Khủng hoảng di cư châu Âu - ác mộng của phụ nữ và trẻ em

17/03/2016 - 07:00
Châu Âu đang phải đối mặt với một hiện tượng hoàn toàn mới được mang tên “Khủng hoảng di cư” với con số lên tới hàng chục nghìn người đổ về các quốc gia tại lục địa này bằng con đường bất hợp pháp để tìm một chỗ ở an toàn, không tiếng súng...
 Dòng người tị nạn đổ về châu Âu ngày một đông.

Làn sóng người di cư đến châu Âu bằng con đường hợp pháp có lẽ cũng khó ngang lên trời với những người dân ở các nước Trung Đông và châu Phi. Vì thế, họ không còn lựa chọn nào khác là tìm tới những băng nhóm buôn người, vốn là các tổ chức lỏng lẻo, kém cỏi nhưng lại vô cùng tham lam và liều lĩnh, gián tiếp dẫn đến cái chết của hàng nghìn người. Số người tị nạn bất hợp pháp trên những con thuyền, đoàn tàu hay xe tải chật kín được phát hiện và cứu vớt về các trại tị nạn không thấm vào đâu.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, đã có 2500 người di cư đã bỏ mạng trên con đường tìm kiếm một vùng đất an toàn hơn chính quê hương mình. Tin tức gây rúng động mới đây nhất là  về một chiếc xe tải chứa đầy xác người di cư bị bỏ lại nhiều ngày trên một con đường vắng vẻ ở Áo. Trong số 71 cái xác được nhận dạng, có 8 phụ nữ và 4 trẻ em, đứa trẻ nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi. Những người tị nạn mang theo gia đình, kể cả con nhỏ, rời bỏ đất nước đang bị cày nát vì chiến tranh, bất đồng chính trị, bạo lực tôn giáo hay nghèo đói, bệnh tật để tìm tới thiên đường châu Âu, bất kể họ có ý thức được những rủi ro đang chờ mình hay không.

Ngôi làng biên giới Gevgelija của Macedonia luôn căng thẳng vì dòng người nhập cư đến từ Bắc Phi. 

Ngôi làng biên giới Gevgelija tại đất nước Macedonia trở thành cửa ngõ hẹp vào châu Âu của khoảng 400 người di cư chủ yếu từ Syria, Afghanistan, Iraq. Đó là những chuỗi ngày dài và khổ cực, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em. Hầu hết những người ở đây đã phải vượt chặng đường dài ngày liên tục, không được ngủ, gần như không được ăn và phải chịu đựng cái nắng như thiêu như đốt. Nhiều phụ nữ và trẻ em đã đổ bệnh, có người đã bỏ cuộc. Đã có lúc, Chính phủ Macedonia đã cử cả cảnh sát chống bạo loạn đến khu vực biên giới để đàn áp và ngăn cản những người di cư và trở thành cơn ác mộng của không ít trẻ em tại đó.

Mỗi ngày có 3 chuyến tàu đưa những người này vào Macedonia, từ đó đến các trại tị nạn tại Serbia. Giá vé tàu mỗi ngày một tăng nhưng người ta vẫn tranh giành một vị trí trên tàu. Vì mức giá cao, các tàu chấp nhận chứa số người vượt quá quy định, miễn là người đi trả đủ tiền.

Trong đám đông đổ xô lên đoàn tàu chật ních, đã có người suýt mất con và sau khi tìm được bé, người mẹ sợ hãi không còn muốn lên tàu nữa. Dẫu vậy, họ còn may mắn hơn hàng ngàn người đang phải đối mặt với tử thần trên con đường tìm một nơi trú ngụ an toàn.

Con đường tị nạn dài đằng đẵng, quá khắc nghiệt và vô cùng nguy hiểm. Chen chúc trên những chiếc thuyền yếu ớt lênh đênh cả tháng trời trên biển, kẹt cứng biết bao nhiêu ngày trong xe tải, đoàn tàu ngột ngạt, thiếu đồ ăn, nước uống... khiến phụ nữ và trẻ em không dễ gì mà vượt qua được. 

Gian nan như vậy nhưng kể cả khi họ đã sống sót mà đặt chân đến vùng đất hứa thì sóng gió vẫn chưa hết. Các tổ chức nhân đạo đã cảnh báo rằng, trẻ em nằm giữa cơn khủng hoảng di cư này rất dễ trở thành nạn nhân của tội ác và mại dâm. Hơn 5.000 trẻ em tị nạn đi bằng thuyền từ Bắc Phi đã được thông báo mất tích không để lại dấu vết trong năm nay sau khi đặt chân đến Ý. Nỗi sợ hãi mới đã dấy lên, nhiều khả năng những đứa trẻ này đã bị bán đi làm công hay mại dâm.

 

 Trên những con thuyền tị nạn lênh đênh giữa đại dương thường chật ních người.

Ước tính trong năm nay, có khoảng vài chục nghìn trẻ em cùng người thân, cha mẹ mình tìm đến các nước Anh, Đức và Thụy Điển từ các đất nước bạo loạn hay nghèo đói như Sudan, Afghanistan và Somali. Hầu hết các em đều đang ở độ tuổi thiếu niên, nhưng cũng có không ít trẻ chưa tới 10 tuổi. Các tổ chức nhân đạo đang lên tiếng yêu cầu Chính phủ các nước dành nhiều sự quan tâm hơn cho vấn đề này. Các trại tị nạn hợp pháp quá tải, trong khi sống dưới sự sắp xếp của hội buôn người, con người ta gần như không biết điều gì đang chờ đợi mình. Phát ngôn viên của tổ chức Cứu trợ trẻ em nói: “Những đứa trẻ lạc người thân sẽ gặp nguy hiểm nhiều nhất, chúng là đối tượng để mắt của các tổ chức buôn người. Không ít trẻ đã bị ép lao động nặng nhọc, vận chuyển ma túy và hoạt động mại dâm. Với những đứa trẻ này, bước chân đến châu Âu thì hành trình gian nan mới chỉ bắt đầu. Chúng ta có một cơ hội, dù rất nhỏ, để cứu các em từ tay lũ buôn người khi các em mới đặt chân đến Ý, trước khi hoàn toàn biến mất vào thế giới tội ác ngầm”.

Người nhân viên này cũng đã nhắc tới trường hợp của một cô bé 17 tuổi người Nigeria vì không có tiền trả tiền tàu vượt biên nên đã bị ép đi bán dâm. Không chỉ trẻ nữ, trẻ nam cũng bị ép vào hoạt động phi pháp và phi nhân tính này. Những thiếu niên này hi vọng tìm được công việc bồi bàn, dọn dẹp ở đâu đó trên châu Âu nhưng sớm nhận ra họ phải cạnh tranh với hàng chục thiếu niên khác cho cùng một vị trí, đến một lúc họ chấp nhận làm bất cứ chuyện gì để có cái ăn. Chốn bình yên các em tìm đến hóa ra lại là một địa ngục khác.

Chính phủ các nước châu Âu dường như mới cảm nhận được sức nóng thật sự của cơn khủng hoảng. Họ đã sử dụng vũ lực để ngăn cản dòng người tị nạn đổ về như lũ nhưng vừa không có hiệu quả vừa nhận lại rất nhiều sự phản đối. Các tổ chức nhân đạo đang không ngừng yêu cầu Chính phủ có chính sách tị nạn bao dung hơn, mở rộng các trại tị nạn và chú tâm thực hiện các biện pháp bảo vệ và tìm cách giải cứu hàng nghìn trẻ em tị nạn đang bị bóc lột trên khắp châu Âu.

Đến lúc này, mọi người đều đã nhận ra rằng, đây không còn chỉ là một cuộc khủng hoảng di cư nữa, nó đã leo thang lên thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Còn gì bất lực và đau lòng hơn khi chúng ta chứng kiến cả biển người chạy trốn khỏi quê hương để mong được hít thở một bầu không khí an toàn nhưng rồi phải chết khi chưa được sống.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm