pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không được cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Cận cảnh lễ thượng cờ trên ngọn núi cao nhất của huyện đảo Lý Sơn. Ảnh minh họa: Lâm Phan/Vietnam+
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, nội dung được nhiều cử tri, nhân dân quan tâm là về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Thảo luận tại hội nghị, theo đại biểu Lê Minh Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, đặc thù của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng quốc gia, được ghi trong Hiến pháp thì cần có quy định riêng để điều chỉnh và phải được đối xử đặc biệt hơn so với các tác phẩm văn học nghệ thuật thông thường khác.
Đại biểu này nhất trí với đề xuất bổ sung quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca, song từ thực tế vừa qua đã có một số vụ việc gây ảnh hưởng đến quyền của người dân trong việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Theo đó, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, cần có quy định để vừa bảo đảm tính pháp lý, sự tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca, vừa bảo đảm tính phổ biến đến Nhân dân và hội nhập quốc tế.
Trình bày Báo cáo Một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết: Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng.
Qua đó nhằm bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến Nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, về nội dung cụ thể Chính phủ đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật, "Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật" là nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật, hơn nữa cũng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ nên đề nghị không bổ sung vào Điều 7.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 như sau: "Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca".
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.