pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm gì để không trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục trên mạng?
Quấy rối tình dục trên mạng ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Làm sao để nhận biết và ngăn chặn những hành vi đó, bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD), đã có những trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam về vấn đề này.
- Bà có thể chia sẻ thông tin về các hành vi bạo lực tình dục, quấy rối tình dục trên mạng để bạn đọc có thể hình dung và dễ dàng nhận diện nó? Các dấu hiệu nhận biết các hành vi bạo lực tình dục kiểu này?
Bạo lực tình dục và Quấy rối tình dục là hai khái niệm liên quan đến hành vi tình dục không được đối phương đồng thuận, nhưng 2 loại hành vi này có sự khác biệt nhất định trong mức độ và tính chất.
Quấy rối tình dục qua mạng được hiểu là hành vi tình dục có tác động tiêu cực đối với nạn nhân trên bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào (dù công khai hay riêng tư). Đây được công nhận là một hình thức của bạo lực tình dục. Cụ thể hơn, kẻ lạm dụng chủ yếu thông qua các nền tảng mạng xã hội, sẽ tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí là ép buộc tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô và lạm dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Dưới đây là 10 dấu hiệu mà bạn có thể nhận biết hành vi bạo lực tình dục trên mạng:
Gửi ảnh, video nhạy cảm: Gửi, chia sẻ hoặc đăng tải ảnh, video tình dục hoặc bạo lực mà người khác không đồng ý.
Quấy rối tình dục: Gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc nội dung liên quan đến tình dục mà người khác cảm thấy không thoải mái hoặc không đồng ý.
Lừa đảo tình dục (sextortion): Khi kẻ gian đe dọa hoặc lừa dối người khác để họ cung cấp thông tin cá nhân, ảnh, video riêng tư, thậm chí thực hiện các hành động tình dục với mục đích hăm dọa hoặc tống tiền sau đó.
Tạo nội dung không phù hợp: Tạo, chia sẻ hoặc đăng tải nội dung không phù hợp tình dục, như ảnh nude giả mạo hoặc không đồng ý, nội dung đồi trụy hoặc xúc phạm. Chia sẻ thông tin cá nhân: Chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh riêng tư của người khác mà họ không chấp thuận để làm tổn hại hoặc quấy rối.
Bắt buộc tham gia: Ép buộc người khác tham gia vào các cuộc trò chuyện tình dục, webcam hoặc hành vi tương tự mà họ không đồng ý.
Tạo tài khoản giả mạo: Tạo tài khoản giả mạo để theo dõi, quấy rối hoặc lừa dối người khác trong môi trường trực tuyến.
Lợi dụng trẻ em: Chia sẻ, gửi hoặc đăng tải nội dung tình dục liên quan đến trẻ em, hoặc tìm cách lôi kéo trẻ em tham gia vào hành vi tình dục trực tuyến.
Phát tán thông tin nhạy cảm: Chia sẻ thông tin nhạy cảm, như tình dục, bằng cách đăng tải, gửi qua tin nhắn hoặc mạng xã hội mà người khác không chấp thuận.
Khiêu dâm trẻ em: Tìm kiếm, xem hoặc phân phát nội dung liên quan đến khiêu dâm trẻ em trên mạng.
- Những đối tượng nào dễ bị ảnh hưởng bởi các hành vi này? Xin bà lý giải kỹ hơn lý do nhóm thiểu số tính dục lại có nguy cơ cao bị bạo lực tình dục, quấy rối tình dục trên mạng?
Bất kì ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các hành vi bạo lực tình dục, đặc biệt là trên mạng, nhưng tôi muốn đề cập điển hình ở đây là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em và thanh thiếu niên mặc dù rất nhạy bén về công nghệ và mạng xã hội nhưng lại thường thiếu kinh nghiệm, kĩ năng và sự nhận thức về nguy cơ giao tiếp trực tuyến, do đó, họ có thể trở thành mục tiêu dễ dàng cho những kẻ có ý đồ xấu.
Cụ thể là, khi không được chuẩn bị những kĩ năng an toàn khi tham gia vào môi trường mạng, chưa biết cách cài đặt, sử dụng tài khoản mạng xã hội an toàn, tìm hiểu về cách phát hiện lừa đảo trực tuyến, hoặc không có kiến thức về cách báo cáo các hành vi quấy rối, bạo lực trực tuyến có thể dễ dàng rơi vào tình thế rủi ro như mất thông tin cá nhân, hay trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực tình dục trực tuyến.
Đặc biệt, nhóm thiểu số tính dục được quan sát là có nguy cơ cao bị quấy rối, bạo lực tình dục, bao gồm cả trên môi trường mạng. Đây được coi là nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương và chính điều này cũng là một yếu tố gia tăng nguy cơ rủi ro của họ. Hiện nay, dù nhận thức xã hội đã tiến bộ và văn minh hơn nhưng cộng đồng LGBTQ vẫn đang phải chịu những định kiến và phân biệt đối xử nặng nề từ gia đình và xã hội. Điều này tác động tới việc các bạn khó hoặc không có cơ hội chia sẻ, bày tỏ với những người xung quanh và có xu hướng kết giao trên mạng xã hội.
Lợi dụng tính "yếu thế" của nhóm thiểu số tính dục, như sự thiếu tự tin, thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng an toàn số, v.v….., những kẻ quấy rối/gây bạo lực sẽ dễ dàng thao túng, dụ dỗ, lôi kéo và lừa đảo vào các vụ quấy rối và bạo lực. Thậm chí, ngay cả khi phát hiện ra mình là nạn nhân, các bạn cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp do tâm lý lo sợ bị đổ lỗi, bị trả thù, điều này làm cho bạo lực càng có xu hương gia tăng.
- Môi trường mạng là không gặp trực tiếp, người dùng có thể tham gia chủ động, có thể thoát ra bất kỳ lúc nào, vậy các đối tượng gây bạo lực có các thủ đoạn nào để chi phối tâm lý nạn nhân và thực hiện các hành vi bạo lực tình dục, quấy rối tình dục trên mạng?
Các kẻ gây bạo lực và quấy rối trên mạng thường sử dụng các thủ đoạn tinh vi để thao túng tâm lý nạn nhân và thực hiện các hành vi bạo lực tình dục. Phố biến nhất, như đã đề cập ở trên, đó là lợi dụng sự "yếu thế" của nạn nhân để uy hiếp, đe doạ nạn nhân. Quá trình thường diễn ra với thủ đoạn gồm các bước: Làm quen-cảm thông, giúp đỡ-tạo niềm tin-dụ dỗ/đe doạ-bạo lực.
Khi nắm trong tay điểm yếu của nạn nhân, kẻ gây bạo lực có thể sử dụng thông tin riêng tư (ảnh/video clip nhạy cảm, câu chuyện hay thông tin có tình tiết nhạy cảm…), thông tin lừa đảo có liên quan đến nạn nhân để họ sợ hãi không dám phản kháng, từ đó dễ dàng thao túng, ép buộc họ thực hiện các hành vi không mong muốn.
- Vậy làm thế nào để biết bản thân hay ai đó đang bị quấy rối tình dục trên mạng? Các nạn nhân phải làm gì để có thể thoát ra khỏi sự kiềm toả ấy, bảo vệ an toàn cho mình và vạch mặt những đối tượng gây bạo lực này, bắt chúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Từ các thủ đoạn thường dùng của các kẻ quấy rối tình dục trên mạng kể trên, để nhận biết liệu bản thân hoặc ai đó có thể đang bị quấy rối tình dục trên mạng, theo từng mức độ/giai đoạn.
Ở mức độ nguy cơ hay giai đoạn dụ dỗ, bước đầu quấy rối thì nạn nhân thường nhận thông tin không mong muốn: Tin nhắn/thông tin có tính chất tình dục (ảnh, video clip, bình luận, trang thông tin khiêu dâm, nhạy cảm) mà bản thân cảm thấy khó chịu hoặc không thoải mái từ bất kì ai trên mạng; lời mời hoặc đề nghị có tính chất dụ dỗ, lừa đảo, đặc biệt là từ người lạ: Giao lưu kết bạn, gửi ảnh cá nhân, thông tin cá nhân để tham gia vào trò chơi, cuộc thi có thưởng… Ở mức độ gây bạo lực sẽ là các hành vi phổ biến như: Liên tục gửi tin nhắn, ấn phẩm có tính chất tình dục, hay ép buộc thực hiện hành vi tình dục trực tuyến...
Như vậy, nếu đang gặp các dấu hiệu trên, rất có thể bạn hoặc người thân đang bị quấy rối tình dục, chúng ta cần áp dụng các biện pháp sau đây để tự bảo vệ mình:
Ngừng tương tác: Nếu bạn cảm thấy bị quấy rối, hãy bày tỏ thái độ phản đối và tắt mọi ứng dụng trực tuyến và ngừng tương tác với kẻ gây bạo lực. Không nên trả lời hoặc phản hồi lại các thông điệp không mong muốn. Chặn (block) ngay những tài khoản mà mình không muốn giao tiếp để ngăn họ tiếp cận bạn trên mạng xã hội, ứng dụng tin nhắn, hoặc bất kỳ nền tảng nào khác.
Tìm kiếm sự hỗ trợ: Nếu bạn cảm thấy bị áp lực hoặc không an toàn, hãy tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân, hoặc các chuyên gia tâm lý.
Lưu lại bằng chứng: Nếu có thể, hãy lưu lại tất cả các thông điệp, hình ảnh, video, và dấu vết liên quan đến sự quấy rối. Đây có thể là bằng chứng hữu ích nếu bạn quyết định báo cáo tình huống cho cơ quan chức năng.
Báo cáo: Sử dụng tính năng báo cáo của nền tảng trực tuyến mà bạn đang sử dụng để báo cáo tình huống quấy rối. Điều này có thể dẫn đến việc đình chỉ tài khoản hoặc hành động khác đối với người gây hại. Nếu cần, bạn cũng có thể liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Họ có thể tiến hành điều tra và đưa ra hình phạt pháp lý cho những người gây hại.
Tìm sự hỗ trợ pháp lý: Nếu bạn quyết định theo đuổi việc đưa người gây hại ra trước pháp luật, bạn có thể tìm sự hỗ trợ từ các luật sư hoặc tổ chức chuyên về an toàn trực tuyến và bảo vệ nạn nhân.
Tuy nhiên, tôi rất muốn nhấn mạnh về việc làm thế nào để mỗi cá nhân có thể tự mình phòng ngừa được nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục trực tuyến: Hãy trở thành một công dân số thông minh và có trách nhiệm. Mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kĩ năng an toàn cần thiết để giúp nhận diện, phòng ngừa và ứng phó với các rủi ro. Các kĩ năng bao gồm: Biết cách cài đặt bảo mật tài khoản và cảnh báo đăng nhập và bảo vệ hai lớp, đăng nhập an toàn, cài đặt chế độ riêng tư, và kết nối chọn lọc; có tư duy phản biện và thấu cảm để nhận diện rủi ro cũng như tránh bị lôi kéo vào các hành vi gây bạo lực cho người khác.
- Dưới góc độ chuyên môn, bà có thể phân tích rõ ranh giới mong manh giữa lời khen và sự quấy rối khi lời khen nhắm vào các bộ phận nhạy cảm?
Như đã chia sẻ, bất kể hành vi nào có tính chất tính dục mà không được người nhận tiếp nhận đều được coi là quấy rối tình dục. Như vậy, theo như câu hỏi, tôi hiểu rằng lời khen cũng như vậy, những lời khen mang hàm ý hoặc nhắm vào các bộ phận nhạy cảm là có tính chất tình dục. Vậy ranh giới tuy mong manh nhưng rõ ràng nhất để phân biệt sẽ nằm ở sự tiếp nhận của người được khen.
Một lời khen có thể trở thành sự quấy rối nếu người nhận cảm thấy không thoải mái hoặc khó chịu trong quá trình nhận lời khen đó. Đặc biệt, khi người nhận đã bày tỏ thái độ không thích/không thoải mái mà vẫn tiếp tục lặp lại thì sẽ càng củng cố hành vi quấy rối rõ rệt hơn.