Rất nhiều luồng ý kiến khen chê đã được đưa ra để tranh luận về phương pháp giáo dục này của cô giáo. Phía đồng tình cho rằng đây là hành động tích cực của cô giáo nhằm khích lệ học sinh. Ngược lại, số khác phản đối vì không thể dùng vật chất để kích thích học sinh học tốt.
Còn tôi, theo quan điểm cá nhân của một người mẹ có con chuẩn bị ra nước ngoài theo suất học bổng toàn phần mà cháu tự xin được, tôi sẽ không bao giờ dùng tiền để “mua” điểm tốt từ con. Nói ra điều này, nhiều người sẽ nói, tôi may mắn sinh được con học giỏi thì việc gì phải dùng tới phương pháp này.
Xin thưa, con tôi không thông minh hơn người, thành tích học của cháu từ nhỏ đến khoảng cách đây 3 năm cũng chẳng có gì nổi trội. Ngược lại, năm cháu học lớp 8, cháu còn là học sinh đứng cuối lớp khiến tôi đã phải rất đau đầu, buồn khổ.
Vào kỳ họp cuối năm học đó, cô giáo chủ nhiệm đã gặp riêng tôi, trao đổi rằng, nếu con không thay đổi, cô e sợ con sẽ không thi đỗ được vào lớp 10 trường THPT công lập. Cả lớp con tôi có 20 bạn gái thì đa phần đều chăm chỉ, chỉ có con tôi là ý thức học tập kém, lực học cũng lết bết. Trong khi đó, vợ chông tôi chỉ là viên chức Nhà nước, thu nhập hằng tháng trông vào đồng lương khiêm tốn. Vì thế, tôi chắc chắn không đủ khả năng để gửi con vào trường tư với mức học phí cao gấp vài ba lần trường công.
Trở về nhà hôm đó, tôi đã gọi con vào phòng nói chuyện riêng. Tôi hỏi con nghĩ gì về tương lai của mình mà lại học như vậy. Tôi thấy con lúng búng, không trả lời được điều gì rõ ràng. Rồi con còn chống chế: “Đầy bạn khác bằng tuổi con mà giờ đã bỏ học, nghiện hút thì sao. Mẹ đừng có trách con mà phải cảm ơn con vì con vẫn chưa bỏ học đó mẹ”.
Nghe con nói đến đây, tôi đã hiểu khúc mắc vấn đề ở đâu. Thì ra, con tôi có quan niệm, học là cho bố mẹ chứ không phải cho chính con. Vì thế, tôi cần biết ơn vì con đã học tốt, cũng như khi con học kém thì đương nhiên người phải buồn bã, lo lắng lại chính là tôi chứ không phải cháu.
Ngày hôm sau, tôi đem về cho con một tờ báo, trên đó có đăng hai tin hoàn toàn trái ngược nhau. Một tin về một thanh niên đi ăn trộm bị Tòa tuyên án 3 năm tù giam. Một tin về một bạn trẻ vừa được mấy trường đại học ở Mỹ cấp học bổng vài tỷ đồng. Tôi nói với con hãy đọc tin và chọn xem mình muốn trở thành người như thế nào.
Nếu con muốn sau này phải chui lủi, ăn cắp, ăn trộm, bị mọi người ghét bỏ, có thể không cần học nữa. Ngược lại, con muốn được bước ra thế giới thì phải học cho tốt. “Chẳng bố mẹ nào có thể giúp con mãi được. Rồi một ngày, bố mẹ cũng qua đời vì thế cuộc đời của con ra sao chỉ phụ thuộc vào con thôi”.
Tôi cũng nói rõ với con, tôi sẽ không cảm ơn con vì con học giỏi. Cũng như, tôi cũng chẳng buồn phiền vì con học dốt nữa. Chúng tôi đã có đủ sự nghiệp của chính mình nên không cần dựa vào thành tích học của con để “làm đẹp” bản thân, cũng như sẽ chẳng xấu hổ khi con mình học dốt. Chúng tôi sẽ chỉ xấu hổ khi chưa làm hết sức có thể để nuôi nấng, dạy dỗ con mà thôi. Vì thế, người con cần cảm ơn hay trách cứ chỉ là bản thân của con mà thôi.
Tất nhiên, cũng phải qua vài bài học tương tự như vậy nữa thì con tôi mới dần thay đổi. Cháu bắt đầu có trách nhiệm với bản thân mình, coi việc học là của cháu và cho cháu. Còn chúng tôi, bề ngoài tỏ ra rất bình thản, không bình luận hay phán xét con. Khi con cần chúng tôi trợ giúp như cho tiền đóng học, mua sách vở, dụng cụ học tập... chúng tôi đều đáp ứng tối đa. Cuối năm học đó, cháu vươn lên đứng ở top khá của lớp và đã đậu vào trường công lập tốt trong quận. Khi tốt nghiệp cấp 3, cháu đã xin được học bổng toàn phần.
Từ kinh nghiệm nuôi con, tôi hiểu rằng, chỉ khi nào mỗi đứa trẻ hiểu được trách nhiệm của mình với chính bản thân mình thì chúng mới học tốt được. Khi đó, trẻ sẻ luôn tự giác học hay làm những gì mà trẻ cho là cần mà không cần chờ đợi phần thưởng của người khác. Trẻ cũng nên chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Nếu như người lớn trả tiền mỗi khi trẻ được bài kiểm tra điểm cao, sẽ khiến trẻ nghĩ rằng, trẻ học là để được nhận tiền. Trách nhiệm trả tiền cho việc học của trẻ là bố mẹ/thầy cô. Khi người lớn không có tiền trả nữa thì trẻ sẽ không học. Thêm nữa, trẻ cũng sẽ nghĩ học chỉ là để “làm đầy túi” bằng tiền, chứ không phải học để làm giàu kiến thức cho bản thân.