Ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở "Thủ đô kháng chiến"

Nguyễn Văn Duẩn
19/08/2023 - 10:44
Ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở "Thủ đô kháng chiến"

Ông Hoàng Ngọc là người duy nhất còn nhớ được những ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Thủ đô kháng chiến.

Lịch sử đã lùi xa 78 năm, thế nhưng không khí của những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người dân xã Tân Trào – "Thủ đô kháng chiến" của nước ta.

Ký ức về Bác Hồ

Những ngày giữa tháng 8, trở lại xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) mới thấy hết được không khí hồ hởi, háo hức của người dân để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 78 năm ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Như một dịp để tri ân lịch sử, những ngày này, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào lại đón hàng nghìn lượt du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, ôn lại ký ức và truyền thống hào hùng của dân tộc.

Ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Thủ đô kháng chiến - Ảnh 1.

Đình Tân Trào, nơi khai mạc Quốc dân đại hội

Với những người yêu thích lịch sử, muốn được hòa mình vào những năm tháng sôi nổi chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha ông đi trước thì mỗi khi đến Tân Trào không thể không ghé thăm căn nhà của ông Hoàng Ngọc (87 tuổi) – người vẫn được người dân gọi bằng cái tên đầy trang trọng là "người giữ sử ở Thủ đô kháng chiến". Ông Ngọc hiện đang sinh sống cùng gia đình tại ngôi nhà sàn khang trang ở làng Tân Lập (xã Tân Trào).

Ở Tân Lập hiện còn 3 người đã từng trải qua những năm tháng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám nhưng chỉ duy nhất có ông Ngọc là vẫn giữ được trí tuệ minh mẫn. Người ta cứ ví ông Ngọc giống như một "thước phim tư liệu" quý mà qua lời kể của ông, những năm tháng lịch sử như được tái hiện một cách sinh động, chân thực nhất. Ông Ngọc bảo, trừ những khi gia đình có công việc bất khả kháng, còn không ông chưa từ chối bất cứ một ai đến thăm nhà và muốn nghe chuyện về Bác Hồ, về Tổng khởi nghĩa tháng Tám.

Ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Thủ đô kháng chiến - Ảnh 2.

Ông Hoàng Ngọc là người duy nhất còn nhớ được những ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Tân Trào

Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông Ngọc kể rành mạch những chuyện mà bản thân đã từng chứng kiến và trải qua bằng một chất giọng hào sảng và khuôn mặt sáng ngời niềm tin. Ông Ngọc kể, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 (1939 – 1945) sắp kết thúc, nhận thấy thời cơ giành lại đất nước đã đến, Bác Hồ và các cán bộ cách mạng quyết định từ Cao Bằng xuống Tuyên Quang tìm một địa điểm có thể tiện liên lạc với trong nước và nước ngoài. Làng Kim Long (tên cũ của xã Tân Lập) là nơi được chọn để làm nơi căn cứ chỉ huy cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Khoảng 4h chiều ngày 21/5/1945, Bác Hồ đặt chân đến làng Kim Long. Tại đây, Bác ở nhà cụ Nguyễn Tiến Sự (Chủ nhiệm Việt Minh Tân Trào). Khi ấy, cụ Hoàng Trung Nguyên (bố ông Ngọc) đang là cán bộ giao liên cho Bác và Trung ương Đảng nên cậu bé Ngọc được có dịp gần và tiếp xúc nhiều với Bác.

Ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Thủ đô kháng chiến - Ảnh 3.

Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ từng sinh sống để chỉ đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám

Khi đó mới chừng 10 tuổi nên ông Ngọc cũng như người dân làng Kim Long không biết đến Bác là ai. Điều ấn tượng ở Bác mà họ nhớ chỉ là một ông lão dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt sáng, vầng trán cao và đặc biệt rất vui tính. Và do không biết tên Bác nên ông Ngọc cũng như nhiều người vẫn gọi Bác bằng cái tên thân mật là ông Ké (ông già – dịch theo tiếng Tày). Ngày ngày, ngoài giờ làm việc, người dân làng Kim Long vẫn thấy ông Ké đi ra ruộng, đắp bờ giữ nước, hỏi thăm từng người, từ cụ già đến em nhỏ. Cũng bởi những đức tính đó mà người dân Kim Long ai ai cũng đều quý mến ông Ké.

Ông Ngọc hào hứng kể lại rằng, khi đó, bản thân ông là 1 trong 3 em nhỏ đầu tiên ở làng Kim Long được tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc. "Nhiệm vụ của Bác giao cho chúng tôi khi đó là vừa chăn trâu giúp bố mẹ, vừa phải theo dõi xem có người lạ vào làng không để báo về cho cán bộ", ông Ngọc nhớ lại. Và chiến công đầu tiên của cậu bé Ngọc và các bạn nhỏ trong Đội Nhi đồng cứu quốc khi ấy là phát hiện và báo tin để cán bộ bắt giữ thành công một giặc phỉ góp phần bảo đảm bí mật, an toàn cho "Thủ đô kháng chiến".

Ông Hoàng Ngọc kể lại những kỷ niệm về Bác Hồ

Ngày 16/8/1945, Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh quyết định khai mạc Quốc dân đại hội tại đình Tân Trào. Hôm diễn ra Đại hội, người trong làng góp nhau gạo, gà và 1 con bò, rồi cử đoàn đại biểu dân làng do già làng Hoàng Văn Các làm trưởng đoàn ra đình làng chúc mừng Đại hội thành công. Dịp ấy, ông Ngọc cũng góp mặt trong đoàn.

"Trước tình cảm của người dân Kim Long, ông Ké xúc động nói lời cảm ơn. Ông nhìn chúng tôi hết một lượt rồi nói với Đại hội những lời gan ruột rằng: "Chúng ta phải làm thế nào cho các cháu đây có cơm ăn áo mặc và được học hành", ông Ngọc xúc động kể. Một năm sau đó, khi Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, trong dịp rước ảnh Bác về làng, người làng Kim Long mới bất ngờ khi biết ông Ké mà họ vẫn thường yêu quý lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Những ngày tháng Tám sục sôi

Quyết định Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành lại chính quyền trong cả nước được coi là mốc son lịch sử vẻ vang. Đối với người dân tại Tân Trào, thời khắc đó còn có ý nghĩa hơn gấp bội. Trong hồi ức của mình, ông Ngọc cho biết ông sẽ chẳng bao giờ quên được cái khoảnh khắc ý chí của nghìn người như một, trong ánh mắt ai cũng bừng lên ngọn lửa tiêu diệt giặc thù.

Ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Thủ đô kháng chiến - Ảnh 5.

Dù đã gần 90 tuổi nhưng ông Hoàng Ngọc vẫn nhớ rất rõ những ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Thủ đô kháng chiến

Ông Ngọc kể, đến tháng 7/1945, ông Ké ốm rất nặng, nhân dân Kim Long cắt cử nhau đi tìm thuốc chữa bệnh. May sao, có một bà ở dưới Đại Từ (Thái Nguyên) biết thuốc người Dao, Mán lấy về cho ông Ké tắm. Sức khỏe ông Ké ngày một khá lên. "Tôi có nghe bố tôi kể lại, ông Ké có nói với chú Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) khi đó rằng: "Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập", ông Ngọc kể lại.

Ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Thủ đô kháng chiến - Ảnh 6.

Ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Thủ đô kháng chiến - Ảnh 7.

Ngôi nhà sàn lưu giữ nhiều những bức ảnh về Bác Hồ

Quán triệt tinh thần của Bác, Trung ương Đảng họp và định ra vấn đề mở Quốc dân Đại hội, thành lập Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Buổi sáng ngày 16/8/1945 họp, đến chiều, nghe tình hình quân Nhật đầu hàng, Bác đã nhanh chóng yêu cầu đồng chí Võ Nguyên Giáp xuất quân từ trường quân chính kháng Nhật (thành lập 15/5/1945 - tiền thân của Trường Sĩ quan lục quân bây giờ).

Đội quân sau đó tập trung ở dưới cây đa Tân Trào. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 xong, ông Đàm Quang Trung cầm lá cờ tuyên thệ. Tiếng hô "quyết tâm" của đội quân hơn 200 người vang dậy cả núi rừng. "Sau 3 phát súng được Bác bắn, đoàn quân từ từ tiến về Hà Nội để bảo vệ cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám (19/8/1945) trước sự chứng kiến của nhân dân địa phương và của các đại biểu về dự Quốc dân đại hội", ông Ngọc nhớ lại.

Ký ức hào hùng của những ngày tiền khởi nghĩa ở Thủ đô kháng chiến - Ảnh 8.

Lịch sử của làng Kim Long được ông Hoàng Ngọc ghi chép cẩn thận.

Sau này, khi lớn lên, chàng trai Hoàng Ngọc vẫn mang theo hành trang quý giá là những ký ức đẹp về mùa thu lịch sử và ông Ké để lên đường nhập ngũ. Những điều ông Ké nói, căn dặn đều được chàng trai trẻ khắc ghi. Ông Ngọc bảo: "Hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ tôi luôn nhớ và làm theo lời ông Ké dạy. Quan điểm của tôi là những gì có hại cho đồng đội cho dân, cho Nhà nước" không bao giờ tôi chấp hành mỗi khi nhận lệnh từ cấp trên. Người dân tộc Tày chúng tôi luôn chung thủy với Đảng, Bác Hồ và Cách mạng. Không chỉ trong chiến đấu mà ngay cả cuộc sống hiện tại tôi vẫn luôn khắc ghi lời Bác dạy", ông Ngọc bộc bạch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm