pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phát triển du lịch đêm là vấn đề mới và khó
Ảnh minh hoạ
Tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội
Chiều 5/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi - đặt vấn đề, du lịch đêm là hướng đi đúng đắn nhưng sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm giải pháp.
Tương tự, đại biểu Lưu Bá Mạc - ĐBQH tỉnh Lạng Sơn - dẫn nhiều đánh giá trong báo cáo của Bộ trưởng gửi các đại biểu Quốc hội trước đó và nêu rõ, hiện có 12 địa phương sẽ thí điểm phát triển sản phẩm du lịch đêm. Vậy giải pháp của Bộ trưởng với việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm, lộ trình thí điểm ở 12 địa phương và mở rộng sản phẩm du lịch đêm trong thời gian tới thế nào?
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, từ khi ban hành, đề án thí điểm du lịch đêm ở một số địa phương đã nhận được tín hiệu tích cực. Hà Nội đã biết phát huy các giá trị di tích, di sản để làm nên sản phẩm, điển hình nhất là từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành “Tinh hoa đạo học”, Ninh Bình có “Đêm Cố đô Hoa Lư”, quận 1 TPHCM có “Sắc màu đêm Sài Gòn”…
Nói về phát triển du lịch đêm, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Đây là vấn đề mới và khó, không chỉ một ngành làm được. Bởi du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp nhiều ngành".
Để giải bài toán này, Bộ trưởng đề xuất các địa phương nghiên cứu một số giải pháp, trong đó quy hoạch khu phát triển kinh tế đêm vì các khu vực đều có người dân ở xen kẽ, "làm thế nào để bên này hoạt động, bên kia người dân vẫn được ngủ".
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cần quan tâm đến lực lượng lao động, không chỉ là những người bán hàng mà còn cả lực lượng bảo vệ an ninh trật tự để "bảo vệ cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi". Cùng với đó là chế độ chính sách cho những người làm, người biểu diễn.
Nhấn mạnh công tác nghiên cứu thị trường, ông Hùng cho biết kinh tế đêm nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi bỏ lại. Nhiều địa phương phát triển du lịch đêm nhưng chỉ được một thời gian, sau đó khách không đến nữa.
Dẫn ví dụ khu ẩm thực của Hà Nội trước đây rất sầm uất nhưng giờ không có khách nữa, Bộ trưởng cho biết hướng tiếp cận là các địa phương cần chủ động nghiên cứu, Bộ sẽ tham gia, gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để thiết kế, tạo thêm trải nghiệm cho du khách, xem xét nhu cầu mở thêm các cửa hiệu mua sắm, đưa thêm các gói sản phẩm…
Bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có
Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện thí điểm ở 12 tỉnh, chúng ta đang thực hiện theo kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc là bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có. Sản phẩm du lịch đêm còn phụ thuộc thị hiếu, thói quen nhu cầu, phụ thuộc từng loại khách khác nhau nên cần phân loại phân nhóm.
"Chúng tôi đã tìm hiều sản phẩm du lịch đêm ở một số quốc gia, không phải tất cả đều làm mà chỉ làm ở điểm trọng yếu và cũng chọn phân khúc để làm. Đây là vấn đề khó cần nghiên cứu, ta cứ làm du lịch này cho thật tốt rồi tính thêm du lịch đêm phụ trợ", Bộ trưởng kết luận.
Giành quyền tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, nêu vấn đề về tình trạng chèo kéo, cạnh tranh khách du lịch và đề nghị Bộ trưởng có giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm. Với sản phẩm chợ đêm dù phát triển tốt nhưng có nơi có lúc trầm lắng, sản phẩm hạn chế, chủ yếu cạnh tranh với nhau.
Đồng tình với câu tranh luận của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Hùng cho hay, đêm là lúc du khách đến và mua sắm nên các địa phương phải nghiên cứu làm, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy.
"Có nhiều địa phương mở chợ đêm nhưng sau một thời gian người ta không đi vì không có sản phẩm gì mới và rơi vào quên lãng. Chúng tôi đồng ý và nghiên cứu thêm, đưa ra khuyến nghị để địa phương lựa chọn" - ông Hùng nói.