Kỳ vọng đến năm 2020 khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”

11/07/2017 - 11:22
Dự kiến đến 2020, cả nước đào tạo nghề trung bình 2,25 triệu người/năm; gần 100 trường, ngành nghề đạt đẳng cấp quốc tế và tương đương các nước tiên tiến. Qua đó, kỳ vọng góp phần thay đổi cán cân cung - cầu của thị trường lao động "thừa thầy, thiếu thợ".

 

dao-tao-nghe-2.jpg
Dự kiến đến 2020, có gần 100 trường, ngành nghề đạt đẳng cấp quốc tế và tương đương các nước tiên tiến

 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến rộng rãi vào dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, mạng lưới đủ năng lực đào tạo bình quân khoảng 2,25 triệu người/năm. Trong đó: trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm khoảng 70% và 10% người học trình độ trung cấp trở lên thuộc các ngành, nghề trọng điểm; phát triển 70 trường chất lượng cao và 150 ngành, nghề trọng điểm. Trong đó: có 3 trường đạt đẳng cấp quốc tế; 40 trường và 54 ngành, nghề tiếp cận với trình độ của các nước ASEAN-4 hoặc các nước tiên tiến trên thế giới.

Về ngành, nghề đào tạo, theo dự thảo, đến năm 2020, học sinh, sinh viên học các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 40%, lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 32% và lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 28%. Đến năm 2030 học sinh, sinh viên học các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 42%, lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 38% và lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 20%.

Đến năm 2030, mạng lưới đủ năng lực đào tạo bình quân khoảng 2,3 triệu người/năm.

dao-tao-nghe.jpgCả nước đào tạo nghề trung bình 2,25 triệu người/năm vào năm 2020

 

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cơ cấu lại mạng lưới đào tạo, tăng sức hút với học sinh sinh viên, dự thảo Quyết định này được kỳ vọng dần thay đổi cung - cầu thị trường lao động. Thực tế cho thấy, xu hướng học sinh có nguyện vọng và đổ dồn vào các trường đại học vẫn rất lớn, gây ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã diễn ra nhiều năm nay. Không chỉ vậy, cán cân việc làm phân theo trình độ người lao động đang bị “lệch” theo hướng, tỷ lệ người có trình độ đại học thất nghiệp, thiếu việc làm cao hơn người có trình độ trung cấp nghề.

Theo Bản tin thị trường lao động quý 1/2017 của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp nhóm cao đẳng, đại học trở lên giảm so với cùng kỳ 2016, nhưng vẫn còn 1,1 triệu người thất nghiệp. Trong đó, người có trình độ đại học trở lên có tới 138,8 ngàn người thất nghiệp. Trong khi đó, trung cấp nghề chỉ có 83 ngàn người và sơ cấp nghề chỉ có 35 ngàn người thất nghiệp.

bieu-do-so-sanh-ty-le-that-nghiep-theo-trinh-do.jpg
Biểu đồ so sánh số lượng người thất nghiệp phân theo trình độ Quý 1/2017

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm