Làm giàu từ ngư nghiệp '3 trong 1'

15/08/2019 - 11:35
Làm ngư nghiệp hiện đại theo hướng công nghiệp đang là hướng đi bền vững và an toàn hơn cho ngư dân Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Hương - thành viên TYM cụm 24 tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa - cùng với gia đình phát triển mô hình kinh tế theo đúng hướng đi này và vẫn giữ lại nghề truyền thống làm nước mắm.

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hương, thôn Sơn Hải, xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), chủ yếu làm nghề thu mua hải sản để làm mắm và sơ chế hải sản cho các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, nguồn hải sản ở biển ngày càng khan hiếm, người thu mua hải sản nhiều hơn và đặc biệt là sự thay đổi khó lường của thời tiết đã khiến gia đình chị Hương gặp phải rất nhiều khó khăn

Nhận thấy việc nuôi tôm trong nhà có thể kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tới môi trường xung quanh cũng như tác động của bên ngoài tới con giống, tôm cho năng suất cao và ổn định, gia đình chị Hương đã quyết định phát triển kinh tế theo hướng này. May mắn, anh chị được một người nuôi tôm lành nghề hỗ trợ nhiệt tình phương pháp xây bể và sản xuất tôm hiệu quả. Từ tháng 6/2017, gia đình chị Hương đã bắt tay vào xây bể nuôi tôm đầu tiên.

 

tv-nguyn-th-hng-c24-th-3-2-e1557996555498.jpg
Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Sơn Hải, xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa)

 

Hiện tại, gia đình chị có 3 khu nuôi tôm trong bể với 2 khu trong nhà và 1 khu tại biển gồm nhiều bể tôm nhỏ. Mỗi bể tôm được chị thiết kế chỉ vỏn vẹn 25m2, chiều cao hơn 1m. Trên các bể nuôi được đầu tư khung dàn mái che hình chóp nón. Chị giải thích: “Nuôi tôm có mái che, người nuôi chủ động thời vụ, chủ động đưa sản phẩm ra thị trường. Mỗi bể nuôi tôm được lắp đặt máy sục khí, hệ thống dẫn và cấp thoát nước ra ngoài riêng biệt”. Chị cho biết, ưu điểm của mô hình này là dễ dàng kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên tôm. Khi tôm bị bệnh có thể cách li tôm bệnh nhanh chóng, không sợ bị lây lan như nuôi thả ngoài biển. Từ ngày thử nghiệm mô hình nuôi tôm mới, chị chưa từng gặp rủi ro lớn khi nuôi tôm.

Bênh cạnh mô hình nuôi tôm mới, chị Hương còn làm nước mắm để phục vụ nhu cầu gia đình và người dân tại các địa bàn lân cận, cũng là để giữ lấy nghề truyền thống của làng. Với phương pháp làm mắm không sử dụng hóa chất bảo quản, giữ nguyên độ tươi ngon và luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, nước mắm của gia đình chị rất được khách hàng ưa chuộng.

 

tv-nguyn-th-hng-c24-th.jpg
Chị Hương và cán bộ kỹ thuật của TYM Thanh Hóa thăm mô hình ngư nghiệp "3 trong 1"

 

Không những nuôi tôm và làm mắm, gia đình chị còn xây dựng một nhà xưởng sản xuất sứa khô thời vụ. Sản phẩm sứa của gia đình chị không chỉ có mặt tại các cửa hàng và siêu thị trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước láng giềng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Với 3 mô hình đó, chị đã khéo léo tính toán để lấy lợi nhuận của hoạt động này để hỗ trợ hoạt động khác. Mùa sứa làm được có lãi thì lấy tiền lãi đó đầu tư toàn bộ các lứa tôm, xong lấy tiền lãi từ tôm để đầu tư xây dựng các bể tôm và làm mắm, dần dần vì thế mà có được mô hình “3 trong 1” lớn mạnh như ngày nay.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình chị đã vay vốn của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương - TYM (thuộc TƯ Hội LHPNVN) để xây những bể tôm đầu tiên. Trong suốt 5 năm chị tham gia TYM, nguồn vốn vay này đều đã đóng góp cho cả 3 mô hình kinh tế của nhà chị: khi là mua sứa để chế biến, lúc mua cá làm mắm, rồi để xây bể nuôi tôm, mua thức ăn cho tôm. Tuy không phải là nguồn vốn lớn nhưng lại thường xuyên và liên tục, giúp chị luôn giữ ổn định và phát triển quy mô kinh doanh, sản xuất gia đình chị. Đến nay, cơ sở của chị có các bể nuôi tôm được trang bị đường ống dẫn nước từ biển vào và ra, có hệ thống máy sục khí, có nhà xưởng rộng rãi đảm bảo vệ sinh.

Chị Hương tâm sự: Làm ngư nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Mỗi lần bão, gia đình lại chịu thiệt hại về kinh tế rất nhiều. Vì vậy năm 2017, chị Hương được chi nhánh TYM tại Thanh Hóa cử tham gia khóa tập huấn về “Quản lý rủi ro thiên tai và phòng ngừa biến đổi khí hậu” của TYM.

 

tv-nguyn-th-hng-c24-th-11.jpg
Gia đình chị Hương đã đầu tư kỹ thuật, xây dựng khu nuôi trồng giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ít chịu rủi ro của thời tiết

 

Đây cùng là lần đầu chị đã được tiếp cận với những kiến thức, thông tin đầy đủ về việc phòng chống và cách thức liên hệ ban phòng chống thiên tai của địa phương. Lần đầu tiên chị được phân tích những rủi ro gia đình có thể gặp phải khi thiên tai xảy ra, cũng như được hướng dẫn xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống tác động của thiên tai không chỉ cho gia đình mình mà còn cho cả cộng đồng xung quanh.

Cũng trong năm đó, chị chuẩn bị xây bể nuôi tôm và đã được các chuyên gia trong khóa tập huấn khuyến nghị về việc xây khu nuôi tôm tại biển bằng vật liệu mới, có khả năng chống chịu và thích hợp khi sóng to, gió lớn, đặc biệt là hạn chế rủi ro khi có bão. Tuy nhiên, do một số điều kiện mà chị chưa thể xây bằng vật liệu này mà sử dụng bằng vật liệu thông thường. Khi cơn bão số 10 (tháng 9/2017) càn quét khu vực Thanh Hóa, các lồng tôm và bể sứa của gia đình xây sát biển bị sóng đánh vỡ tan.

Thiệt hại vô cùng nặng nề. Điều này càng thôi thúc chị ứng dụng được những kiến thức đã học vào mô hình sản xuất của mình. Chị hiểu rằng, chỉ khi hạn chế được những rủi ro và phòng chống thiên tai, những nỗ lực lao động của cả gia đình chị mới không bị cuốn trôi theo bão biển đi mất.

Đến nay, khi đã là một thành viên TYM có thành công nhất định với mô hình kinh tế hiệu quả và tạo công ăn việc làm cho các chị em hội viên phụ nữ, chị vẫn tiếp tục vay vốn của TYM. Chị chia sẻ: “Với người làm kinh tế, mỗi một đồng vốn vay đều vô cùng qu‎ý giá. Hơn nữa, tham gia TYM, tôi không chỉ có cơ hội vay vốn và tiết kiệm, mà còn được nâng cao kiến thức, kỹ năng về các vấn đề sản xuất kinh doanh và trong cuộc sống. Gặp chị em nào chưa tham gia TYM, tôi vẫn động viên chị em đăng ký vào TYM để cùng nhau phát triển”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm