Kỷ luật thép sẽ cho "quả ngọt" nếu lãnh đạo trường có tầm nhìn

05/10/2017 - 20:40
Bên cạnh những ý kiến không tán thành việc áp kỷ luật thép cho học sinh, vẫn có nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng, nếu phạt đúng người, đúng việc, chắc chắn việc phạt học trò sẽ hiệu quả.

Lúc cần vẫn phải rắn!

Trước những nội quy đặt ra của trường THPT Lương Thế Vinh hiện vẫn gây tranh cãi, có nhiều giáo viên tỏ vẻ đồng tình khi cho rằng, đặt ra nội quy nghiêm khắc là cần thiết, đặc biệt khi gặp phải những học trò hư, vô lễ với thầy cô giáo và quậy phá.

Cô T.T – giáo viên một trường THCS ở huyện Hoài Đức, Hà Nội là người rất ủng hộ quan điểm kỷ luật thép trong nhà trường. Đơn giản bởi cô từng chủ nhiệm nhiều lớp có HS cá biệt, và đôi khi phải cần đến những nội quy cứng để uốn nắn học trò.

Bảng nội quy gây tranh cãi của trường THPT Lương Thế Vinh

“Ví dụ, khi học sinh vi phạm, nhà trường phạt theo hình thức lao động công ích là phù hợp và cần thiết. Bản thân tôi cũng tự đặt ra những hình phạt theo kiểu này với học trò, dù không nằm trong nội quy của nhà trường, và thấy mình áp dụng hiệu quả” - cô T.T chia sẻ.

Theo đó, tùy mức độ vi phạm của học trò, giáo viên sẽ áp mức phạt phù hợp, nhẹ thì để học sinh tự nhận mức phạt như quét sân trường sau buổi học, giặt giẻ lau bảng. Nặng hơn, với những học sinh quậy phá, đánh nhau, buộc cô phải mời bố mẹ lên gặp và đối thoại.

Cô T.T cũng cho rằng, cần hiểu cụ thể hơn về cái gọi là phạt vì sẽ có nhiều mức độ phạt, tùy vào hành vi sai trái của trò để đưa ra những mức phạt phù hợp. Nữ giáo viên luôn có nguyên tắc là cực kỳ hạn chế việc tự tạo ra một hình thức phạt nào đó khiến học sinh phải khiếp sợ và ám ảnh. Cùng lắm mới nghĩ đến việc phạt học trò, vì bản thân giáo viên cũng không sung sướng và thoải mái khi phạt học sinh.

“Đồng ý là có kỷ luật, nhưng tôi tôn trọng các em bằng cách để các em tự nhận mức phạt, sau đó tùy tình hình để tôi điều chỉnh phù hợp. Điều này cũng giống như việc mình dạy con ở nhà, để con tự giác nhận lỗi thì sẽ hiệu quả hơn là áp đặt các con! Phạt trò mà trò thấy đúng, thấy phù hợp, chắc chắn sẽ ít tái phạm hơn là những trò phải chịu một cái “án” từ giáo viên khiến các em thấy sợ hãi!”- nữ giáo viên nói

Kỷ luật thép và “quả ngọt”

Cô Dương Huệ - nguyên giáo viên trường THPT Quốc học Huế - khi nhớ lại quãng thời gian dạy học đầy trải nghiệm của mình, cũng thừa nhận có không ít lần phạt học trò vì các em không nghe lời.

“Việc chủ nhiệm một lớp học có em ngoan em hư, em chăm học em lười nhác là điều hoàn toàn bình thường. Thường thì tôi chọn cách phạt linh hoạt chứ không phụ thuộc vào nội quy văn bản nào. Tôi cũng ít thấy có trường học nào quy định quá cụ thể về từng nội dung hay có những điều khoản quá hà khắc. Nội quy là chung, là cơ bản, còn giáo viên áp dụng nó thế nào thì phải tùy người, tùy việc, tùy bản ngã của từng học sinh”- cô Huệ nói.

Chính vì thế, trước câu chuyện của trường Lương Thế Vinh, nữ giáo viên không đồng tình, cũng không phản đối. Mọi kỷ luật đều phải xuất phát từ chính cách nhìn nhận của giáo viên dựa trên thông tin khách quan, nhiều phía và quan trọng là dựa vào bản chất của sự việc để đưa ra mức phạt phù hợp.

“Có những học sinh vi phạm lần đầu, lần thứ hai, tôi sẵn sàng bỏ qua sau khi nhắc nhở. Nhưng khi các em phạm sai lầm thêm một lần nữa, lập tức sẽ phải uốn nắn bằng những mức phạt cụ thể mà nặng nhất là đối thoại với phụ huynh, đối thoại với ban giám hiệu. Nói chung giáo viên cần linh hoạt và khách quan, chứ cứ áp đặt học sinh mà không tìm nguyên nhân, đôi khi sẽ phạm sai lầm đáng tiếc”- cô Huệ chia sẻ.

Còn với một thầy giáo trẻ tại Hà Nội, hiện là một trong những giáo viên được học sinh THPT rất yêu quý (xin giấu tên), đã nói rằng, thầy coi trọng kỷ luật thép để tạo ra một môi trường giáo dục văn minh, lành mạnh.

Có cơ hội trải nghiệm dạy học từ một trường có nhiều học sinh cá biệt sang một trường nhiều em ngoan ngoãn, lễ phép, thầy mới hiểu thế nào là “quả ngọt” từ kỷ luật thép.

“Ở trường cũ, học sinh của tôi ngắt hoa bẻ cành như cơm bữa, giáo viên trong trường cũng xem chuyện đó là bình thường. Nhưng khi sang trường mới, tôi thấy học sinh tuyệt nhiên không làm việc đó, các em rất nề nếp, kỷ luật, thậm chí biết trân trọng lớp học, vườn hoa của trường. Tôi rất ngạc nhiên và thấy ngôi trường mình dạy quả thật nề nếp hơn và dễ chịu hơn”- nam giáo viên trẻ nói.

Đồng tình với cách kỷ luật nghiêm khắc, song theo thầy giáo này, kỷ luật nghiêm sẽ hiệu quả khi người lãnh đạo trường có tầm nhìn. “Có tâm là điều chắc chắn rồi, nhưng nếu có tầm, hiệu trưởng một trường học sẽ biết áp dụng phù hợp những kỷ luật mình đặt ra với học sinh, khi đó sẽ không có chuyện bát nháo, bất đồng. Trật tự và văn minh đúng nghĩa từ kỷ luật thép, điều đó phụ thuộc rất lớn vào sự điều hành của người đứng đầu nhà trường”- nam giáo viên nhấn mạnh.

“Việc kỷ luật học sinh trong quan hệ "bất đối xứng" không mấy khó khăn trong bất kỳ trường lớp nào. Có thể sử dụng các biện pháp khá cực đoan như dọa dẫm, phạt lao động công ích, bêu khuyết điểm của học sinh vi phạm trước lớp hoặc có thể liên tục thông báo cho gia đình... Tuy nhiên, các em học sinh còn quá nhỏ tuổi để có thể phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai như một người trưởng thành. Vì thế, mọi kỷ luật ở mức quá nặng nề đều có thể để lại những di chứng cho trẻ trong những năm tháng học ở nhà trường và sau này. Còn có hình thức khác mà một số nhà giáo dục gọi là kỷ luật tích cực là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học dẫn đến ý thức kỷ luật một cách tự giác, nâng cao năng lực và lòng tin của học sinh và thầy cô, thể hiện sự tôn trọng trẻ có văn hóa, mang tính giáo dục cao và những phê bình trẻ dễ tiếp thu hơn. Nói cách khác đó là hình thức kỷ luật phòng ngừa không trừng phạt”.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm