Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Kinh tế TPHCM phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

Đình Hưng
30/04/2022 - 07:00
Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Kinh tế TPHCM phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

Sáng 28/4/2022, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 nối thành phố Thủ Đức và Quận 1. Ảnh: TTXVN

Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát đã tạo tâm lý thoải mái cho người dân và doanh nghiệp tại TPHCM yên tâm sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, một số lĩnh vực kinh tế tại thành phố đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ.
Cần hơn 65.000 lao động trong quý II/2022

Sau thời gian dài công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19, giờ đây, chị Nguyễn Thị Chinh, công nhân may mặc tại quận 12 (TPHCM), đã có thể đến công ty làm việc một cách bình thường. Chị Chinh cho biết, việc dịch bệnh được kiểm soát tốt trong thời gian qua đã giúp những công nhân như chị có được tâm lý thoải mái khi làm việc. Hoạt động của công ty cũng đã ổn định trở lại. "Công việc bây giờ đã ổn định, mọi người không còn lo lắng về dịch bệnh nữa. Thu nhập hàng tháng của tôi hiện khoảng hơn 8 triệu đồng, kể cả tiền tăng ca", chị Chinh cho hay.

Chia sẻ của chị Chinh cũng là tâm lý của nhiều người lao động trên địa bàn thành phố khi các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đã quay trở lại bình thường sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Thị trường lao động cũng đang dần phục hồi tích cực nhờ vào các giải pháp ổn định tình hình lao động, việc làm và sự thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp trong phòng, chống dịch. Theo Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP.HCM), trong quý II/2022, thị trường lao động tại thành phố có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề. Các doanh nghiệp cần khoảng 65.500 - 72.500 chỗ làm việc. Trong đó có nhiều việc làm dành cho người lao động nữ như tài chính, ngân hàng - bảo hiểm, dệt may…

Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã dần ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng sau thời gian đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc Công ty Biti’s, cho biết, trong giai đoạn giãn cách xã hội, công ty gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu giảm đến 50%. Áp lực với bản thân bà là rất lớn khi phải lo cho 10.000 lao động. Mục tiêu trong năm 2022 của công ty là hồi phục lại đà tăng trưởng như trước dịch Covid-19, kích thích người lao động phấn đấu, nỗ lực hơn nữa. Để thực hiện mục tiêu này, chuyển đổi số nhanh, thực tế hơn và hiệu quả là một giải pháp. Theo bà Quyên, điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số trong doanh nghiệp là tư duy của nhân sự trong việc triển khai thực hiện phần mềm, công nghệ. "Ở thời điểm này, điều quan tâm nhất của tôi trong chuyển đổi số là làm sao giúp cho mọi người sử dụng được phần mềm hiệu quả, tinh gọn", Tổng giám đốc Công ty Biti’s nhấn mạnh.

Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Kinh tế TPHCM phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch - Ảnh 1.

Một góc thành phố Hồ Chí Minh Ảnh: TTXVN

 Đạt được nhiều kết quả tốt

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM, đánh giá trong tháng 4/2022, một số lĩnh vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 2% so với tháng 3 và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt gần 168.200 tỉ đồng, đạt 43% dự toán, tăng gần 14% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, tình dịch dịch bệnh được kiểm soát đã khiến du khách tự tin đến với thành phố. Hiện nay, hầu hết các đơn vị lữ hành đều triển khai các dịch vụ cộng thêm, làm mới sản phẩm du lịch, liên kết sản phẩm với các tỉnh, thành. Qua đó, giúp ngành du lịch của thành phố ngày càng thu hút nhiều du khách.

Sau đúng 1 năm, kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, hiện nay số ca mắc mới mỗi ngày trên địa bàn TPHCM là dưới 100 ca, chủ yếu là biến thể Omicron và người bệnh không có triệu chứng. Số ca điều trị tại nhà, tại bệnh viện hiện còn hơn 5.000 ca; trong đó còn khoảng 400 ca điều trị tại bệnh viện, số ca thở máy giảm xuống thấp và 3 tuần liên tiếp không có ca tử vong. Có thể nói, thành phố đã có thể yên tâm về dịch Covid-19. Sau dịp lễ 30/4 và 1/5, thành phố sẽ tiếp tục thu gọn các đơn vị thu dung điều trị, ngưng các trạm y tế lưu động”.

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đánh giá, kinh tế - xã hội của TPHCM đang tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực. Trong thời gian qua, số ca mắc Covid-19 nhập viện giảm liên tục. Khi yên tâm về vấn đề y tế thì có thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, mở rộng sản xuất kinh doanh. Xuất khẩu cũng đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Theo ông Ngân, thời gian tới, thành phố cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ để ngành du lịch thành phố tiếp tục phát triển và quan tâm đến các vấn đề dân sinh như tình trạng ngập nước, nhà ở cho người lao động.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian qua đã được phục hồi mạnh mẽ, đồng bộ, đạt được những kết quả tốt. Thành phố đã tiếp tục kiểm soát tốt được dịch Covid-19, đây là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong tháng 4/2022, thành phố đã tổ chức được nhiều sự kiện lớn, qua đây đã tạo được thông điệp mạnh mẽ trong việc trở lại của thành phố. Bên cạnh đó, kinh tế-xã hội có sự phục hồi tốt, tăng trưởng khá, du lịch phục hồi tích cực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm