pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm giàu bằng nghề "săn lộc" ngầm trong cát
Nghề đào sá sùng là nghề mang lại thu nhập chính của nhiều phụ nữ ở xã Quan Lạn.
"Nghề này đòi hỏi phải tinh mắt, nhanh tay. Chúng tôi truyền nghề theo cách người làm trước chỉ bảo người đi sau. Ở vùng này, chị em hội viên rất đoàn kết, bảo ban nhau giữ nghề, phát triển kinh tế, đi đôi với giữ gìn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Có chị em còn đứng ra thu mua sản phẩm ngay tại bãi, chúng tôi không phải mất công rao bán, tìm người mua", chị Lưu Thị Bích, xã Quan Lạn chia sẻ với chúng tôi về nghề đào sá sùng truyền thống của phụ nữ xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Cùng nhau giữ nghề truyền thống
Không phải bỏ công mua giống, chăm sóc, nhưng rất nhiều phụ nữ ở Quan Lạn có thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày nhờ đào sá sùng, một loại hải sản quý hiếm đặc trưng của vùng đất biển đảo Đông Bắc Tổ quốc. Mọi người vẫn thường nói vui với nhau rằng, đây là nghề "săn lộc" trời, chỉ cần đào cát lên là có tiền, không hẳn là nhàn hạ nhưng làm chơi ăn thật bởi giá sá sùng tươi lên tới khoảng 6 triệu đồng/kg. Người thạo nghề có thể làm trong vòng 5-7 ngày là kiếm được 1 chỉ vàng.
Theo truyền thống, phụ nữ Quan Lạn thường dùng mai để đào sá sùng.
Điều khá đặc biệt là nghề đào sá sùng từ xưa đến nay chỉ do phụ nữ làm với dụng cụ rất đơn giản là 1 chiếc mai và 1 chiếc giỏ hoặc túi đựng "chiến lợi phẩm". Tôi có mặt ở bãi triều trên đảo Quan Lạn từ tờ mờ sáng. Phía chân trời mới chỉ le lói một vài tia sáng, vậy mà trên bãi triều đã thấp thoáng từng tốp phụ nữ bước đi chậm dãi, mắt nhìn chăm chú xuống cát, tìm tổ, đào bắt sá sùng. Mỗi người đều bịt mặt kín mít, một tay cầm chiếc mai truyền thống, một tay xách giỏ đựng sá sùng. Đồ nghề của những người đào sá sùng chỉ đơn giản như vậy nhưng lại thu được hiệu quả kinh tế rất cao, nuôi sống nhiều thế hệ ở xã đảo này.
"Con vật này rất thính, thấy động là nó lẩn ngay xuống cát sâu, lúc đó mình có ra sức đào cũng không tìm thấy nó đâu. Vì thế khi nhìn thấy cái tổ của nó, mình phải thao tác thật nhanh, sao cho chỉ cần một nhát đào là chặn được đường lùi của nó. Như thế mới chắc ăn", chị Bích tiết lộ bí quyết.
Nói rồi, với thao tác cực nhanh, chị Bích cúi thấp người lao phập lưỡi mai xuống cát một góc 45 độ rồi dùng hết sức ở cánh tay hất đống cát lên. Tất cả chỉ diễn ra trong 3 giây. Nằm giữa đống cát chị Bích vừa hất lên là một con sá sùng màu hồng tròn như ngón tay, dài 10cm.
Bước đi thong thả, mắt vẫn nhìn xuống cát, chị Bích kể: "Tôi không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng bà tôi đã làm nghề này. Mẹ tôi học nghề này từ bà tôi. Khi tôi biết cầm mai, tôi đã theo mẹ ra bãi triều, nhìn mẹ làm rồi làm theo. Mới đầu đào đến 10 tổ nhưng không bắt được con nào. Dần dần nhờ chỉ dẫn của mẹ, tôi tìm tổ chính xác hơn. Thực ra, khi đã quen rồi thì chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể tìm được tổ. Chỗ nào mà có mô cát tròn tròn hơi nhô lên chính thì đích xác dưới đó là tổ sá sùng. Nhưng không phải đào tổ nào cũng được ăn tổ đó bởi nhiều khi mình chậm hơn nó".
Phát hiện một tổ sá sùng ngay trước mặt, chị Bích cầm mai phóng xuống, vừa chạm mặt cát thì dừng lại ngay lập tức. "Sao vậy chị?"- tôi tò mò hỏi. Chị vui vẻ đáp: "Tổ đó chắc là con nhỏ, để cho nó lớn đã. Ở đây, cùng với chỉ dẫn nhau cách làm nghề, chế biến, tìm chỗ bán được giá, chị em chúng tôi còn bảo ban nhau không khai thác tận diệt, để cho sá sùng kịp sinh trưởng, phát triển. Có như vậy, nguồn sá sùng mới không bị cạn kiệt".
Tôi lững thững bước đi theo chị Bích về phía 3 người phụ nữ khác đang tụm lại trò chuyện, thư giãn sau gần 3 tiếng lao động. Giỏ của mỗi người đều có kha khá sá sùng. Chị Lan, một người trong nhóm bảo rằng hôm nay mồi kém (ít sá sùng- PV) nên đào không được bao nhiêu. Nghề đào sá sùng cũng do hên xui, may rủi, hôm nhiều, hôm ít. "Hôm nhiều nhất, tôi đào được 4kg nhưng cũng có hôm chỉ đào được chưa đầy 1kg"- chị Lan chia sẻ thành quả của mình với tôi.
Trò chuyện với những người phụ nữ trên bãi triều tôi mới biết, nghề đào sá sùng cũng có ngày nghỉ. "Nghề này tính theo con nước, không phải một tháng làm đủ 30 ngày mà chỉ làm 15-17 ngày. Chỉ khi nước rút, bãi triều lộ ra thì mới làm được. Vì thế nước lên thì ở nhà, nước rút lúc nào chúng tôi đi làm lúc đó, bất kể ngày hay đêm. Có những hôm, chúng tôi phải ra bãi từ giữa đêm vì nước rút giờ đó. Nhiều hôm khác lại đi làm từ sáng sớm tới quá trưa, thậm chí 3-4 giờ chiều mới về" – Chị Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
"Thực ra, mọi người bảo nghề này không phải bỏ vốn nhưng lại hái ra tiền là không sai nhưng cũng không đúng hẳn. Chúng tôi phải đổ mồ hôi, công sức rất nhiều, mặt mũi sạm đen vì nắng và gió biển. Nhiều hôm, làm xong tôi bải hoải hết cả người, mệt đến nỗi không còn muốn ăn cơm" – chị Trương Thị Hằng, một thành viên trong nhóm cho hay.
Cuộc sống no đủ, không phải tha phương
Đến khoảng 9 giờ sáng, mọi người lục tục rời bãi triều. Tôi theo chân chị Oanh về nhà. Chị trút toàn bộ số sá sùng vào chậu nước to, bắt đầu rửa từng con. Chị dùng một que tre lộn ruột của sá sùng, rửa sạch cát sau đó xếp từng con lên dàn. Tôi đếm một lượt, toàn bộ số sá sùng chị đào được khoảng 160 con. Chị Oanh bảo, loại con to như này chỉ khoảng 30-40 con là được 1 kg. Tôi nhẩm tính, như vậy trong sáng nay chị Oanh thu hoạch được khoảng 4kg, nhân với 350.000 đồng/kg tức là chị đã kiếm được khoảng 1,4 triệu đồng. Chị Oanh vui vẻ nói: "Hôm nay may mắn nên được nhiều. Mọi ngày tôi đào được 2-3kg thôi".
Vừa trò chuyện, chị Oanh vừa nhóm lò than. "Giá sá sùng tươi chỉ 350.000 đồng/kg đến 400.000 đồng/kg nhưng sá sùng tươi lại bán được những 6 triệu đồng/kg. Khoảng 10kg sá sùng tươi thì được 1kg khô. Muốn sá sùng khô ngon, màu đẹp mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng thì phải sấy liên tục trên lò than 3-4 tiếng đồng hồ. Nếu chỉ đem phơi khô dưới nắng mặt trời thì màu sá sùng không được đẹp, lại lâu khô" – chị Oanh cho hay.
Chị Oanh không chỉ trực tiếp đào sá sùng mà còn là một đầu mối thu mua sá sùng tươi của các chị em khác rồi sấy khô, sau đó bán lại cho khách du lịch hoặc các đối tượng sử dụng khác. "Làm nghề này thu nhập tốt hơn hẳn làm du lịch, vì vậy, nhiều chị em ở đây có nhà nghỉ phục vụ khách du lịch nhưng vẫn gắn bó với công việc đào sá sùng. Và thực sự, thu nhập từ sá sùng vẫn là nguồn thu chính của chúng tôi".
Chị Trương Thị Hằng tâm sự: "Tôi gắn bó với nghề này mấy chục năm nay rồi. Trừ hôm ôm đau hay bận việc gia đình, còn lại những ngày nước ròng tôi đều đi đào sá sùng. Nếu thời tiết thuận lợi thì cũng đào được 2-3kg sá sùng. Thương nhân họ ra thu mua ngay tại bãi, nhận luôn tiền mặt. Nhờ nó mà gia đình tôi và nhiều chị em khác trong xã đều có cuộc sống no đủ, không phải tha phương làm ăn".
Luôn cập nhật thông tin, truyền dạy cho nhau để cùng nhau giữ nghề truyền thống, bảo ban nhau không khai thác tận diệt, những người phụ nữ xã đảo Quan Lạn không chỉ không nghèo, mà còn có cuộc sống sung túc, giàu có từ "lộc trời" nằm dưới lớp cát mịn.