pnvnonline@phunuvietnam.vn
Krông Năng: Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Dự án 8
Quan tâm, chăm lo đời sống cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn luôn là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội LHPN Krông Năng
Trao đổi với PNVN, bà Hoàng Thị Phương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Năng - cho biết: Sau thời gian triển khai hoạt động Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", đời sống của bà con nhân dân huyện Krông Năng nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận bà con, nhất là bà con ở vùng triển khai Dự án 8 vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế; tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp khó lường; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu, lợi dụng vấn đề "dân tộc","tôn giáo" để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Song, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Hội cấp trên, với sự chủ động, linh hoạt của địa phương, nhiều phong trào, hoạt động Hội, trong đó có Dự án 8, đã được triển khai sâu rộng và có tác động tích cực đến các tầng lớp phụ nữ, tạo được uy tín với cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương.
PV: Bà có thể cho biết rõ hơn việc triển khai Dự án 8 tại địa phương của Hội LHPN Krông Năng?
Chủ tịch Hội LHPN Hoàng Thị Phương: Với vai trò là cơ quan chủ trì Dự án 8, Hội LHPN huyện Krông Năng đã tham mưu cho UBND huyện đưa các nội dung thực hiện Dự án 8 vào Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của huyện. Hàng năm, Hội LHPN huyện tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án 8 đến các xã thuộc vùng triển khai Dự án 8 và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.
Để chỉ đạo thực hiện tốt Dự án, Hội LHPN huyện thành lập Ban Điều hành, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tham mưu, ký kết chương trình phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan như: Trung tâm Y tế, phòng Văn hóa – Thông tin, phòng Giáo dục - Đào tạo … để cùng nhau phối hợp, cung cấp thông tin và giải quyết các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.
Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động của năm và phân khai kinh phí của UBND huyện, Hội LHPN huyện cụ thể hóa ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động Dự án 8 đến 100% các xã thực hiện Dự án. Tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, chính quyền các cấp, Hội cấp trên về thực hiện các nội dung hoạt động của Dự án 8 thông qua các hội nghị tập huấn, truyền thông, qua các trang Zalo, Facebook của Hội. Tổ chức khảo sát nhu cầu, xác định đối tượng, nội dung, địa điểm để triển khai, thành lập các mô hình, Câu lạc bộ hoạt động thuộc Dự án 8…
PV: Bà có thể đánh giá và thông tin về một số kết quả mà các hoạt động của Dự án 8 đã đạt được trong thời gian qua tại địa phương?
Chủ tịch Hội LHPN Hoàng Thị Phương: Cụ thể, chúng tôi đã tham mưu, tổ chức 4 cuộc truyền thông, 2 lớp tập huấn lớp tập huấn, với các chuyên đề: Kiến thức về giới và lồng ghép giới; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ; xóa bỏ định kiến khuôn mẫu giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, buôn bán người; kiến thức, kỹ năng làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; hướng dẫn thiết lập và vận hành các mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng", "Địa chỉ tin cậy", "CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi"… Đã có 402 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn và thành viên các tổ/mô hình tham gia.
Hội cũng phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức 1 lớp hướng dẫn, hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác/hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phần mềm quản lý, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; đăng ký nhãn mác, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các phát minh, sáng chế, các sản phẩm sản xuất, sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương cho 115 chị tham gia.
Thời gian qua, chúng tôi đã cử 29 lượt chị tham gia các lớp tập huấn Dự án 8, hướng dẫn giám sát và đánh giá về Bình đẳng giới, hướng dẫn tổ chức đối thoại chính sách… do Trung ương, tỉnh Hội tổ chức. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở khảo sát, thành lập 32 mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" với 274 thành viên tại các xã thực hiện Dự án 8. Thành lập, hướng dẫn 2 đội tham gia 2 Hội thi "Phụ nữ dân tộc thiểu số tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022"; tham gia Hội thi Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật bình đẳng giới" của tỉnh; thành lập 1 đội tham gia "Giao lưu sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024"…
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Dự án 8 có gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa bà?
Chủ tịch Hội LHPN Hoàng Thị Phương: Dự án 8 là dự án mới, nội dung hoạt động rộng nên quá trình triển khai, thực hiện chưa truyền tải hết các nội dung của Dự án, dẫn đến kết quả, hiệu ứng chưa cao. Tiến độ triển khai một số hoạt động của Dự án còn chậm, lúng túng; một số chỉ tiêu, hoạt động của Dự án khó thực hiện, đơn cử như 4 gói hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ…
Bên cạnh đó, cơ chế chi thanh, quyết toán một số nội dung hoạt động Dự án 8 còn có những bất cập, vương mắc, chưa cụ thể, chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy định chi của Bộ Tài chính với các quy định của địa phương nên khó khăn trong quá trình thực hiện. Quá trình thiết lập và vận hành các mô hình hoạt động Dự án gặp không ít khó khăn, đặc biệt kinh phí duy trì hoạt động Tổ truyền thông cộng đồng, Câu lạc bộ… chưa được quân tâm, chủ yếu vận động, lồng ghép để hoạt động, do vậy một số mô hình hoạt động, hiệu quả chưa cao.
PV: Vậy, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên nhằm thực hiện Dự án 8 hiệu quả, Hội LHPN Krông Năng có những đề xuất, giải pháp gì?
Chủ tịch Hội LHPN Hoàng Thị Phương: Rút kinh nghiệm từ thực tế quá trình thực hiện, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc gặp phải, Hội LHPN Krông Năng đã thống nhất 7 phương án khắc phục, cụ thể:
Một là, tích cực tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Dự án 8 phù hợp với thực tiễn địa phương; đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội với các cơ quan, ban, ngành liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án 8.
Hai là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong việc thay đổi hành vi, thay đổi cách nghĩ, cách làm nâng cao quyền năng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và trong cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại.
Ba là, tiếp tục chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn cơ sở thực hiện các nội dung hoạt động của Dự án thành lập và nhân rộng các mô hình, Câu lạc bộ và 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn đảm bảo kế hoạch.
Cụ thể, đối với mô hình/tổ phụ nữ, chúng tôi sẽ lồng ghép hoạt động truyền thông vào các cuộc họp thôn, họp chi bộ, họp tổ, nhóm các tổ chức của thôn; các hoạt động truyền thông cần tận dụng tối đa lợi thế truyền thông trên nền tảng số (ứng dụng Zalo, Facebook của nhóm, của Hội….). Đối với các thành viên, chúng tôi tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và nhân dân; tìm hiểu những định kiến và khuôn mẫu giới tồn tại trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại địa phương để kịp thời phản ánh với cấp ủy và Hội cấp trên.
Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở liên quan đến các vấn đề về phụ nữ, trẻ em
Bốn là, phối hợp, tổ chức hội nghị tập huấn, truyền thông nâng cao kiến thức chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng.
Năm là, tổ chức hội thi, hội thảo, giao lưu, chỉa sẻ kinh nghiệm đề ra giải pháp nâng cao chất lượng; Tích cực tham gia các hoạt động do Hội cấp trên, địa phương tổ chức.
Sáu là, thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát, đối thoại, phản biện xã hội, đề xuất nội dung có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới.
Bảy là, định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Dự án 8; biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; nhân rộng mô hình trong thực hiện Dự án 8.
PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện. Hy vọng, Dự án 8 sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tạo chuyển biến và thay đổi tích cực trong việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em huyện Krông Năng!