pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm thế nào để kiểm soát tình trạng viêm phế quản dị ứng?
Viêm phế quản là tình trạng viêm trong niêm mạc của ống phế quản. Viêm phế quản xảy ra có thể do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng.
Trong đó, viêm phế quản dị ứng có thể kéo dài và tái phát nhiều lần nên được gọi là viêm phế quản mãn tính. Mọi người nên có những biện pháp kiểm soát để phòng ngừa bệnh tái phát, trở nặng.
1. Viêm phế quản dị ứng là gì?
Viêm phế quản dị ứng xảy ra khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng như phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, bụi bẩn, lông động vật, khói thuốc,…
Các triệu chứng của viêm phế quản dị ứng có thể kéo dài hoặc tái phát như ho, thở khò khè, tức ngực, mệt mỏi,…
1.1. Làm thế nào để phân biệt viêm phế quản do dị ứng và không do dị ứng?
Hầu hết các triệu chứng viêm phế quản đều tương tự nhau dù nguyên nhân gây bệnh là gì. Tuy nhiên, có một vài đặc điểm có thể dựa vào để đưa ra những chẩn đoán ban đầu về nguyên nhân gây bệnh.
Viêm phế quản dị ứng (Viêm phế quản mãn tính) | Viêm phế quản không do dị ứng (Viêm phế quản cấp tính) |
---|---|
Ho kéo dài vài tuần hoặc vài tháng | Ho kéo dài vài ngày đến vài tuần |
Ho có đờm tạo ra chất nhầy trong suốt hoặc màu trắng | Ho có đờm tạo ra chất nhầy màu vàng hoặc màu xanh lá cây |
Thở khò khè | Sốt |
Tức ngực | Ớn lạnh |
Mệt mỏi |
Mặc dù ai cũng có nguy cơ bị viêm phế quản dị ứng nhưng những người có tiền sử bị dị ứng theo mùa, hút thuốc lá, làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất,... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
1.2. Viêm phế quản dị ứng nguy hiểm không?
Viêm phế quản dị ứng kéo dài trên 3 tháng thì được coi là viêm phế quản mãn tính, đây được xem là một loại của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), cùng với khí phế thũng.
Ngoài ra, viêm phế quản dị ứng có thể gây ra một số biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng phổi, nguy hiểm hơn là nhiễm trùng máu.
2. Đối phó với tình trạng viêm phế quản dị ứng như thế nào?
2.1. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị và giảm triệu chứng viêm phế quản dị ứng như:
+ Thuốc giãn phế quản giúp thư giãn các cơ xung quanh đường thở. Khi các cơ thư giãn, đường thở giãn ra hoặc mở rộng sẽ giúp thở dễ dàng hơn. Mọi người dùng thuốc giãn phế quản thông qua ống hít định liều.
+ Steroid làm giảm sưng tấy trong đường thở của bạn. Mặc dù steroid có thể là thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc uống, nhưng bác sĩ thường sẽ sử dụng chúng qua ống hít trong trường hợp viêm phế quản vì sẽ đem lại tác dụng nhanh hơn.
Tuy nhiên, các bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc khi chưa được kê đơn.
2.2. Liệu pháp oxy
Trong một số trường hợp, viêm phế quản dị ứng có thể cản trở hiệu quả của luồng oxy vào và ra khỏi phổi. Những người bị viêm phế quản dị ứng nặng có thể bị giảm lượng oxy trong máu. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng liệu pháp oxy.
2.3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Một số biện pháp khắc phục tại nhà giúp giảm triệu chứng nhưng không có tác dụng thay thế các chỉ định từ bác sĩ. Một số biện pháp hữu ích dành cho người bị viêm phế quản dị ứng như:
- Máy tạo độ ẩm: Để giúp dễ thở vào ban đêm, bạn có thể bật máy tạo độ ẩm phun sương ấm. Không khí ấm áp giúp nới lỏng chất nhầy trong đường thở của bạn. Bạn nên rửa máy tạo độ ẩm thường xuyên để ngăn vi khuẩn và vi trùng khác phát triển bên trong.
- Uống nhiều nước: Uống đủ nước có thể giúp làm loãng chất nhầy.
- Súc miệng bằng nước muối: Ho do viêm phế quản dị ứng có thể dẫn đến viêm họng. Súc miệng bằng nước muối có thể giảm triệu chứng của viêm họng.
- Uống thuốc ho: Thuốc ho có thể giữ ẩm cho cổ họng và có thể giúp giảm ho.
- Điều chỉnh hơi thở: Những người bị viêm phế quản dị ứng thường thở quá nhanh. Để điều chỉnh lại nhịp thở, người bệnh có thể áp dụng kỹ thuật thở mím môi.
3. Phòng ngừa viêm phế quản dị ứng như thế nào?
Viêm phế quản do dị ứng dễ tái phát, do đó mọi người nên có những biện pháp phòng ngừa bệnh như:
- Tránh xa các tác nhân gây kích ứng như phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, khói thuốc,...
- Đeo khẩu trang bất cứ khi nào bạn làm việc ở bên ngoài để không hít phải bụi, phấn hoa và các chất kích thích khác.
- Vào mùa phấn hoa, nấm mốc hoặc những ngày được cảnh báo ô nhiễm nặng, bạn nên hạn chế ra ngoài, đóng kín cửa nhà.
- Không sử dụng hóa chất dạng xịt như sơn, keo xịt tóc, chất tẩy rửa gia dụng hoặc thuốc xịt côn trùng trong nhà. Nếu bạn phải sử dụng những sản phẩm này, hãy mở các cửa sổ hoặc làm việc đó ở nơi thông thoáng, rộng rãi.
- Nếu bạn đang hút thuốc lá, điều tốt nhất là bạn nên bỏ thuốc.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt chăn ga, gối đệm,... để tránh nấm mốc, bụi bẩn bám vào.
- Tiêm phòng, viêm phế quản dị ứng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi. Do đó, tiêm các loại vaccine sau đây có thể giúp bạn phòng bệnh hoặc tránh các biến chứng: tiêm phòng cúm (1 năm/lần), tiêm phòng viêm phổi (5 đến 6 năm/lần).
Có thể nói, viêm phế quản dị ứng là tình trạng mãn tính, dễ tái phát nhất là vào mùa phấn hoa, không khí ô nhiễm,... Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của viêm phế quản, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị theo những chỉ định từ bác sĩ.