Không thể đánh đổi tính mạng con người qua việc tạo "miễn dịch cộng đồng" ngăn chặn Covid-19

Nhu Thụy
14/03/2020 - 10:01
Không thể đánh đổi tính mạng con người qua việc tạo "miễn dịch cộng đồng" ngăn chặn Covid-19
Trước chiến lược ngăn chặn Covid-19 gây “sốc” của chính phủ Anh là để 60% dân số mắc bệnh và phát triển “miễn dịch cộng đồng”, nhiều chuyên gia lên tiếng rằng đây là cách làm nguy hiểm. Với tốc độ lan nhanh của bệnh dịch như hiện nay, càng trì hoãn việc dập dịch thì càng phải trả giá rất lớn bằng tính mạng của con người.

Chặn dịch Covid-19 "kiểu Anh"

Ngày 13/3, ông Patrick Vallance - Trưởng Cố vấn khoa học của Chính phủ Anh đã chia sẻ với báo giới rằng, Covid-19 - căn bệnh do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây nên - có thể trở thành bệnh theo mùa với cách duy nhất để bảo vệ người dân chính là phát triển "miễn dịch cộng đồng" (herd immunity). Ông cho rằng, khoảng 60% dân số của nước này cần phải nhiễm Covid-19 để tạo nên "miễn dịch cộng đồng" nhằm giúp ngăn chặn dịch bệnh lây truyền trong tương lai.

Ông Patrick Vallance - Trưởng Cố vấn khoa học của Chính phủ Anh nói chuyện với báo giới về miễn dịch cộng đồng

Ông Patrick Vallance - Trưởng Cố vấn khoa học của Chính phủ Anh nói chuyện với báo giới về miễn dịch cộng đồng

Hiện dân số Anh là khoảng 67 triệu người. Số ca bệnh Covid-19 ở Anh được ghi nhận đã tăng lên 798 ca và đã có 11 người chết. Tuy nhiên, cố vấn Patrick tin rằng số người nhiễm thật sự vào lúc này ở Anh là từ 5.000 - 10.000 người. "Cộng đồng sẽ miễn dịch với dòng virus này và đó sẽ là một phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh này về dài hạn. Khoảng 60% (dân số) là con số mà các bạn cần để tạo ra miễn dịch cộng đồng", ông Patrick Vallance giải thích.

Ông Vallance đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Thủ tướng Anh Boris Johnson trong việc không lập tức đóng cửa các trường học hay ngừng các sự kiện thể thao hoặc cách ly những người lớn tuổi để ngăn chặn virus corona... Hiện tại vẫn chưa có vaccine chính thức để phòng ngừa virus SARS-CoV-2 nên ông Vallance khẳng định rằng chiến lược của Anh sẽ có tác dụng. Ông nói rằng mục tiêu của chiến lược này là "hạ thấp đỉnh dịch, kéo dài nó ra", cho phép người dân Anh phát triển "miễn dịch cộng đồng" trong khoảng thời gian mùa Hè để tự bảo vệ bản thân họ trong trường hợp đợt dịch thứ hai bùng phát trong mùa Đông tới.

Nhân viên y tế đang di chuyển một bệnh nhân ở thành phố Brighton

Nhân viên y tế đang di chuyển một bệnh nhân ở thành phố Brighton

Khi được hỏi tại sao Anh không áp dụng các biện pháp mạnh tay như Trung Quốc, Hong Kong hay Singapore…, ông Vallance nói: "Khi các bạn kiềm chế rất mạnh tay một thứ gì đó rồi sau đó thả lỏng các biện pháp, nó sẽ nảy bật trở lại mạnh mẽ hơn vào một thời điểm không mong muốn".

Không chỉ có ông Vallance mà ông David Halper - một thành viên thuộc Nhóm cố vấn khoa học cho các tình huống khẩn cấp thuộc chính phủ Anh cũng tuyên bố chiến lược cho tình hình dịch hiện tại là chủ động để virus lây lan trên diện rộng đến khi đủ người nhiễm sẽ tự hình thành cơ chế miễn nhiễm cộng đồng và chặn đứng virus, hay còn gọi là thả nổi đỉnh dịch.

Mâu thuẫn nội bộ "xứ sở sương mù"

Trước tuyên bố của ông Patrick Vallance về cách chặn dịch "kiểu Anh", các chuyên gia y tế thế giới khẳng định, việc tạo miễn dịch cộng đồng bằng cách để lây nhiễm tự nhiên đối với dịch Covid-19 sẽ phải trả giá rất đắt. Miễn dịch cộng đồng là một hình thức bảo vệ gián tiếp chống bệnh truyền nhiễm. Nó diễn ra khi một tỉ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch với virus lây nhiễm bởi đó tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch và virus này sẽ khó lây lan hơn. Thế nhưng, với tốc độ lan nhanh của bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố Covid-19 là đại dịch. Do đó, nếu chủ động làm miễn dịch cộng đồng nhanh bằng cách để lây nhiễm tự nhiên sẽ rất nguy hiểm và phải trả giá rất lớn bằng tính mạng của con người.

Cựu Bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt

Cựu Bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt

Quyết định của Thủ tướng Anh Johnson khi đưa ra một số sự can thiệp như yêu cầu người dân có triệu chứng ho và thân nhiệt cao tự cách ly trong 7 ngày đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều chính trị gia và một số nhà khoa học là quá nhẹ tay. Ông Johnson cũng chịu sức ép lớn bởi một số nước láng giềng của Anh, trong đó có Ireland, Pháp, Bỉ đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để chống Covid-19 như đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người, ngừng hết các sự kiện thể thao lớn nhỏ. 

Chính cựu Bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt đã chỉ trích chiến lược đối phó với Covid-19 của Thủ tướng Johnson cùng các cố vấn khoa học của ông. Ông Hunt cho rằng những nước như Thái Lan và Singapore - hiện được cho là thành công nhất trong việc ngăn chặn virus corona - đã áp dụng biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội ngay từ lúc dịch bắt đầu. 

Virus SARS-Cov-2 gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp với nhiều triệu chứng khác nhau từ nặng tới nhẹ. Cho đến nay, loại virus này được đánh giá có khả năng lây lan cực kỳ mạnh khi tiếp xúc gần. Ông Hunt nhấn mạnh chỉ có kiểm soát để làm chậm quá trình lây lan, phát tán của dịch mới là giải pháp tốt và giúp chống dịch thành công.

Còn tạp chí Wired khẳng định đây là một chiến lược quá nhiều rủi ro và nguy hiểm. Cụ thể, để đạt mức miễn nhiễm cộng đồng thì virus phải lây nhiễm ít nhất 50% dân số Anh, hơn 33 triệu người, để đảm bảo một ca nhiễm Covid-19 không thể lây cho nhiều hơn 2 người bình thường. Hiện tỷ lệ tử vong của nước này vào khoảng 35,71% tính đến tối 13/3. Để chiến lược thả nổi đỉnh dịch thành công thì giới chức London phải chấp nhận có thể hy sinh gần 12 triệu người.

"Chỉ cần cách ly tập trung và phong tỏa diện rộng cũng đã đủ chặn đứng virus trước khi dịch lây hơn 50% dân số. Việc để dịch hoành hành trong gần một tháng tiếp theo là một đề nghị không thể chấp nhận được. Chúng ta không cần thiết phải làm thế khi hệ thống giám sát và cách ly của Anh đang hoạt động hiệu quả" - GS Jeremy Rossman thuộc ĐH Kent (Anh) nhận định.

Giải pháp tối ưu là giữ vệ sinh và giữ khoảng cách xã hội

Muốn có được miễn dịch cộng đồng thì số người nhiễm bệnh sẽ rất lớn, nghĩa là số người mắc bệnh gần như ở tất cả mọi người. Khi đó số lượng người mắc bệnh sẽ là rất lớn Nó sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế vì sẽ có nhiều người bệnh hơn, nhiều ca bệnh nặng hơn và chắc chắn là nhiều ca tử vong hơn. Việc cần phải làm ngay tức thì là tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh một cách quyết liệt hơn, không thể để dịch bùng phát trên diện rộng vì tính mạng con người là không thể đánh đổi.

Tổng thống Donald Trump ngày 13/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Mỹ để giải phóng 50 tỷ USD trong ngân sách liên bang nhằm đối phó với Covid-19. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ngày 13/3

Ngay cả các nước phương Tây như Mỹ hiện giờ cũng đã bắt đầu thực hiện các biện pháp can thiệp mạnh, bao gồm đóng cửa các đường bay tới châu Âu. Tổng thống Donald Trump ngày 13/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Mỹ để giải phóng 50 tỷ USD trong ngân sách liên bang nhằm đối phó với Covid-19. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp là một phần trong các nỗ lực của Nhà Trắng nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế. 

Ông Deborah Birx - Điều phối viên phản ứng với Covid-19 của Nhà Trắng và Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ đã ban hành một bộ hướng dẫn người dân Mỹ thực hành các biện pháp vệ sinh và giữ khoảng cách xã hội để hạn chế tối đa nguy cơ khiến Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Trong đó, phải cách ly bắt buộc đối với những người đã nhiễm bệnh, truy tìm và liên lạc với những người đã tiếp xúc với người bệnh, cách ly những người có thể đã phơi nhiễm, đóng cửa trường học, doanh nghiệp khi cần thiết và tránh các hoạt động tụ tập thành đám đông… Mục tiêu của biện pháp này là để "làm phẳng đường cong", trì hoãn đỉnh dịch và hạn chế sự quá tải cho các bệnh viện.

* Tính đến 9h ngày 14/3, Covid-19 đã lan rộng ra 138 quốc gia và vùng lãnh thổ với 145.332 ca nhiễm, 5.417 ca tử vong .


* Châu Âu đang là 'tâm chấn' của đại dịch Covid-19 khi số ca bệnh mới mỗi ngày tại đây đã cao hơn. Italy ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao kỷ lục. Đã có 250 người chết trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở Italy là 1.266 ca, trong khi tổng số ca nhiễm là 17.660.

Nguồn: Guardian, Independent, Wired
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm