Kỳ công thuê thám tử tìm 'bóng hồng' tri kỷ

07/11/2016 - 10:00
Chiếc khăn rằn đã cũ mà ông Sơn mang tới khiến chúng tôi rất xúc động. Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng tình cảm một thời của những trái tim tràn đầy nhiệt huyết cống hiến dường như chưa giờ phút nào nguội lạnh.

Một thời hoa lửa

Ông Sơn năm nay đã ngoài 60 tuổi. Gia đình ông có căn nhà tại mặt tiền trung tâm TPHCM từ thời ông bà để lại nên hiện giờ cho thuê rất được giá. Từ lúc nghỉ hưu, ông Sơn mua miếng đất vườn khá lớn tại Tiền Giang, đào ao xây nhà làm trang trại. Cả 2 ông bà đều mê vườn tược.

Bữa rồi, thằng con út điện thoại cho ông, nói có 1 thanh niên mang tấm khăn rằn của má tới tặng lại cho ông. “Ảnh nói má ảnh giờ đã yếu không đi được do bị đau nhức chân, nên nhờ ảnh mang qua gửi tặng lại cho ba kỷ niệm từ thời đi thanh niên xung phong ở Đắc Nông. Lúc ảnh tới, điện thoại ba không được nên con xin lại số của ảnh rồi. Ảnh tên Lâm, con của má Bảy Liên”, con trai út kể với ông Sơn.

Vừa nghe tới tên Bảy Liên, ông Sơn đã vô cùng ngạc nhiên và cảm động.

Ngày đó, cùng với mấy chục thanh niên xung phong lên phát hoang đồi núi, hướng dẫn bà con Đắc Nông tiếp cận với cuộc sống văn minh, ông Sơn đã gặp Bảy Liên. Khi ấy, Bảy Liên mới tròn 20, đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người con gái. Cô đã đồng ý làm bạn gái của anh chàng Sơn chững chạc trong 1 đêm trăng sáng ở con đường mòn giữa rừng. Kỷ vật được họ trao nhau là chiếc khăn rằn để Bảy Liên che nắng nóng ban ngày và choàng cổ ban đêm, giữa sự chênh lệch nhiệt độ rõ rệt ở vùng cao nguyên.

Hơn 1 năm sau, Bảy Liên được điều về thành phố, rồi tới ông Sơn cũng được về TPHCM. Cuộc sống tất bật cơm áo gạo tiền thời tem phiếu đã khiến họ dần dần xa nhau. Cả 2 sau đó có gia đình riêng và gần như mất hẳn tin tức từ thời ấy. Sau này, kinh tế thị trường mở cửa, ông Sơn có lần gặp lại người yêu cũ tại bến Bạch Đằng, khi bà đang đi bán đậu phộng luộc buổi tối cho khách du lịch. Hai bên gặp nhau gượng gạo chẳng biết nói chi. Từ đó tới nay thì mất hoàn toàn liên lạc.

Nghe con trai út nói vậy, ông liền hỏi ngay số điện thoại của con trai bà Bảy Liên. Nhưng xui rủi sao, thằng út để tờ giấy ghi số điện thoại đó trên bàn làm việc, rồi sắp nhỏ lại gấp tờ giấy làm máy bay. Lũ trẻ chơi xong rồi bỏ đâu mất, giờ không kiếm lại được nữa. Thằng út chỉ nhớ, con trai Bảy Liên kể giờ bà ở cùng vợ chồng người con gái tại khu Xóm Chiếu, Q.8. Mọi điều chỉ có vậy thôi.

Ông Sơn muốn nhờ thám tử hỗ trợ để đi tìm bạn bè xưa cũ. Một thời tuổi trẻ đầy cống hiến và đến giờ có lẽ cần chung tay giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. 

 (Ảnh minh họa)

Kỷ niệm còn tươi mới

Chỉ với thông tin là tên bà Bảy Liên, năm nay 56 tuổi, bị đau chân, và ở khu Xóm Chiếu, quả là thách thức với chúng tôi.

Thám tử Hoàng tới khu Xóm Chiếu và nhờ mối quan hệ với người cảnh sát khu vực để xin thông tin. Khu Xóm Chiếu rất rộng, bao gồm khá nhiều hẻm nhỏ loằng ngoằng. Nhà xây trước đây trong các xóm lao động thường rất nhỏ, lợp mái tôn và khá nhiều nhà chưa có giấy tờ. Việc tranh chấp xảy ra không ít. Do vậy, sàng lọc tên của các công dân sống tại địa bàn này gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 2 tuần tra cứu, người cảnh sát khu vực cho biết, ở địa bàn anh phụ trách không có ai tên Bảy Liên như các dữ liệu được cung cấp. Anh cho rằng có thể bà Bảy Liên còn sử dụng tên khác.

Chúng tôi điện thoại hỏi ông Sơn, ông lại hỏi qua một người bạn cùng đi thanh niên xung phong trước đây và được biết, đúng là bà Bảy Liên còn có tên khác nữa được ghi trong giấy khai sinh, là Nguyễn Thị Tâm. Tên Bảy Liên là tên thân mật gọi thời còn đi học.

Thám tử Hoàng quay lại khu Xóm Chiếu, anh cảnh sát khu vực cũng lắc đầu không tìm ra được người tên Nguyễn Thị Tâm. Tuy nhiên, anh cũng giúp đỡ bằng cách giới thiệu sang khu phố bên cạnh. Người tổ trưởng khu phố là anh em đồng hao của anh, sẽ nhiệt tình giúp đỡ.

Nghe thấy tên Nguyễn Thị Tâm và Bảy Liên, người tổ trưởng hỏi thám tử Hoàng rằng, có phải là bà ấy hơi ốm, dáng người nhỏ nhắn? Thám tử Hoàng điện thoại cho ông Sơn và đề nghị ông sang Q.8 để đi cùng tới nhà bà Tâm. Ông Sơn lập tức có mặt sau 30 phút.

Nhà bà Tâm nằm trong con hẻm rất nhỏ, chỉ vừa khít 2 chiếc xe gắn máy đi ngược chiều. Căn nhà bé nhưng khá sạch sẽ. Nghe tiếng gọi cửa, một người đàn bà hơi ốm ra mở cửa. Ông Sơn bỏ kiếng mát, gọi: “Bảy Liên”. Thấy bà mỉm cười, mời tất cả vô nhà uống nước, chúng tôi biết mọi chuyện đã thành công tốt đẹp.

Chúng tôi ngồi lắng nghe những câu chuyện thời thanh niên xung phong của thế hệ đi trước, rất khâm phục và xúc động. Họ đã có một thời “mình vì mọi người” tuyệt vời như thế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm