pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỷ niệm 102 năm Ngày sinh Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo: Đám cưới thời chiến
Đồng chí Lê Quang Đạo và phu nhân, nhà văn-nhà báo Nguyệt Tú, tại Pác Bó (Cao Bằng), năm 1978. Ảnh: Gia đình cung cấp
Cuối năm 1947, tôi và anh Đạo chính thức hẹn ước. Tôi thật hạnh phúc, nhưng nghĩ đến cảnh ngồi nhà ôm con, không được tham gia kháng chiến, tôi rất băn khoăn. Trước khi gặp anh Đạo, tôi vẫn nghĩ khi nào hết chiến tranh, nước nhà hòa bình mới tính chuyện hôn nhân. Tôi bàn với anh Đạo sau năm năm mới cưới. Nhưng bất ngờ một sự kiện xảy ra làm thay đổi quyết định của tôi và thay đổi cả cuộc đời tôi.
Cuối tháng 9 năm 1948, tôi và chị Tụy Phương, cán bộ cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ, đi dự lễ truy điệu các chiến sĩ hi sinh của Tiểu đoàn Phủ Thông. Lúc này, Hà Nội đang bị Pháp tạm chiếm.
Chúng tôi đi bộ từ chiến khu Thái Nguyên đến Vĩnh Yên. Sau đó chúng tôi đi thuyền xuôi dòng qua Sơn Tây, căn cứ kháng chiến của ta thời đấy. Dọc đường thuyền ghé bến Then, hai chị em vào trạm quân y úy lạo thương binh đang điều trị và nhận thư bộ đội gửi về gia đình. Trời tờ mờ sáng, thuyền ghé bến Vân Đình.
Vừa xuống bến, tiếng kẻng báo động máy bay vang lên dồn dập. Máy bay khu trục Pháp ào đến bắn phá, rất nhanh sau đó, máy bay vận tải Dakota thả lính dù đầy trời. Bốn mặt xung quanh Vân Đình bị lính dù đổ bộ xuống vây kín. Đạn từ máy bay bắn xuống dữ dội. Hai chị em chạy ngay đến một gốc cây to, nằm ép xuống rãnh dưới gốc cây.
Ngước mắt lên, tôi thấy dù trắng, dù đỏ đầy cả như nấm mọc khắp một vùng trời rộng. Máy bay vẫn chúc xuống bắn phá. Mấy phút sau, tôi kéo chị Tụy Phương đứng dậy chạy tiếp. Hai người giấu ba lô xuống một ao bèo, chỉ mang theo một túi con có giấy tờ và thư của bộ đội gửi gia đình.
Chạy một hồi thì chị Tụy Phương đuối sức, luôn tụt lại phía sau. Chị nói:
- Em chạy đi, chị không theo được nữa đâu! Chị đang có mang hai tháng!
Chị còn nói tiếp:
- Em đi gặp anh Đạo đi. Chị chạy không kịp đâu. Lỡ có thế nào thì chị đã có anh Ngọc. Em thì chưa có anh Đạo. Hai người cưới nhau ngay đi. Đừng kéo dài nữa!
Tôi dìu chị chạy tiếp. Hết chạy lại nghỉ khi quá mệt, cuối cùng hai người cũng thoát khỏi vòng vây của quân dù, chạy về hướng Mỹ Đức. Dân các làng xung quanh cũng chạy về hướng đó. Mỹ Đức là một huyện thuộc tỉnh Hà Đông, cách thị trấn Vân Đình chừng hơn hai chục km.
Tôi và chị Tụy Phương cứ thế chạy, dọc theo bờ đê sông Đáy. Cùng một số đồng bào, chúng tôi xuống một chiếc đò, chèo qua sông Đáy. Cuối cùng đã về đến Mỹ Đức, là cơ sở kháng chiến của ta. Các cơ quan lãnh đạo kháng chiến đang ở đấy. Ghé vào nhà dân được ăn một bữa cơm. Cơm có canh rau và hai con cá nhỏ mà sao ngon thế! Chị Tụy Phương bảo ăn một con, để dành một con.
Cuộc càn quét của lính dù Pháp kết thúc lúc trời đã tối mịt. Sau này, tôi được biết có tụi chỉ điểm nằm ổ ở hiệu chụp ảnh báo tin cho quân Pháp là Bác Hồ đang ở Vân Đình. Bọn Pháp nhảy dù còn định truy bắt đoàn cán bộ của anh Lê Đức Thọ ghé qua đây để vào Nam. Quân Pháp vây bắt và đốt phố Vân Đình cháy trụi. Hàng trăm người bị bắt.
Chị chủ nhà cho biết, Thành ủy Hà Nội cũng về Mỹ Đức. Anh Đạo lúc đó là Bí thư Thành ủy. Từ khi chúng tôi hứa hôn với nhau bên bờ sông Tích Giang đến thời điểm đó đã hai năm. Đầu năm 1948, anh Đạo về họp ở khu 11 có ghé qua Vĩnh Yên, anh đưa tôi về thăm và giới thiệu với ông bà thân sinh.
Thoát chết ở trận Pháp nhảy dù ở Vân Đình đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi về cuộc sống. Cảm nhận được sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Trong lúc chiến tranh ác liệt không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sau lúc gặp nhau, chúng tôi quyết định cưới.
Đám cưới chúng tôi có chị Hoàng Ngân và anh Lê Đức Thọ làm chủ hôn. Lễ cưới diễn ra giản dị. Căn phòng nhỏ được bài trí đơn sơ. Quần áo tôi bỏ vào ba lô chạy Tây nhảy dù đã theo ba lô xuống ao bèo. Quần áo tôi đang mặc là bộ màu nâu bạc phếch.
Chị Hoàng Ngân cho mượn áo nâu mới. Chị Bội Hoàn cho mượn chiếc quần lụa đen. Thế là cô dâu có bộ quần áo mới cùng chiếc nón chuông. Quà cưới của anh Đạo là một vỏ hộp sắt thuốc lá Caraven, dùng đựng kim chỉ.
Đám cưới đạm bạc mà sao thật đầm ấm. Có người đề nghị cô dâu, chú rể hát. Tôi lúng túng đưa mắt nhìn anh Đạo. Hiểu ý, anh Đạo cất giọng:
… Cây trúc xinh…. Chị hai xinh, tang tình là chị hai đứng. Đứng đứng một mình qua lối như càng xinh…
Anh vừa dứt ngân nga, mọi người quay sang tôi. Thấy tôi lúng túng, anh đỡ lời thay bằng bài hát "Nồi niêu". Hát đến câu "Lại đây anh bế, anh bồng!", anh chợt đưa mắt liếc tôi. Tôi xấu hổ, quay mặt đi, tủm tỉm cười. Anh Đạo con trai Đình Bảng, Bắc Ninh nên hát Quan họ rất hay.
Chúng tôi nhận được nhiều thư chúc mừng. Lời chúc "Chúc mừng hai hòn bi chồng lên nhau" của anh Trường Chinh. Anh Cả Nguyễn Lương Bằng viết: "Giá các cậu ở gần đây, tôi xin tặng tấm chăn sui (chăn bằng vỏ cây)".
Riêng anh Tố Hữu gửi tặng tập thơ "Từ ấy" in bằng giấy bản, khổ nhỏ, có lời đề tặng: "Thân tặng Đường sáng Trăng sao".
Sau này, thỉnh thoảng anh Đạo lại nói đùa với các con: "Nếu không thoát chết từ Tây nhảy dù thì mẹ đã chịu cưới đâu. Cô dâu mà áo quần đi mượn. Thật là một đám cưới hi hữu!".