Lai Châu: Cần tháo gỡ khó khăn cho nghề thổ cẩm của người Lự ở Bản Hon

Hoàng Sa
30/07/2023 - 15:36
Lai Châu: Cần tháo gỡ khó khăn cho nghề thổ cẩm của người Lự ở Bản Hon

Đường vào thôn du lịch Bản Thẳm

Dù đã có mô hình phát triển du lịch cộng đồng khá mạnh, nhưng cho đến nay, nghề sản xuất thổ cẩm của người dân tộc Lự ở thôn Bản Thẳm, xã Bản Hon (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), vẫn chưa thể phát triển, rất khó để tiêu thụ sản phẩm, bởi còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Sản phẩm thổ cẩm “lạc lõng” trong thị trường du lịch

Từ lâu nay, phụ nữ người dân tộc Lự ở bản Thẳm vốn đã quen với việc hoạt động dịch vụ du lịch như, dịch vụ ăn nghỉ Homestay, biểu diễn văn nghệ…, khiến du khách đến đây rất hài lòng. Thế nhưng, riêng dịch vụ sản xuất và bán hàng thổ cẩm lưu niệm lại không phát triển được. Hàng hóa làm ra không bán được, vì không đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

Tại thời điểm phóng viên ghi nhận thông tin, trên những sạp hàng tại nhà văn hóa thôn bản Thẳm, có rất nhiều các sản phẩm như túi, khăn, áo, váy truyền thống trên các kệ hàng. Những sản phẩm này đã nằm đây từ khá lâu, và không thể bán được cho du khách, dẫu rằng lượng khách đến đây là khá nhiều.

Lai Châu: Cần tháo gỡ khó khăn cho nghề thổ cẩm của người Lự ở Bản Hon  - Ảnh 1.

Nhà văn hóa thôn Bản Thẳm, xã Bản Hon, Tam Đường, Lai Châu

Trao đổi với phóng viên, chị Lò Thị Đi, cán bộ Văn hóa xã Bản Hon, cho biết: Các sản phẩm này đều do chính bàn tay các chị em phụ nữ ở địa phương sản xuất thủ công, dựa trên những nét họa tiết hoa văn truyền thống của dân tộc. Nhưng không bán được, nên cứ để ở đây trưng bày cho khách thăm quan thôi.

Thiếu sự gắn kết và tổ chức mô hình sản xuất

Lâu nay, nghề dệt thổ cẩm của người Lự ở Lai Châu khá nổi tiếng, đặc biệt là dệt lụa tơ tằm, cùng với đó là các họa tiết hoa văn rất độc đáo so với các dân tộc khác trên cùng địa bàn cư trú.

Ông Lò Văn Định, ở xã Bản Hon, cho hay: “Xưa kia nghề dệt vải của người Lự là một thế mạnh, sản phẩm chị em làm ra luôn bán được giá cao, người dân tộc khác đều thích mua vải do người Lự làm ra. Nó có màu sắc đẹp, nền vải mịn và rất bền. Nhưng sau này hàng hóa ở chợ rất nhiều và đa dạng, giá cả lại rất rẻ so với vài của người Lự, nên dần dần không cạnh tranh được”.

Lai Châu: Cần tháo gỡ khó khăn cho nghề thổ cẩm của người Lự ở Bản Hon  - Ảnh 2.

Nhiều loại mẫu sản phẩm nằm trên kệ trưng bày suốt thời gian dài, vì không có khách đặt hàng.

Kể từ khi phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Hon, đời sống lao động sản xuất của người Lự đã có thay đổi rất nhiều, đặc biệt là về sinh kế. Nếu như xưa kia, phụ nữ người Lự ở bản Thẳm chỉ biết làm công việc trồng trọt, chăn nuôi và dệt vải. Thì nay, họ còn làm dịch vụ du lịch, tạo ra nguồn thu nhập ổn định hơn các ngành nghề truyền thống vốn gắn với nông nghiệp.

Thế nhưng nghề thổ cẩm lại chưa thể phát triển được như vùng người Mông, người Dao, ở Sa Pa, Lào Cai, dẫu rằng lượng khách đến đây cũng ngày một tăng cao hơn.

Giải đáp về vấn đề này, chị Lò Thị Đi, cán bộ Văn hóa xã Bản Hon, chia sẻ: “Cái thế mạnh của người Lự trong nghề thổ cẩm, đó là ở đây thì người phụ nữ nào, nhà nào cũng làm thổ cẩm, cũng biết dệt vải và sản xuất hàng hóa thổ cẩm. Nhưng họ lại không có sự gắn kết, chưa có mô hình Câu lạc bộ hay Hợp tác xã thổ cẩm. Tất cả chỉ là làm theo kiểu đơn lẻ, mạnh ai nấy làm. Do đó, họ không tìm được hướng đi chung, không tìm mẫu mã sản phẩm hoặc biết được là phải làm sản phẩm nào, mẫu mã nào mà thị trường họ cần. Nếu như ở xã Tả Phìn, Sa Pa, thì Hợp tác xã họ đi kết nối các công ty tiêu thụ, nhận hợp đồng sản xuất lớn về giao cho xã viên sản xuất, thì họ mới thúc đẩy phát triển sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng”.

Cho đến nay, chúng tôi cũng đang từng bước xúc tiến để xây dựng mô hình Câu lạc bộ và Hợp tác xã để chị em có điều kiện phát triển sản xuất chuyên nghiệp, tiếp cận được với thị trường, chị Đi cho biết thêm.

Lai Châu: Cần tháo gỡ khó khăn cho nghề thổ cẩm của người Lự ở Bản Hon  - Ảnh 3.

Người Lự ở Bản Hon cũng mong muốn thành lập Câu lạc bộ; Hợp tác xã thổ cẩm như ở xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai.

Để đầu tư sản xuất thổ cẩm mang tính chuyên nghiệp thì nguồn vốn đầu tư cũng là một vấn đề đáng quan tâm, bởi lẽ các chị em người Lự hiện nay vẫn chỉ dừng ở phạm vi sản xuất nhỏ lẻ. Nếu như bước vào sản xuất hàng hóa mang tính quy mô lớn, thì đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị và nguồn nguyên liệu. Đây cũng là một trong những vướng mắc cần tháo gỡ để phát triển nghề sản xuất hàng hóa thổ cẩm.

Cần tìm cách tháo gỡ khó khăn để phát triển

Để khắc phục những khó khăn với nghề thổ cẩm ở vùng người Lự đang gặp phải, bà Lò Thị Đi, cán bộ văn hóa xã Bản Hon, cho biết: HIện nay địa phương cũng đang có kế hoạch thành lập các mô hình như Câu lạc bộ, Hợp tác xã thổ cẩm. Để từ đó chị em kết nối hướng phát triển, khai thác thị trường đầu ra cho sản phẩm. Chỉ khi nào các chị em tự chủ động được từ khâu mẫu mã sản phẩm, đến thị trường đầu ra. Sau đó là kết nối hợp tác ở quy mô hàng hóa lớn hơn, thì mới đạt được hiệu quả. 

Lai Châu: Cần tháo gỡ khó khăn cho nghề thổ cẩm của người Lự ở Bản Hon  - Ảnh 4.

Một góc thôn Bản Thẳm, xã Bản Hon

Hiện nay, UBND cũng đã trình kế hoạch lên các cấp lãnh đạo bên trên, chỉ đợi có nguồn lực là chúng tôi sẽ thực hiện, giúp bà con vượt qua lối sản xuất nhỏ để bước vào thị trường lớn hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo tích cực cho địa phương. 


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm