‘Làm thế nào để con lên tiếng?’: Cần thêm nhiều kênh cho trẻ chia sẻ

05/05/2019 - 16:06
Thời gian gần đây, trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, gặp rất nhiều nguy cơ như bị bạo lực hoặc xâm hại, quấy rối… Nhiều trẻ hoảng loạn, nhiều gia đình lo sợ. Tại buổi tọa đàm “Làm thế nào để con lên tiếng?” sáng 5/5, các chuyên gia đã "bật mí" cách giúp con chia sẻ, ứng phó khi gặp nguy hiểm.

Tọa đàm “Làm thế nào để con lên tiếng?” do Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe sinh sản - Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng 5/5 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

 

img_1876.JPG
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại buổi tọa đàm "Làm thế nào để con lên tiếng?"

 

Phát biểu tại Tọa đàm “Làm thế nào để con lên tiếng?”, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: "Thời gian qua, các cấp, các ngành có nhiều nỗ lực đưa ra các giải pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân. Các vụ việc gây bức xúc liên quan đến phụ nữ và trẻ em đều được quan tâm và giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của đất nước hiện nay, có nhiều vấn đề tiềm ẩn liên quan đến con người nói chung và đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ảnh hưởng tiêu cực của không gian mạng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm…

Khi an toàn của con người không được đảm bảo thì sẽ là yếu tố gây bất lợi cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, mất an toàn xã hội. Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến 2015, trung bình mỗi ngày có 64 phụ nữ và 10 trẻ em đã trở thành nạn nhân của bạo lực và tai nạn thương tích, tai nạn giao thông… Hội LHPN Việt Nam luôn trăn trở tìm kiếm các cách làm và mong muốn làm nhiều hơn nữa cho sự bình an của người dân, nhất là cho phụ nữ và trẻ em”.

 

img_1907.JPG
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương, trong gia đình, trẻ phải được yêu thương, tôn trọng nhiều hơn, có như vậy, các con mới cảm thấy an toàn, tin tưởng

 

Việc trẻ em gặp nhiều nguy cơ như bị bạo lực, xâm hại, quấy rối nhưng đa phần các em chọn giải pháp… im lặng. Các em không dám chia sẻ với bố mẹ, người lớn vì lo lắng, sợ hãi. Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương, khoa Công tác xã hội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi đứa trẻ đủ tin tưởng với ai đó thì mới có thể chia sẻ. Chính vì thế, trong gia đình, trẻ phải được yêu thương, tôn trọng nhiều hơn, có như vậy, các con mới cảm thấy an toàn, tin tưởng. Ngay từ những năm đầu đời, trẻ phải được phát triển về mặt cảm xúc từ những cử chỉ, thái độ của cha mẹ. Ở tuổi lớn hơn một chút, cha mẹ cần tôn trọng sự khác biệt của con chứ không nên so sánh con với đứa trẻ khác, khi đó con sẽ giảm sự tự ti, tăng sự tự tin. Ở vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần nắm bắt về mặt cơ thể của con để giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất. Được cha mẹ đồng hành, các con tăng tự tin, hiểu biết ở lứa tuổi dậy thì.

Để phòng tránh nạn quấy rối, xâm hại tình dục, theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương, cha mẹ cần cung cấp cho các con thế nào là hành vi tốt, hành vi xấu, quan tâm thế nào là an toàn, chính đáng, quan tâm thế nào là nguy cơ. Chính việc thông qua các khái niệm này con sẽ thấy rõ hành vi nào là quấy rối, xâm hại tình dục. Cha mẹ cũng cần trang bị cho con các kỹ năng ứng phó khi bị quấy rối, đó là Nói Không, Chạy Đi và Nói Với những người mà bạn tin tưởng.

 

at.JPG
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (giữa), Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: "Các gia đình cần tạo môi trường gần gũi với trẻ, để trẻ nếu không nói với bố mẹ thì có thể nói với ông bà" 

 

Trước việc thời gian gần đây nhiều trẻ em là nạn nhân của những vụ việc quấy rối, xâm hại tình dục, với vai trò là Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tập trung vào nhiệm vụ phát biểu chính kiến về vụ việc liên quan đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại và liên tiếng một cách kịp thời, thể hiện rõ quan điểm của Hội bảo vệ quyền trẻ em. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối để trẻ em nếu ngại nói trong gia đình thì có kênh để các em chia sẻ”, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định. Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng mong muốn các gia đình cần tạo môi trường gần gũi với trẻ, để trẻ nếu không nói với bố mẹ thì có thể nói với ông bà. Đặc biệt, gia đình, cộng đồng, xã hội không nên đổ lỗi cho nạn nhân khi có vụ việc xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (TƯ Hội LHPN Việt Nam), cho biết, chủ đề Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em không chỉ ở năm 2019 mà sẽ kéo dài suốt cuộc đời những người làm cán bộ Hội, sẽ có nhiều hoạt động bảo vệ an toàn cho trẻ, đặc biệt trước các vụ việc xâm hại trẻ em. “Trong thời gian tới, Hội sẽ tổ chức nhiều diễn đàn để cung cấp cho các cha mẹ, các con các kiến thức, kỹ năng, cách phòng tránh quấy rối, xâm hại trẻ em, để các con có ý thức phòng vệ và biết lên tiếng”, bà Tuyết Mai cho biết. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm