pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kon Tum: Đa dạng hóa Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số
Phụ nữ Kon Tum tích cực xóa bỏ định kiến, thực hiện bình đẳng giới
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, Hội LHPN là hạt nhân
Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS số vươn lên thoát nghèo bền vững", Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ nói chung, hội viên phụ nữ DTTS nói riêng (đặc biệt là hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo) hiểu rõ mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động; hướng dẫn phụ nữ DTTS mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các mô hình, tổ hợp tác, tổ liên kết… Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực cho hội viên phụ nữ DTTS.
Nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện Cuộc vận động được Hội LHPN tỉnh Kon Tum quan tâm như: phát huy vai trò kết nối của các cấp Hội nhằm huy động nguồn lực của xã hội, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ DTTS nghèo; chú trọng vai trò của đội ngũ Chi hội trưởng, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ DTTS tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động; hỗ trợ thành lập mô hình "Xoá bỏ các hủ tục lạc hậu" thực hiện Cuộc vận động tại một số huyện…
Với mục tiêu thay đổi nếp nghĩ lạc hậu, ấu trĩ, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã đồng loạt mở các chiến dịch tuyên truyền, vận động toàn thể nhân dân. Sổ tay tuyên truyền về Cuộc vận động được in 5 thứ tiếng (Kinh, Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié -Triêng) phát hành xuống tận cơ sở. Các mũi đột phá của Hội LHPN, các cấp, ngành, đoàn thể làm thay đổi cách làm lạc hậu cũng đồng loạt được tiến hành; các mô hình điểm được xây dựng và nhân rộng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhờ sự thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm mà các hộ đồng bào DTTS từ chỗ chỉ trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài nay đã mạnh dạn bỏ vốn của gia đình để đầu tư nhằm vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.
Để cổ vũ người dân vươn lên thoát nghèo, năm 2024, Tỉnh ủy Kon Tum cùng toàn thể các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giúp đồng bào DTTS số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỉnh ủy Kon Tum đặt mục tiêu: 100% hộ đồng bào DTTS số nghèo, cận nghèo được tuyên truyền, phổ biến về nội dung Cuộc vận động; 100% huyện, thành phố thực hiện lồng ghép Cuộc vận động với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; toàn tỉnh phấn đấu từ 5% hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; địa phương huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động và giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trong sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo của Tỉnh ủy Kon Tum cho thấy, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Kon Tum còn hơn 10.200 hộ nghèo, trong đó có hơn 9.700 hộ nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 95%); gần 5.900 hộ cận nghèo. Từ tồn tại này, Tỉnh ủy đã đặt ra mục tiêu: năm 2024, thông qua Cuộc vận động, tỉnh Kon Tum phấn đấu số hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS giảm từ 3% - 4% so với năm 2023.
Nhiều kết quả tích cực từ Cuộc vận động
Từ việc triển khai thực hiện Cuộc vận động, đồng bào DTTS nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng đã phát huy truyền thống đoàn kết, từng bước thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tư tưởng mặc cảm, tự ti, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cuộc vận động đã góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Bà con đã thay đổi rõ rệt trong cách thức lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình; đồng thời tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong khu dân cư.
Kết quả báo cáo của Hội LHPN tỉnh Kon Tum khẳng định, Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng: đã có gần 50.000 hội viên phụ nữ DTTS thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước, tự vươn lên thoát nghèo bền vững thông hội viên phụ nữ DTTS ua công tác tuyên truyền của các cấp Hội phụ nữ; 8.800 hội viên phụ nữ DTTS biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thông qua công tác tuyên truyền của các cấp Hội phụ nữ; 5.700 hội viên phụ nữ DTTS có đời sống vật chất tinh thần được cải thiện thông qua công tác tuyên truyền của các cấp Hội phụ nữ; 1.930 hội viên phụ nữ DTTS tham gia tổ liên kết, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, mô hình do Hội LHPN các cấp vận động, hỗ trợ; 1.750 hộ hội viên phụ nữ DTTS thoát nghèo.
Được biết, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững". Bên cạnh đó, Hội cũng chú trọng đến các hoạt động chăm lo cho phụ nữ, trẻ em; chăm sóc, hỗ trợ nhằm giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới, khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Trong khuôn khổ Dự án 8 năm 2024, ngày 29/10/2024, Hội LHPN tỉnh Kon Tum tổ chức thành công Hội thi Với chủ đề "Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương". Hội thi thu hút 100 thí sinh từ các tổ truyền thông cộng đồng thuộc 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là hoạt động quan trọng, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi," nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em vào quá trình phát triển tại địa phương.
Đặc biệt, trong phần thi Tiểu phẩm, nhiều tiểu phẩm đã gây xúc động với những câu chuyện đời thường của người phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên khó khăn, không chỉ khơi gợi sự đồng cảm mà còn gợi mở giải pháp hữu ích có thể áp dụng thực tế tại địa phương.
Thông qua hội thi, các đội thi đã truyền tải những thông điệp sâu sắc về bình đẳng giới, hướng tới xây dựng một môi trường nơi phụ nữ và trẻ em có tiếng nói thực chất trong mọi hoạt động tại địa phương, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa.