Nguyễn Cơ Thạch - Nhà ngoại giao có tầm nhìn chiến lược

Ngự Bình
15/12/2021 - 09:32
Nguyễn Cơ Thạch - Nhà ngoại giao có tầm nhìn chiến lược

Ông Nguyễn Cơ Thạch và phu nhân, bà Phan Thị Phúc

Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch đã ghi dấu ấn sâu đậm ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thời hiện đại.

Những "cung bậc" của nghề ngoại giao

Ông Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Văn Cương, là một chính trị gia, nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), ông lãnh đạo Bộ Ngoại giao của Việt Nam từ tháng 2/1980 đến tháng 7/1991.

Ông được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong bối cảnh đất nước sau chiến tranh khó khăn tứ bề. Ông được biết đến là vị Bộ trưởng "phá vây", có đóng góp lớn vào việc giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và trong khu vực; từ đó kiến tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước.

Ông là nhà ngoại giao có tầm nhìn chiến lược, đánh giá sắc sảo, đúng đắn tình hình, đặc biệt là nhạy bén nắm bắt các xu thế của thời đại, quy luật phát triển của đất nước, góp phần vào xây dựng phương pháp luận ngoại giao mang bản sắc Việt Nam. 

Với hơn 4 thập niên gắn bó với ngoại giao, trong đó hơn 11 năm giữ vị trí đứng đầu ngành, ông đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của đối ngoại Việt Nam, trong đó có đối ngoại nhân dân. Năm 1973, ông đã nổi tiếng trong giới ngoại giao quốc tế khi thể hiện bản lĩnh tuyệt vời trong vai trò người thương thuyết của cố vấn Lê Đức Thọ suốt các vòng đàm phán ở Hiệp định Paris về kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. 

Ngoại trưởng Mỹ Henry Alfred Kissinger đã từng phải thốt lên rằng, ở Paris, Nguyễn Cơ Thạch là người khiến ông ta e ngại nhất của phái đoàn Việt Nam vì kỹ năng đàm phán xuất sắc. Ông đã vượt qua những năm tháng khó khăn nhất của ngành ngoại giao, lặng lẽ xếp những viên gạch đầu tiên để góp phần xây dựng một Việt Nam thoát khỏi sự cô lập và hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Ông đã đi xa nhiều năm nhưng tới nay bạn bè quốc tế vẫn nhớ và nhắc đến ông như một nhà ngoại giao xuất sắc, có trí tuệ sâu sắc uyên bác nhưng lại rất gần gũi, đời thường. Với báo chí quốc tế, ông là người thẳng thắn, bộc trực và sẵn sàng phản biện báo giới. 

Nhà báo Elizabeth Becker của tờ Washington Post là người dành nhiều thiện cảm cho Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Trong mắt bà, ông là người "thông minh và khí phách như Chu Ân Lai, mộc mạc như Mahatma Gandhi. Ông là bậc thầy về những cử chỉ bao quát lẫn sự khôn ngoan, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ. Ông tỏa sáng ở tất cả mọi nơi ông xuất hiện".

Nghề "từ trái tim đến trái tim"

Trong thời gian khó khăn của ngành ngoại giao, bên cạnh những cộng sự tâm huyết, ông còn có sự ủng hộ, trợ giúp của người vợ là bà Phan Thị Phúc. Từng là chủ nhiệm khoa Dược Bệnh viện Việt - Đức, bà Phúc chuyển về công tác ở Bộ Ngoại giao từ năm 1979. Bà nhận mình như là bạn, là thư ký riêng của ông với tất cả tình yêu, kính trọng và sự ngưỡng mộ. 

Bà đọc các tài liệu tiếng Anh về kinh tế, quan hệ quốc tế rồi tóm tắt lại, trao đổi cùng ông để hỗ trợ ông nắm bắt các xu hướng mới trên thế giới. Không đơn thuần là những trang sách, sự hiểu biết về những con người đang đấu tranh cho tự do và hòa bình, về những nét lịch sử, văn hóa độc đáo của các quốc gia thông qua các câu chuyện của bà đã trở thành một phần của phong cách ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Trước khi qua đời, ông đã tâm sự: "Tất cả những thành công của anh đều có sự đóng góp của em, đều có tình yêu của em trong đó".

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921 - 2021): Nhà ngoại giao có tầm nhìn chiến lược - Ảnh 2.

Thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 35, năm 1980

Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền đã tham gia đoàn Việt Nam dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc 34 ngay từ năm 1979 và nhiều khóa họp ĐHĐ LHQ các năm sau đó. Thời đó, Mỹ và các nước phương Tây khống chế LHQ và so sánh lực lượng hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam. Tại các cuộc thảo luận chung và 2 đề mục về Campuchia thì Mỹ, Trung Quốc, các nước ASEAN, các nước phương Tây… hùa nhau vu cáo Việt Nam xâm lược Campuchia. 

Trong tình thế khó khăn đó, với sự tham gia và chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ta đã tích cực triển khai nhiều chủ trương, biện pháp đấu tranh, kể cả vận động, phối hợp với các nước xã hội chủ nghĩa, một số bạn bè tích cực phát biểu, tận dụng các cơ hội, dùng quyền trả lời để làm rõ quan điểm của ta và phản bác các vu cáo. 

Bà Huyền chia sẻ: "Tôi đã may mắn được là người tham gia cuộc đấu tranh trên, dưới sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của ông Thạch, trong giai đoạn đầy khó khăn khắc nghiệt. Đây cũng là giai đoạn giúp tôi trưởng thành nhiều và học hỏi được nhiều điều quý giá từ ông, thủ trưởng và người thầy tài ba, uyên bác mà tôi vô cùng kính trọng".

Bà Huyền vẫn nhớ về cách mà phái đoàn phải vượt qua những khó khăn về tài chính khi tham dự Phiên họp Đại hội đồng LHQ năm 1980. Đặc biệt là với những thành viên nữ trong phái đoàn, vốn không quen thời tiết quá lạnh. Để giảm chi phí ở khách sạn, ông Thạch nhất quyết ở cùng nhà với nhân viên của mình. 

"Bộ trưởng biết tình hình của chúng tôi khó khăn thế nào. Ông đã quyết định chi cho 3 thành viên nữ trong đoàn mỗi người 150 USD (tương đương với 1 tháng lương khi đó) để mua quần áo ấm. Hôm sau, ông Thạch đi chân đất vào phòng họp, chúng tôi mới thấy đôi tất ông đang đi đã thủng vài chỗ. Chúng tôi vô cùng cảm động và ghi nhớ mãi sự quan tâm chu đáo của ông đối với chị em, mà không nghĩ đến bản thân mình", bà Huyền chia sẻ.

Còn Đại sứ Nguyễn Thị Hồi đã có cơ hội may mắn được dịch cho các vị lãnh đạo, trong đó đặc biệt là "nữ tướng" Nguyễn Thị Định, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình và Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch... Những tiền bối đã truyền cho bà ngọn lửa đam mê, chiến đấu suốt 37 năm trong nghề. 

"Trong mọi cuộc đấu trí suốt một thập niên chống bao vây, cấm vận, chúng tôi học được nhiều điều ở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch - người có tầm nhìn và chiến lược, nhìn ra vấn đề, đề ra rồi hiện thực hóa ý tưởng. Ông trở thành người truyền lửa chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của ông, tôi cũng như nhiều người khác đã trở thành chiến binh, chiến đấu bảo vệ lợi ích quốc gia trên mọi diễn đàn", Đại sứ Hồi tâm sự.

Chính nhờ những bài học này từ người thầy đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hồi đã tạo được dấu ấn quan trọng khi đảm nhận trọng trách Đại sứ Việt Nam tại Canada (2002-2006). Người thầy này cũng đã nhìn thấy tố chất làm đối ngoại của bà Tôn Nữ Thị Ninh để đưa bằng được bà về Bộ Ngoại giao. Nhờ ông dìu dắt, bà Ninh đã rất thành công và từng nổi tiếng ở vị trí người đứng đầu đại diện của Phái đoàn Việt Nam ở Liên minh châu Âu tại Brussel (Bỉ). Bà Ninh cũng đã vươn lên trở thành Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Quốc hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm