Theo báo cáo tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016, 2017, 2018 của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tại Việt Nam, số lượng các vụ tai nạn do nam giới lái xe gây ra chiếm khoảng 87%, so với nữ giới lái xe gây ra là khoảng 13%.
Con số thực tế về các vụ tai nạn giao thông gây ra “nếu xét về giới” là vậy, nhưng lâu nay quan niệm về tài xế nữ cầm lái vẫn bị đa số người dân rất “dị ứng”. Điển hình nhất là vụ tài xế nữ tên Nga gây tai nạn tại kênh Hàng Xanh ở TP.HCM gây thương vong cho nhiều người, khiến dư luận càng bức xúc. “Theo cáo trạng công bố tại tòa, kết quả đo nồng độ cồn của bị cáo Nga được xác định là 0,94 mg/lít khí thở. Bị cáo điều khiển ôtô gây tai nạn khi không có giấy phép lái xe. Trước tòa, nữ tài xế thừa nhận: Đã uống rượu trong tiệc sinh nhật của con trước đó và khi nhìn thấy đèn đỏ thì bị vướng quai giày cao gót dẫn đến luống cuống xử lý”.
Nếu ai từng cầm lái, hẳn đều rõ việc đạp chân phanh, ga, côn đều bằng nửa bàn chân phía trước, không ai đạp cả bàn chân hay dùng gót chân để xử lý tốc độ xe được. Như tài xế nữ gây tai nạn nói “vướng quai giày cao gót dẫn đến luống cuống xử lý”, theo tôi là khó tin. Bởi thời nay, hiếm chị em nào đi giày dép đứt quai ra đường, cũng không thể khi đang lái xe thì tụt dép, giày ra để quai vướng vào chân phanh, chân ga hoặc lái xe bằng chân đất?. “Giày cao gót” bỗng đi vào bàn tán của nhiều người, trong sự oan uổng vô ngần, thậm chí còn gây thêm hoài nghi với cánh tài xế là nam giới. Sự thật đơn giản chỉ vì nữ tài xế ấy lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn vượt mức cho phép, nên điều khiển xe không còn theo chủ ý nữa mà thôi.
Thậm chí, ngay sau vụ việc có ý kiến cho rằng cần phải phạt những tài xế nữ đi giầy cao gót lái xe. Để thực hiện việc này là vô cùng nan giải, khi cơ quan chức năng phải để ý xe nào do phụ nữ cầm lái, rồi xem chị em mặc gì, đi giày, dép nào khi đã đóng kín cửa xe lưu thông trên đường phố nhộn nhịp, đông đúc mỗi ngày.
Mới đây, tôi rất đồng tình khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã phân minh, công bằng khi không phân biệt giữa lái xe là nữ và nam giới. Trong một buổi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: “Ý kiến bán xăng cho phụ nữ là một tội ác là định kiến đối với phụ nữ. Bởi không có cơ sở khoa học và không phù hợp với số liệu thống kê về đối tượng gây ra các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam, theo giới tính".
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có chỉ đạo các cơ sở đào tạo xây dựng bài giảng kỹ năng lái xe an toàn cho nữ giới, như khuyến cáo ảnh hưởng của việc đi giày cao gót khi lái xe, hướng dẫn về trang phục quần áo, giày, dép, guốc… khi lái xe. Bổ sung kỹ năng xử lý tình huống giả định chương trình đào tạo lái xe, đặc biệt đối với học viên là phụ nữ…
Giày, dép cao gót là phụ kiện cần thiết của cá nhân mỗi chị em. Có chăng là dù là nam hay nữ, trước hết khi đã “tham gia giao thông thì không uống rượu bia”.
Cá nhân tôi đã gần 10 năm cầm lái, vẫn có lúc sử dụng giày cao gót lái xe khi đi sự kiện, nhưng tôi lựa chọn những đôi giày đế vuông, đế to, cao đều vừa phải (từ 5 đến 7cm). Không dùng giày, dép đế gót nhọn hoắt (thiếu vững chãi), để đảm bảo có độ vững, chắc chắn khi đạp chân phanh, ga, côn xe không bị trượt trên sàn xe.
Nếu đi đường dài, tốt nhất chúng ta lựa chọn trang phục phù hợp với những loại giày thể thao, loại giày đế bằng, mềm, đi êm chân cả ngày không mỏi. Hoặc như nhiều chuyên gia đã gợi ý, khuyến cáo, đó là chị em sắm thêm đôi dép lê, đôi giày đế bằng để sẵn trên xe. Khi lái xe bạn có thể thay giày, dép đảm bảo an toàn. Lúc xuống xe, bạn vẫn có thể diện giày cao gót tạo dáng, mà không ảnh hưởng đến sự an toàn khi cầm lái.
Đừng đổ lỗi cho giày cao gót, mà ý thức khi cầm lái tham gia giao thông của mỗi tài xế là quan trọng nhất. Hãy nói không với rượu bia và lựa chọn giày, dép phù hợp, cho dù đó là tài xế nam hay nữ. Bởi bất kỳ vụ tai nạn giao thông nào xảy ra (dù là ai cầm lái) cũng để lại hậu quả đau lòng, đáng tiếc mà có khi cả đời ân hận, ám ảnh cũng không thể nào xoá nổi.