Khởi nghiệp chồng khởi nghiệp - “chìa khóa” từ nữ giúp việc thành bà chủ cà phê Mujo

Hoài Thương
10/07/2020 - 08:36
Khởi nghiệp chồng khởi nghiệp - “chìa khóa” từ nữ giúp việc thành bà chủ cà phê Mujo
Hình ảnh của người mẹ “buôn tảo bán tần” gánh từng gánh ốc để nuôi con ăn học và những năm tháng bản thân đi làm giúp việc nhà để trang trải thêm cuộc sống… là động lực để chị Nguyễn Thị Thanh Hương, chủ cà phê Mujo - Coffee & Restaurant (Bình Thạnh, TPHCM) không ngừng cố gắng. Câu chuyện khởi nghiệp đổi đời của chị được kể lại khiến nhiều người phải nể phục.

Biến khủng hoảng thành cơ hội đổi đời

Quán Mujo - Coffee & Restaurant (Bình Thạnh, TPHCM) của chị Nguyễn Thị Thanh Hương không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là điểm sáng văn hóa của phường. Với không gian ấm cúng và rộng rãi, quán luôn có không gian dành cho các buổi sinh hoạt, tuyên truyền của các đoàn thể tại địa phương, gần đây nhất là buổi tọa đàm cà phê khởi nghiệp do Hội LHPN TPHCM tổ chức. Đặc biệt hơn, câu chuyện của chính chủ nhân nơi đây đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ khác.

Khởi nghiệp chồng khởi nghiệp - “chìa khóa” từ nữ giúp việc thành bà chủ cà phê Mujo - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (bìa trái) phát quà cho người gặp khó khăn trong dịch bệnh covid-19

Chị Thanh Hương hiện là mẹ đơn thân, cả 2 người con của chị đều được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo. Một mình chị vừa làm bố, vừa làm mẹ và gánh trên vai rất nhiều vai trò quản lý. Để thành công như hiện tại, chị đã trải qua  nhiều gian khó.

Chị Hương chia sẻ, mẹ chị từng gánh ốc bán dạo khắp Sài Gòn để nuôi con ăn học. Bản thân chị từ nhỏ đã đi giúp việc nhà cho người khác. Tuổi thơ của chị là những năm tháng nhiều cơ cực. Ngay cả khi có đứa con đầu lòng, chị cũng vừa làm công việc chính và vừa tiếp tục đi giúp việc nhà theo giờ.

Tại sao dám bán thiếu cho khách? Vì tôi tin vào con người, tin vào những điều tốt trong cuộc sống. Nếu ai đó có lấy của mình đồng nào thì cứ nghĩ họ quá khổ rồi. Nhưng thực tế, từ khi bán thiếu đến giờ chưa có khách hàng nào quỵt tôi một đồng nào cả.

Nguyễn Thị Thanh Hương

“Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được làm cho một ngân hàng. Công việc đó cũng là ước mơ của rất nhiều người. Thế nhưng, công việc ổn định đồng nghĩa với mức lương chỉ đủ sống. Vậy nên, tôi phải tranh thủ đi giúp việc theo giờ”, chị Hương bộc bạch.

Năm 2006, chị chuyển sang làm trợ lý cho chủ chuỗi cửa hàng cháo dinh dưỡng Cây thị, bắt đầu từ đây cuộc sống của chị Hương bước sang một trang mới.

Chị Hương chia sẻ: “Tôi từng làm trợ lý chủ cửa hàng cháo cây thị với mức lương khá cao. Cũng khoảng thời gian đó tôi dồn tất cả vốn liếng để mở được một chi nhánh cháo cây thị ở huyện Củ Chi, TPHCM. Nhưng làm được 2 năm thì chuỗi cửa hàng bị đóng cửa do chứa chất phụ gia. Tôi bị mất việc. Cửa hàng cháo của tôi cũng mất khách theo. Nhiều chủ cửa hàng cháo cây thị khác như tôi đã bỏ luôn cửa hàng và mất hết vốn liếng. Lúc đó, tôi đã đổi tên tiệm cháo thành Hương thị và tự nấu để bán. Tôi đặc biệt quan tâm về chất lượng”.

Khởi nghiệp chồng khởi nghiệp - “chìa khóa” từ nữ giúp việc thành bà chủ cà phê Mujo - Ảnh 3.

Với chị Thanh Hương, con cái là động lực để chị luôn cố gắng.

Lần khởi nghiệp này, chị đã làm mới mô hình và tạo điểm nhấn bằng cách dành khoảng không gian vui chơi cho các bé, phụ huynh có thể mua mang về hoặc ngồi tại quán để cho con ăn. Thời gian đầu, chị phải dậy từ 3 giờ sáng để xuống cửa hàng cháo ở huyện Củ Chi để tự nấu và bán. Chị làm bằng tất cả cái tâm và công sức. Đúng 1 năm sau, chị đã phát triển thêm 8 cửa hàng mới. Hiện nay các cửa hàng đó vẫn duy trì ổn định.

Không ngủ quên trong chiến thắng

Khi có trong tay chuỗi cửa hàng cháo dinh dưỡng với doanh thu hơn 100 triệu mỗi tháng, thế nhưng chị Hương chưa bao giờ suy nghĩ dừng bước. Chị cho biết: “Tranh thủ thời gian rảnh tôi vẫn học thêm, làm thêm lĩnh vực mới vì tôi sợ một lúc nào đó cháo dinh dưỡng sẽ bão hòa. Biết thêm một nghề mới nếu lỡ có giảm sút thì còn có nghề khác để bám vào. Mà đúng là như vậy, hiện nay cháo dinh dưỡng không còn đem lại lợi nhuận nhiều như trước kia”.

Khi chuỗi cửa hàng cháo dinh dưỡng hoạt động ổn định, chị tiếp tục xin vào làm cho một công ty Marketing. Sau 1 năm, chị mua lại một phần cổ phần của công ty và lên vai trò Giám đốc điều hành. Hiện tại đang khởi nghiệp chồng khởi nghiệp bằng cách kinh doanh thêm lĩnh vực mới là nhà hàng kết hợp với quán cà phê.

Khởi nghiệp chồng khởi nghiệp - “chìa khóa” từ nữ giúp việc thành bà chủ cà phê Mujo - Ảnh 4.

Gương phụ nữ khởi nghiệp thành công.

Năm 2017, chị mở cà phê Mujo - Coffee & Restaurant ở TPHCM. Ban đầu chị kinh doanh vì sự yêu thích nhưng khi tìm hiểu và bắt tay vào làm thì chi phí ngày càng “đội” lên. Chị quyết định bán nhà để đầu tư cho quán. “Khi chuỗi cửa hàng cháo và công ty marketing bắt đầu chậm thì tôi nghĩ đến phương án làm nhà hàng cà phê. Lúc đó, trình độ nấu ăn của tôi thì không có, làm theo yêu thích nên rất khó. Nhiều người bạn nhìn tôi ngao ngán, đầu tư như vậy thì bao lâu mới lấy lại vốn. Khi quán mở lên, số lượng khách vào rất ít. Cơm trưa văn phòng mỗi buổi chỉ có 20 suất mà thôi. Thực sự lúc đó, tôi đã rất hoang mang”, chị Hương kể lại.

Để thu hút khách hàng vào ăn cơm trưa, dùng cà phê và biết đến nhà hàng của mình, chị đã cho nhân viên đi mời khách ở khu vực lân cận và chấp nhận cho khách mua ký nợ.

Chị Hương phân tích: “Thời gian đầu, khách thấy quán hơi sang nên sợ đắt tiền không vào ăn. Nhưng thực ra mình bán 35 nghìn đồng/phần cơm trưa giống như các cửa hàng khác. Tôi cho nhân viên đi hết con đường mời khách đến ăn. Chấp nhận bán thiếu cho khách. Tôi liên hệ với một số công ty ở cạnh để bán thiếu, người ăn sẽ dùng phiếu để mua cơm và thanh toán vào cuối tháng”.

Khởi nghiệp chồng khởi nghiệp - “chìa khóa” từ nữ giúp việc thành bà chủ cà phê Mujo - Ảnh 5.

Chị Hương tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Khi số lượng khách hàng đến mua ký nợ càng nhiều thì khó khăn ở khâu nhập nguyên liệu đầu vào càng lớn. Bởi vì, toàn bộ số vốn chị đã đầu tư vào cơ sở vật chất, chị không cò đủ tiền để nhập nguyên liệu. Giữa cái khó, chị đã nhờ một người bạn cũng bán quán cơm mua gối đầu (ký nợ) giúp.

“Tôi phải làm liều cho khách nợ thôi vì tiền đổ dồn làm quán rồi. Nếu bán không được tôi cũng mất hết. Vậy nên từ 20 suất/buổi trưa, tôi đã nhanh chóng tăng lên 200 suất/buổi trưa. Nhất là lúc có dịch bệnh, số lượng cơm được giao lại càng tăng lên” - chị Hương cho hay.

Khi đại dịch covid-19 xảy ra, chị không còn quá hoang mang, lo lắng. Bởi lẽ chị đã có kinh nghiệm vượt khủng hoảng từ 13 năm về trước. Mỗi lần thách thức là mỗi lần chị có cách vươn lên. Trong mùa dịch, chị linh hoạt chuyển từ hình thức bán cơm tại chỗ sang giao cơm tận nơi.

Nhờ sử dụng túi nilon tự hủy bằng tinh bột mỳ và ưu tiên các vật liệu thân thiện môi trường nên cơm trưa của công ty chị được nhiều đoàn thể lựa chọn. Một ngày chị bán từ 500-800 phần cơm giao đi với giá 35 nghìn đồng/phần. Nhờ tạo được điểm nhấn trong “mùa giao cơm” do dịch bệnh nên chị đã giữ chân khách đến tận bây giờ.

Chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp, chị Hương cho biết: “Tôi nghĩ là cái tâm quan trọng lắm. Lợi nhuận là một chuyện nhưng phải có chất lượng an toàn, mình ăn gì khách ăn như vậy. Ngoài đời sống thì tôi nghĩ sống tốt sẽ nhận lại điều tốt. Tôi đã cùng các chị bên hội phụ nữ phường mở bách hóa 0 đồng mùa dịch, tham gia các hoạt động của địa phương. Bên cạnh đó, tôi luôn ưu tiên chọn sinh viên vào làm thêm trong quán. Tôi muốn hỗ trợ cho các bạn có thu nhập, được học kỹ năng sống để các bạn có đi ra môi trường khác thì cũng có thêm kiến thức. Bản thân tôi đã từng vừa đi học vừa đi làm thuê nên tôi hiểu được giá trị đồng tiền”.

Khách hàng tại TPHCM có nhu cầu đặt cơm hoặc dùng cà phê thì liên hệ chị Nguyễn Thị Thanh Hương qua số điện thoại: 096 699 33 99 hoặc đến trực tiếp địa chỉ cà phê Mujo - Coffee & Restaurant 135 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, Bình Thạnh, TPHCM.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm