Không ép con 'kế thừa' giấc mơ dang dở của bố

03/07/2018 - 06:14
“Anh không thể bắt con gánh ước mơ dang dở của mình. Anh sẽ trân trọng khát vọng tương lai của con, để còn được sống là chính mình”, tôi rưng rưng khi nghe anh nói.

Mùa hè năm nay, con trai lớn của anh chị tốt nghiệp THPT. Cháu muốn thi vào các trường kỹ thuật cơ khí nhưng anh trai tôi cứ nằng nặc đòi thằng bé học ngành y hoặc dược. Chuyện mong ước của anh mâu thuẫn với sở thích của thằng bé đã khiến gia đình tôi nhiều phen bất hòa, đến mùa hè này càng trở nên nghiêm trọng vì cháu sắp phải chọn trường đại học.

fotolia_37327666_subscription_xl.jpg
Nhiều bố mẹ Việt Nam có một sai lầm và ích kỷ kinh điển là mong đời con thực hiện những dang dở đời mình.
Ảnh minh họa

 

Thời trai trẻ, anh có tâm nguyện trở thành bác sĩ nhưng lúc đó vì biến cố gia đình, anh rẽ sang buôn bán kinh doanh kiếm tiền. Cuộc đời cứ thế cuốn trôi, đến khi có tiền thì anh đã nhiều tuổi, ước mơ trở thành dang dở. Bây giờ khi có kinh tế, anh vẫn không cam lòng. Anh cho rằng tiền không thỏa mãn được khi giấc mơ đời mình không thành. Anh nuôi con và mong nó thực hiện nốt ước mơ dang dở của đời mình.

 

Ngay từ bé, anh đã mua cho nó rất nhiều đồ chơi y khoa, thường kể với nó về giấc mơ của mình, thường nói với nó về ý nghĩa cao đẹp của nghề thầy thuốc. Khi thằng bé vào bậc THPT thì chính thức anh dùng quyền cha mẹ để định hướng con trai học giỏi Toán, Sinh học, Hóa học, Ngoại ngữ.

 

Mùa hè năm lớp 11 của nó, hai bố con đã có lần cãi nhau nảy lửa thì thằng bé nói rằng nó không thích y dược, nó chỉ thích sản xuất cơ khí. Ước mơ của thằng bé là sau này sản xuất ô tô. Thế rồi, anh thì ra lệnh cho người thân phải động viên thằng bé hiểu ý nghĩa cao đẹp của nghề y. Còn thằng bé thì lại đi vận động ông bà, cô dì chú bác ủng hộ ước mơ của nó. Có lúc, anh còn thẳng thắn cưỡng ép con rằng nếu học y dược thì anh chu cấp, nếu học ngành khác, anh mặc kệ.

 

Vì anh dạy con bằng những dở dang của đời mình nên rất nhiều lần, gia đình chúng tôi chia thành hai phe: Người đứng về phía anh động viên thằng bé nghe lời, cố giảng giải, định hướng nó; người tôn trọng quyết định thằng bé cố giải thích cho anh rồi bị anh trách “người lớn mà nghe lời trẻ con”.

 

Mùa thi cử cuối cấp gần tới, nắng thì gay gắt, thằng bé vừa học vừa phải đấu tranh với ước mong của bố, với tâm nguyện mà anh ép nó kế thừa. Còn anh thì đổi sắc giọng hết từ ngọt ngào kể lể về cô này chú kia làm bác sỹ giàu có thế nào, được trọng vọng ra sao... đến trách giận. Anh nài nỉ với thằng bé: “Đó là ước mơ lớn nhất đời bố, bố không có điều kiện thực hiện, giờ con hãy thực hiện nó thay bố”.

 

Hôm cuối tuần vừa rồi, thằng bé bỗng dưng đi học và không thấy về khiến cả nhà hốt hoảng đi tìm. Đến khi thầy giáo chủ nhiệm của cháu gọi điện cho anh trai tôi nói rằng: “Em đang ở nhà tôi, nói với tôi rằng em thích học cơ khí, trở thành một kỹ sư, không thích trở thành bác sỹ, dược sỹ. Em không muốn bố thất vọng nhưng em cũng không muốn từ bỏ mơ ước của em.

 

Tôi cho rằng, anh đã từng kiên định với ước mơ thì con trai anh bây giờ cũng vậy, cũng rất khao khát. Chỉ là hai bố con đã ước mơ những điều không giống nhau. Hay là sau này để cậu bé nói với con trai rằng thời trẻ bố đã thực hiện ước mơ của ông nội, bây giờ con phải thực hiện ước mơ của bố...”. Đến lúc này, anh tôi mới giật mình nhận ra, chỉ vì sự ích kỷ, hẹp hòi của mình mà rất có thể anh sẽ... mất con trai.

 

Tôi nhớ một người bạn từng nói rằng: Nhiều bố mẹ Việt Nam có một sai lầm và ích kỷ kinh điển là mong đời con thực hiện những dang dở đời mình. Anh bạn ấy cũng là một biểu trưng sâu sắc cho việc chán nản bởi cả tuổi trẻ chỉ thực hiện ước mong của cha mẹ, đến khi nhiều tuổi mới nhận ra mình chưa sống đời mình, chưa là nhân vật chính của đời mình.

 

Giờ đây, tôi rất mừng vì cách nghĩ của anh trai tôi đã hoàn toàn thay đổi. “Anh không thể bắt con gánh ước mơ dang dở của mình. Anh sẽ trân trọng khát vọng tương lai của con, để còn được sống là chính mình”, tôi rưng rưng khi nghe anh nói.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm