Những phản ứng tiêu cực này chủ yếu nhằm: Thu hút sự chú ý của người khác; thể hiện “quyền lực”; muốn “trả đũa” khi trẻ cho rằng mình bị đối xử bất công...
Khi trẻ muốn thu hút sự chú ý của người lớn
Vấn đề là người lớn cần hiểu được chính xác mục đích của hành vi tiêu cực ở trẻ. Không nên trừng phạt trẻ như đánh, mắng, phạt,… mà cần bình tĩnh, cố gắng hiểu, tôn trọng trẻ và áp dụng các giải pháp phù hợp.
Ví dụ, khi trẻ đang cố gắng khiến người khác quan tâm, chú ý đến mình thì người lớn không nên hoặc hạn chế để ý đến trẻ để chúng hiểu rằng cách mà trẻ thu hút chú ý là không phù hợp, không mang lại kết quả như mong đợi.
Nếu trẻ vẫn tiếp tục cư xử tiêu cực, người lớn hãy nhìn trẻ thật nghiêm khắc, không nói gì; hoặc có thể sử dụng phương pháp “phớt lờ” hành vi sai lệch của trẻ và hướng chúng vào hoạt động có ý nghĩa hơn.
Khi trẻ muốn gây chiến để thể hiện “quyền lực”
Với sự giúp đỡ của phụ huynh hay thầy cô, các ứng xử tiêu cực của trẻ sẽ được hạn chế. Ảnh minh họa |
Đối với trường hợp trẻ đang muốn gây chiến với người lớn để chứng tỏ chúng có sức mạnh, quyền lực, thì điều mà phụ huynh cần làm đầu tiên là bình tĩnh và rút khỏi xung đột. Việc người lớn tham gia đôi co với trẻ hoặc nhượng bộ trẻ đều khiến trẻ gia tăng cư xử tiêu cực để thể hiện quyền lực của chúng nhiều hơn. Chúng ta hãy khuyến khích trẻ hợp tác với mình để cùng tìm ra cách giải quyết hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, người lớn cần giúp trẻ thể hiện năng lực một cách tích cực, ví dụ hướng trẻ tham gia các hoạt động mà trẻ có năng khiếu để chúng khẳng định bản thân, giao cho chúng nhiệm vụ để thể hiện khả năng của mình, cùng trẻ tìm ra cách giải quyết vấn đề linh hoạt…
Khi trẻ muốn trả đũa
Trong trường hợp trẻ muốn “trả đũa”, chúng sẽ dùng nhiều cách khiến người lớn tổn thương như: hỗn láo, đập phá, hằn học... Người lớn cũng không nên trừng phạt trẻ, mà phải coi sự kiên nhẫn với trẻ là cần thiết để giúp trẻ nguôi dần. Việc thể hiện cho trẻ thấy là chúng ta yêu thương, tôn trọng trẻ, xây dựng lòng tin, sự hợp tác ở trẻ là rất quan trọng.
Với trường hợp trẻ “chạy trốn” khi đứng trước nguy cơ thất bại, nghĩ rằng mình kém cỏi, thì người lớn tránh chê bai, không phê phán, không thương hại để tránh cho trẻ càng tự ti hơn. Điều cần làm là xây dựng cho trẻ sự tự tin thông qua sự khích lệ, tập trung vào những khả năng mà trẻ có, bắt đầu từ những việc dễ để trẻ có thể thành công; rèn luyện, kèm cặp trẻ (nhất là về học tập); thường xuyên giúp đỡ, động viên trẻ…
Với sự giúp đỡ của phụ huynh hay thầy cô, các ứng xử tiêu cực của trẻ sẽ được hạn chế, chấm dứt và trẻ sẽ có cách hành xử tích cực hơn, phát triển bản thân theo chiều hướng tốt hơn.