pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến chất lượng học tập của nhiều nữ sinh
Ảnh minh họa
Đây là kết quả từ khảo sát được thực hiện từ gần 7.000 trẻ em Việt Nam, 30 cuộc phỏng vấn sâu và nghiên cứu các tài liệu sẵn có do 2 tổ chức xã hội là Saigon Children's Charity (Saigonchildren) và Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) vừa được chính thức công bố ngày 27/4.
Nghiên cứu này nằm trong chiến dịch chung giữa Saigon Children's Charity và MSD mang tên PowHERful nhằm hướng đến việc đưa ra những thực trạng về thách thức mà trẻ em gái Việt Nam gặp phải, đặc biệt là trong giáo dục. Đồng thời trao quyền cho các em để phá bỏ rào cản và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, 54% nữ sinh cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ khi nói đến kinh nguyệt và thường cảm thấy phải giấu các sản phẩm như băng vệ sinh tại trường học.
65% học sinh nữ được khảo sát nghĩ rằng trong sách giáo khoa, các nhân vật nữ là những người nội trợ; 55% nam sinh tham gia khảo sát cũng có câu trả lời tương tự.
Bên cạnh đó, chỉ có 23% học sinh nữ cảm thấy nhà vệ sinh tại trường học sạch sẽ và cảm thấy dễ chịu, trong khi có tới 46% cảm thấy không an toàn khi sử dụng nhà vệ sinh tại trường học.
Kết quả khảo sát đã chỉ ra rằng có nhiều thách thức đang ngăn cản trẻ em gái và nữ sinh tiếp cận với giáo dục, phát huy hết khả năng tại trường học hoặc khiến các em mất động lực trong việc học lên các bậc cao hơn hay theo đuổi một số ngành nghề nhất định.
Bà Trần Vân Anh, Phó giám đốc điều hành của MSD, chia sẻ, với 15 năm hỗ trợ các nhóm yếu thế, MSD nhận ra những rào cản mà trẻ em và thanh thiếu niên có thể gặp phải trong việc tiếp cận giáo dục. Với những bất cân bằng về giới, trẻ em nữ có thể gặp những bất lợi hơn trẻ em nam.
"Nghiên cứu này giúp tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của các thách thức mà trẻ em gái gặp phải và nhận thức của cộng đồng về thiên kiến giới. Đây sẽ là nền tảng cho MSD và các đối tác phát triển những hình thức hỗ trợ kịp thời và hợp lý", bà Vân Anh nhấn mạnh.