các nội dung chính gồm: Công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch. Qua đó, các tỉnh, thành sẽ trao đổi thông tin liên kết xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú; phát huy lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng số du khách đến thủ đô Hà Nội chỉ đạt hơn 5,54 triệu lượt, giảm 71,4% so với cùng kỳ; tổng số du khách đến TPHCM chỉ đạt 14,3 triệu lượt, giảm 58% so với cùng kỳ. Ngành du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng bị ảnh hưởng tương tự, tổng số du khách chỉ đạt hơn 7,8 triệu lượt, giảm 62,28%. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong thời gian qua, các tỉnh, thành ở miền Trung còn phải hứng chịu thiên tai bão lũ nặng nề.
Những số liệu trên cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 là rất lớn đối với ngành du lịch, đòi hỏi các địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để khơi dậy tiềm năng của ngành du lịch Việt.
Ưu tiên hàng đầu của quá trình liên kết, hợp tác này chính là phấn đấu tăng tỉ lệ khách du lịch, góp phần phục hồi phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.
Một số đặc điểm chính của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung:
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có dân số khoảng 6,3 triệu người; vị trí nằm trên các trục đường giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và biển.
Vùng có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng du lịch. Trong đó, tiềm năng du lịch biển đảo được xem là thế mạnh với chuỗi bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn; tiềm năng du lịch di sản (3/5 di sản văn hóa vật thể thế giới ở Việt Nam); tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng.
Ngoài ra, khu vực này còn sở hữu nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn; là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em. Đặc biệt, đây là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam với 4 sân bay (Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát) và 5 cảng biển (Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội).