pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kết hôn nhưng không sống chung nhà
Ảnh minh họa
Kết hôn như cặp đôi Hiromi và Hidekazu là kiểu "hôn nhân cuối tuần". Còn được gọi là "hôn nhân chia xa" hay "shumatsukon" trong tiếng Nhật, kiểu hôn nhân này đang trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Nó cho phép các cặp đôi trải nghiệm những lợi ích tổng hợp của việc kết hôn và độc thân. Một mặt, cặp đôi tận hưởng tình yêu và sự hỗ trợ của nhau, mặt khác họ có thể duy trì lối sống cá nhân mà không phải bận tâm về bạn đời. Về cơ bản, điều quan trọng là mối quan hệ này phải dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên, "hôn nhân cuối tuần" cũng tạo ra các thách thức tiềm ẩn, như gánh nặng tài chính và hạn chế tương tác trực tiếp. Sự gia tăng của kiểu hôn nhân này phản ánh những thay đổi xã hội rộng lớn hơn ở Nhật Bản.
Hiromi tự mô tả mình là một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, làm huấn luyện viên thể hình và quản lý phòng tập thể dục. Chồng cô, Hidekazu, là một nhà tư vấn kinh doanh, người dành phần lớn thời gian trước máy tính, trả lời email và viết báo cáo. Cả hai có lối sống rất khác nhau nhưng lại yêu thương và tôn trọng nhau nên không muốn can thiệp vào cuộc sống của người kia. Giải pháp họ chọn là sống riêng, cách nhau khoảng một giờ đi xe.
"Tôi hiếm khi ở lại qua đêm nhà của vợ. Công việc rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Trong cuộc hôn nhân trước, tôi bận rộn với công việc đến mức có khi nhiều ngày liền không về nhà. Tôi nghĩ điều đó đã khiến vợ cũ của tôi rất không hài lòng. Bài học lớn nhất tôi học được từ cuộc hôn nhân trước là phụ nữ cần độc lập về tài chính", Hidekazu nói.
Trong khi đó, Hiromi chia sẻ: "Nếu chồng ở nhà, tôi có thể không thoải mái làm một số việc, điều này khiến tôi căng thẳng. Với kiểu hôn nhân này, tôi có thể thoát khỏi điều đó".
Hiromi và Hidekazu có một người con, và đứa trẻ sống với mẹ. Cặp đôi chỉ gặp nhau hai hoặc ba lần một tuần, chủ yếu là khi Hiromi cần giúp đỡ việc chăm sóc con cái. Lối sống này phù hợp với cả hai người, mặc dù họ thừa nhận rằng một số hàng xóm thực sự nghĩ rằng họ đã ly thân hoặc ly hôn. Cả hai đều tin rằng "sống chung không phải là điều cần thiết cho hôn nhân".
Sống chung không phải là yêu cầu bắt buộc. Tôi và chồng đều hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chúng tôi chọn kết hôn như thế này để cảm thấy an toàn vì có người hỗ trợ về mặt tinh thần mà vẫn có thể duy trì cuộc sống cá nhân. Tất cả chúng ta đều có quyền lựa chọn lối sống của riêng mình.
Hiromi, một phụ nữ đã kết hôn nhưng không sống chung với chồng
Quyết định thử "hôn nhân cuối tuần" của cặp đôi xuất phát từ những trải nghiệm trong quá khứ. Trong trường hợp của Hidekazu, đó là cuộc hôn nhân thất bại của anh với người vợ đầu tiên, và đối với Hiromi. Đó là việc chứng kiến những căng thẳng giữa cha mẹ cô khi lớn lên, khiến cô tự hỏi liệu những cặp đôi không hạnh phúc khi chung sống với nhau có nên tiếp tục như vậy chỉ để được xã hội chấp nhận.
Ở Mỹ cũng chứng kiến xu hướng tương tự, được gọi là "living apart tohether" (LAT). Sau đợt sụt giảm do đại dịch Covid-19, số cặp vợ chồng Mỹ sống riêng đã tăng trở lại. Trong khi tỷ lệ kết hôn giảm từ năm 2000 đến năm 2019, tỷ lệ những người đã kết hôn nhưng không sống chung lại tăng lên. Theo dữ liệu về "Gia đình và cuộc sống của người Mỹ" của Cục điều tra dân số, tỷ lệ các cặp vợ chồng sống riêng đã tăng hơn 25% từ năm 2000 đến năm 2019. Tính đến năm 2022, có 3,89 triệu người Mỹ đang sống xa vợ/chồng, tương đương khoảng 2,95% người Mỹ đã kết hôn.
Trong khi đó ở Trung Quốc, cũng có một hình thức hôn nhân khác lạ, được gọi là "hôn nhân hai ngả" (tiếng Hán việt: lưỡng đầu hôn). Kiểu kết hôn này cũng tổ chức lễ cưới và đăng ký kết hôn như hôn nhân bình thường, nhưng thực tế lại giống như hôn nhân hợp đồng. "Hôn nhân hai ngả" không phải là nam lấy vợ, nữ gả chồng. Khi đôi trai gái lấy nhau, người nam không cần sính lễ, người nữ không cần của hồi môn. Vợ chồng thường có hai con, con thứ nhất lấy họ cha và chủ yếu do cha nuôi dưỡng, con thứ hai lấy họ mẹ và chủ yếu do mẹ nuôi dưỡng. Trong gia đình không có khái niệm "ông ngoại", "bà ngoại", đứa trẻ gọi người sinh ra cha hoặc mẹ mình là "ông nội" và "bà nội".
Đây là một hình thức hôn nhân khá mới nhưng thực tế đã xuất hiện ở tỉnh Giang Tô và Chiết Giang từ 10 năm trước. Kiểu kết hôn này ngày càng gia tăng những năm gần đây, với đối tượng kết hôn chính là những người tương đối trẻ sinh sau năm 1990 và 2000.