pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cà phê khởi nghiệp tiết lộ bí quyết vượt khủng hoảng do đại dịch Covid-19
Tại chương trình cà-phê khởi nghiệp “Chia sẻ để vươn cao” với chủ đề: “Tạo sức mạnh - Vượt qua thách thức trong kinh doanh” do Hội LHPN TPHCM tổ chức, nhiều khách mời tham gia chương trình đã chia sẻ các bí quyết vượt khủng hoảng một cách “ngoạn mục”.
Mở đầu cho chương trình là câu chuyện vượt khủng hoảng của chị Nguyễn Thị Thanh Hương, chủ cà phê Mujo - Coffee & Restaurant (Bình Thạnh, TP.HCM). Đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến nhà hàng của chị bởi vì chị đã có kinh nghiệm vượt khủng hoảng từ 13 năm về trước.
Chị Hương chia sẻ: “Tôi từng làm trợ lý chủ cửa hàng cháo cây thị với mức lương khá cao. Cũng khoảng thời gian đó, tôi dồn tất cả vốn liếng để mở được một chi nhánh cháo cây thị ở huyện Củ Chi, TPHCM. Nhưng làm được 2 năm thì chuỗi cửa hàng bị đóng cửa do chứa chất phụ gia. Tôi bị mất việc. Cửa hàng cháo của tôi cũng mất khách theo. Nhiều chủ cửa hàng cháo cây thị khác như tôi đã bỏ luôn cửa hàng và mất hết vốn liếng.
Lúc đó, tôi đã đổi tên tiệm cháo thành hương thị và tự nấu để bán. Tôi đặc biệt quan tâm về chất lượng. Điểm nhấn của quán là có thêm một khoảng không gian vui chơi cho các bé, phụ huynh có thể mua mang về hoặc ngồi tại quán để cho con ăn. Đúng 1 năm sau, tôi đã phát triển thêm 8 cửa hàng mới. Hiện nay các cửa hàng đó vẫn duy trì ổn định.
Với mô hình kinh doanh cà phê Mujo - Coffee & Restaurant ở TPHCM, khi đại dịch covid-19 xảy ra, tôi không còn quá hoang mang, lo lắng. Ở đây, tôi kinh doanh cà phê kết hợp bán cơm văn phòng và tầng trên làm nhà hàng nhỏ. Tôi đã linh hoạt chuyển sang giao cơm thay vì bán tại chỗ như lúc không có giãn cách. Tôi sử dụng túi nilon tự hủy bằng tinh bột mỳ và ưu tiên các vật liệu thân thiện môi trường. Một ngày tôi bán từ 500-800 phần cơm giao đi với giá 35 nghìn đồng/phần. Bao bì tự hủy vừa sạch sẽ vừa bảo vệ môi trường đã tạo được điểm nhấn trong “mùa giao cơm” do dịch bệnh. Đó là cách để tôi giữ chân khách đến bây giờ”.
Cũng là khách mời chia sẻ tại chương trình, chị Hoàng Thị Mộng Thu, CEO công ty TNHH Hoàng Thu Yến- Kinh doanh yến sào và sữa chua tổ yến Yosanest, cho biết: “Để ổn định được sản phẩm trong mùa dịch quả là không dễ. Trong mùa dịch vừa qua, tôi thường hay dành đi giao hàng với nhân viên. Bởi vì, khi dịch bệnh nếu nhân viên đi giao hàng mà không kỹ càng thì dễ ảnh hưởng đến khách hàng và cả hệ thống công ty. Nhất là với những khách hàng mới mua lần đầu, tôi muốn tận tâm chăm sóc cho khách hàng trước và tạo được thiện cảm. Mình là chủ thì mình đi trước để hiểu được khách hàng. Dòng yến sào trên thị trường có rất nhiều nếu tôi không chăm sóc tốt thì dễ mất khách. Sự khác biệt của sản phẩm nằm ở chất lượng, hình ảnh sản phẩm và cách phục vụ. Tôi tin rằng, khi chăm sóc tốt thì lúc nào khách hàng cũng không quay lưng lại với mình”.
Đối với diễn viên Quỳnh Phượng, chị cũng đã kinh doanh online từ năm 2012 với các sản phẩm chủ yếu là các mặt hàng thời trang. Trong mùa dịch, công việc chính là diễn viên của chị bị gián đoạn và nghề tay trái đã trở thành nguồn thu nhập chính.
Diễn viên Quỳnh Phượng cho hay: “Khi không có dịch thì tự mình đi tìm nguồn hàng và bảo đảm đó là hàng thật, không có qua trung gian nên giá cả được tốt nhất. Khi có dịch, mình không thể đi lấy hàng. Muốn có hàng thì bắt buộc lấy hàng qua một đơn vị trung gian, giá cả sẽ bị đội lên. Vậy nên mình đã nghĩ ra cách để làm thêm trong mùa dịch. Thời gian rảnh ở nhà thì bán thêm món ăn, những mặt hàng thực phẩm, giải khát để phục vụ mọi người. Thực ra bán tạm thời như vậy thì không có lợi nhuận nhiều nhưng đó cũng là cách để giữ chân khách hàng ở lại với mình. Khách hàng không bỏ đi thói quen tìm kiếm trang của mình để tương tác. Đó là cách chuyển đổi nho nhỏ của mình để giữ được hoạt động kinh doanh về sau”.
Có thể thấy, trong nhiều giải pháp để tồn tại qua mùa dịch là nhiều cửa hàng chuyển dần sang kinh doanh online. Vậy làm sao để kinh doanh online đạt hiệu quả tối ưu sau tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19.
Chị Võ Thái Thảo, Giám đốc điều hành của Việt Nam Digital 4.0 đã nhấn mạnh tại chương trình: “Kinh doanh hiện nay, nếu phân biệt online và offline thì sẽ khó. Thời đại này kinh doanh áp dụng online hiển nhiên vì có nhiều công cụ hỗ trợ miễn phí. Thế nhưng, theo tôi, chúng ta “Không bao giờ bỏ trứng vào một rổ”. Chúng ta nên phân bổ mỗi mảng một tí, quan tâm cả online và offline. Để phòng trường hợp nếu có một sự cố như đại dịch nào đó lại tiếp tục xảy ra thì mình không bị chới với, dẫn đến tình trạng bị đóng cửa, phá sản… Kinh doanh online tốt thì người khởi nghiệp phải hiểu tâm lý khách hàng và làm rõ sản phẩm kinh doanh của mình. Các chị nên tham gia nhiều lớp học về kinh doanh để lắng nghe những thông tin bổ ích và ứng dụng sao cho hợp lý nhất”./.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội LHPN TPHCM đã tổ chức chương trình cà phê khởi nghiệp mỗi quý một lần. Chương trình đầu tiên đã diễn ra quý 2/2019.
Trong quý 2/2020, chương trình được tổ chức vào ngày 27/6 với chủ đề: “Tạo sức mạnh - Vượt qua thách thức trong kinh doanh”. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực quản lý sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và các doanh nhân nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh như: Tiến sĩ Đào Lê Hòa An, Phó viện trưởng viện Việt Nam Bách Nghệ Thực Hành - Thành viên Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp Quốc Gia khu vực phía Nam (VCCI); diễn viên Quỳnh Phượng, người kinh doanh online có nhiều kinh nghiệm; chị Võ Thái Thảo, Giám đốc điều hành của Việt Nam Digital 4.0 và hơn 60 hội viên, phụ nữ hiện đang có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.