Cái Đẹp cảm hóa cái Ác, tại sao không?
Bình luận về chuyện này, Thái Phiên cho biết, trước hết anh rất muốn kể câu chuyện khá ví von sau đây: Ở một vương quốc nọ có tên cướp khét tiếng giết người không gớm tay. Vào 1 đêm thu, hắn lẻn vào hoàng cung với ý định giết công chúa để cướp nữ trang và viên ngọc quý mà nàng thường mang trên người. Trong ánh sáng mờ ảo chan hòa cùng bóng tối của căn phòng, hắn đã rút gươm ra và nhẹ nhàng tiến đến bên giường của công chúa. Khi thanh gươm đã vung lên, thì ngay lúc đó áng mây vừa tan nhường chỗ cho ánh trăng tỏa nhẹ xuống hoàng cung̣. Qua ánh sáng lung linh huyền ảo, hắn thấy trước mắt mình là một thân thể kiều diễm của công chúa đang khỏa thân và say sưa trong giấc điệp. Lần đầu tiên trong cuộc đời ngang dọc, tên cướp đã sững sờ đứng lặng trước vẻ đẹp thánh thiện của tạo hóa. Hắn đã run tay, đành phải âm thầm rút lui vào bóng đêm.
Thái Phiên cho biết: “Cái Đẹp mong manh, nhỏ nhoi còn sót lại trong phần Người của tên cướp đã cảm hóa được và chiến thắng cái Ác cố hữu trong phần Con của hắn. Tôi cho rằng, đó là triết lý muôn đời của nghệ thuật, của lẽ sống, qua câu chuyện mang đậm tính huyền thoại trên”.
Theo Thái Phiên, từ thời kỳ Phục Hưng, trong những nhà thờ công giáo đã xuất hiện nhiều bức họa khỏa thân ca ngợi vẻ đẹp thánh thiện của con người. Nhiếp ảnh ra đời sau hội họa, nhưng trong quá trình hình thành và phát triển bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật trên thế giới (hơn 150 năm), ảnh khỏa thân cũng đã có mặt ngay từ những ngày đầu và song song phát triển với những thể loại khác cho đến nay. Bằng khát vọng luôn vươn tới vẻ đẹp của cuộc sống, tình yêu và cả vẻ đẹp của thân thể, các nhà nhiếp ảnh đã đi tìm cho mình những cảm hứng nghệ thuật về đề tài này để đạt tới những tác phẩm nghệ thuật đích thực, ca ngợi vẻ đẹp cả tâm hồn và hình thể người phụ nữ (lẫn nam giới). Đó là những tác phẩm nghệ thuật đầy tính nhân bản, tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống mà thân thể con người là một hiện thân tuyệt vời.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên cho biết, chỉ cần gõ tìm vài dòng trên google, thì hiện lên trăm ngàn kết quả ảnh thô tục, khiêu dâm. Chưa kể những scandal “ảnh nghệ thuật” của những ca sĩ, diễn viên, người mẫu, đã làm cho không khí trong lành của nhiếp ảnh nghệ thuật chân chính ít nhiều bị ô nhiễm. Ranh giới vô hình giữa hai loại ảnh khỏa thân cũng khiến người làm nghệ thuật chân chính bị tổn thương. Loại ảnh “Naked” là dung tục, phơi bày ra một cách tự nhiên cơ thể con người, không bao hàm nghĩa nghệ thuật. Còn thể loại ảnh “Nude”, dù đã thoát y, nhưng phải qua xử lý của người nghệ sĩ bằng kỹ thuật ánh sáng, góc độ, sắc độ, bố cục, đường nét. Ảnh nude phải toát lên được vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, nhất là người phụ nữ.
Tác phẩm 'Ngày đi như bóng nắng' nằm trong bộ ảnh nude 'Bước thời gian' đã giúp nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên giành tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc - tước hiệu cao nhất của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam |
Nghệ sĩ chân chính không khoanh tay ngồi nhìn cái Đẹp
Về thông tư 01/2016 (*) sắp có hiệu lực, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên rất bức xúc. Anh cho rằng, nếu cấm người đẹp có danh hiệu, người mẫu không được chụp và phát tán ảnh không có xiêm y, thì hóa ra lại mở cửa cho những người làm trong các ngành khác chăng! Cụm từ “thuần phong mỹ tục” được đo lường thế nào? Người dân tộc cởi áo suốt, có vi phạm thuần phong mỹ tục hay không? Các lễ hội nõ nường thì sao? Các lễ hội tắm khỏa thân của người Thái trắng thì sao?
Bàn về tính thấu đáo của thông tư 01/2016, tác giả của cuốn sách ảnh nude “Xuân thì” còn đưa ra hàng loạt giả thiết. Ví như các người đẹp, người mẫu không được đưa hình nude lên mạng, nhưng nếu in hình theo kiểu tờ rơi thì có vi phạm hay không? Và chỉ cần gõ từ “SEX” trên mạng thì ra đủ thứ bậy bạ, cơ quan quản lý văn hóa có cấm được hay không? Và những người mẫu khỏa thân trong các trường mỹ thuật, được chụp lại để làm mẫu vẽ cho sinh viên mỹ thuật và điêu khắc, thì thế nào?
Với những ý kiến phản biện đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên khẳng định, dù có bao nhiêu thông tư như vậy được ban hành đi chăng nữa thì các nghệ sĩ sáng tác vẫn tiếp tục công việc của họ. Sáng tạo nghệ thuật như những luồng nước chảy ngầm ở các dòng sông. Các diễn đàn về nhiếp ảnh vẫn bàn luận và trao đổi kinh nghiệm chụp hình nude rất rộn ràng và bình thường. Danh họa Tây Ban Nha Francisco de Goya từng nói trước Tòa án Giáo hội: “Thân thể trần truồng của người đàn bà là tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa, còn ý thức tà dâm về sự trần truồng ấy là sản phẩm của bản chất lưu manh”.
“Tôi cho rằng, biết là lửa sẽ gây cháy nhà nhưng không vì thế mà cấm người ta xài hộp quẹt. Và cơ quan văn hóa lẽ ra cần khuyến khích các nghệ sĩ nhiếp ảnh chân chính và người mẫu, người đẹp chụp hình ảnh nude nghệ thuật để họ tạo ra các tác phẩm đẹp, như khu vườn muốn tuyệt vời thì cần chăm sóc, tưới tắm để hoa trái phát triển, còn hơn là để cỏ dại mọc tùm lum, chẳng ra gì!”, nghệ sĩ Thái Phiên nhấn mạnh.
(*) Thông tư 01/2016 TT-BVHTTDL (quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79/2012 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/5/2016. Điểm a, khoản 1 điều 3 của Thông tư 01/2016 quy định các hành vi mà người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện là chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục; sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông. |