Không tinh trùng vẫn có con nhờ mổ vi phẫu

Kiều Trang
09/01/2023 - 15:00
Không tinh trùng vẫn có con nhờ mổ vi phẫu

Anh Phan Duy Tùng hạnh phúc bên con gái

Anh Phan Duy Tùng (sinh năm 1987, Phú Thọ) là một trường hợp như vậy. Anh Tùng không có tinh trùng do bị đột biến mất đoạn AZFc trên nhánh dài nhiễm sắc thể Y.
Hạnh phúc đón mùa Xuân đầu tiên có con

Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh Tùng được chỉ định thực hiện mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE.

ThS. BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết: "Đột biến mất đoạn AZF là tình trạng mất đi một vùng trên nhánh dài của nhiễm sắc thể Y, gây nên hậu quả với các mức độ khác nhau tùy theo vị trí của vùng như vô tinh, thiểu năng tinh trùng hoặc các bất thường chức năng của tinh trùng, dẫn đến vô sinh ở nam giới. Đột biến này được phân thành các loại dựa theo các vị trí. Trong đó loại thường gặp nhất là AZFc như trường hợp của anh Tùng, chiếm khoảng 80%".

Không tinh trùng vẫn có con nhờ mổ vi phẫu - Ảnh 1.

Bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, thăm khám cho bệnh nhân Ảnh: Thùy Linh, Tâm Anh

Micro TESE là kỹ thuật mổ vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn. Bác sĩ dùng kỹ thuật TESE đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục con, vừa đủ để làm ống nghiệm. Nhờ công nghệ vi phẫu tinh hoàn Micro TESE cùng sự can thiệp của bác sĩ, cuối cùng anh Tùng đã có đủ tinh trùng để tạo phôi. Chị Phan Thị Mùi, vợ anh Tùng, xúc động nhớ lại: "Ngước nhìn lên màn hình, nơi có hình ảnh phôi bé xinh như bông hoa tuyết đang chuyển động, mình thầm gọi con yêu và tin chắc rằng lần này mình sẽ thành công". Bao hi vọng, kiên trì nỗ lực của vợ chồng anh Tùng trên hành trình tìm con cuối cùng cũng được đền đáp khi bác sĩ thông báo chị Mùi đậu thai. Sau 9 tháng thai nghén, bé Phan Thanh Ngọc Diệp đã chào đời vào ngày 28/2/2022 ở tuần thứ 39, nặng 4kg. Năm 2023 là Tết đầu tiên gia đình anh có được hạnh phúc vẹn tròn bên con gái sau 4 năm mong mỏi.

Không tinh trùng vẫn có con nhờ mổ vi phẫu - Ảnh 2.

Bác sĩ Giang Huỳnh Như chọc hút trứng cho bệnh nhân Ảnh: Thùy Linh, Tâm Anh

Áp lực lên người phụ nữ

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Tình trạng vô sinh, hiếm muộn ngày càng trẻ hóa và nhiều ca khó, mang bệnh lý phức tạp. Mặc dù nguyên nhân vô sinh đến từ cả hai vợ chồng nhưng áp lực "không có con" thường đè nặng lên vai người phụ nữ. 

"Áp lực đến từ nhiều phía, từ công việc đến cuộc sống. Có những trường hợp muốn có con nhưng việc điều trị bị muộn, số lượng và chất lượng noãn bị giảm sút. Có nhóm bệnh nhân điều trị kéo dài, thất bại nhiều lần, phải đối diện với tình huống xin noãn, xin tinh trùng, thậm chí mang thai hộ", bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ.

Không tinh trùng vẫn có con nhờ mổ vi phẫu - Ảnh 3.

Niềm hạnh phúc khi được bế trên tay đứa con của mình Ảnh: Thùy Linh, Tâm Anh

Với mỗi trung tâm hỗ trợ sinh sản, phòng lab được ví như "trái tim", nơi thực hiện các kỹ thuật liên quan đến quá trình tạo phôi. Trong điều kiện nuôi cấy được kiểm soát chặt chẽ, mô phỏng môi trường bên trong ống dẫn trứng và tử cung của người mẹ, labo phôi học chuẩn bị các điều kiện để phôi khỏe mạnh có thể bám dính tốt khi được chuyển vào cơ thể người mẹ.

Không tinh trùng vẫn có con nhờ mổ vi phẫu - Ảnh 4.

Vợ chồng anh Tùng hạnh phúc bên con gái. Ảnh: Thùy Linh, Tâm Anh

Với bác sĩ Giang Huỳnh Như, sau 20 năm cống hiến trong ngành hỗ trợ sinh sản, cảm xúc vẫn dâng trào mỗi khi bệnh nhân đón nhận tin vui làm cha, mẹ. "Đây là niềm hạnh phúc và động lực để chúng tôi không ngại khó khăn, ươm từng mầm sống, mang cơ hội làm cha mẹ đến với các cặp vợ chồng", bác sĩ Như chia sẻ.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm