pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lần đầu tiên trong lịch sử, 6 phụ nữ được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao của Vatican
Giáo hoàng Francis và các nữ tu sĩ
Giáo hoàng đã thành lập Hội đồng Kinh tế vào năm 2014 để giám sát việc quản lý kinh tế và các hoạt động hành chính và tài chính của thể chế Vatican. Hội đồng này xem xét ngân sách và bảng cân đối tài chính tất cả các văn phòng của Tòa thánh: cơ quan quản lý trung tâm của Giáo hội Công giáo ở Rome, mạng lưới ngoại giao ở nước ngoài và Thành phố Vatican ở Italy.
Các thành viên nữ mới của Hội đồng Kinh tế Vatican bao gồm: Ruth Kelly - cựu Bộ trưởng Công Đảng Anh và Leslie Jane Ferrar (cũng đến từ Anh), Charlotte Kreuter-Kirchhof của Đức và Tiến sĩ Marija Kolak, Eva Castillo Sanz, María Concepción Osákar Garaicoechea của Tây Ban Nha.
Đến từ Anh, bà Ruth Mary Kelly đã phục vụ trong chính phủ thuộc Công đảng từ năm 2004 đến năm 2008 với tư cách là Ngoại trưởng phụ trách giáo dục. Sau đó, bà Kelly tham gia Tập đoàn HSBC Global Asset Management với vị trí Giám đốc Chiến lược khách hàng toàn cầu. Bà Kelly hiện là Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu và hoạt động kinh doanh tại Đại học St. Mary's, London.
Một thành viên người Anh khác của Hội đồng Kinh tế là bà Lesile Jane Ferrar, người được đào tạo tại Trường Kinh doanh Harvard và Đại học Durham. Là một viên sĩ quan chỉ huy của Hội Huân chương Hoàng gia Victoria (Royal Victorian Order), bà Ferrar từng là Giám đốc ngân khố cho Thái tử Charles từ tháng 1/2015 đến tháng 7/2017.
Bà Charlotte Kreuter-Kirchhof học luật tại các trường đại học Heidelberg, Geneva và Tübingen. Kể từ năm 2016, bà là giáo sư về luật công của Đức và nước ngoài, luật quốc tế và châu Âu tại khoa luật học tại Đại học Heinrich Heine, Dusseldorf. Bà Charlotte cũng là Chủ tịch của Hiệp hội Hildegaris - một phong trào của phụ nữ Công giáo Đức hỗ trợ các sinh viên nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Một phụ nữ người Đức khác trong Hội đồng Kinh tế của Vatican, bà Marija Kolak, đã có một sự nghiệp nổi bật với công ty Berlin Volksbank. Bà theo học chương trình quản lý cao cấp tại Trường Kinh doanh Harvard và hiện là Chủ tịch của Hiệp hội ngân hàng hợp tác quốc gia Đức ở Berlin.
Thành viên người Tây Ban Nha đầu tiên của Hội đồng Kinh tế là bà María Concepción Osacar Garaicoechea. Bà Garaicoechea là đối tác sáng lập của Azora Group và Chủ tịch hội đồng quản trị của Azora Capital và Azora Gestion, SGIIC. Azora là một nhà quản lý đầu tư độc lập có trụ sở tại Tây Ban Nha, chuyên về tài sản thực và năng lượng. Bà Garaicoechea cũng từng là Phó chủ tịch của Santander Central Hispanico Activos Immobiliarios và Chủ tịch của cả Banif Immobiliaria và INVERCO (Hiệp hội các tổ chức đầu tư tập thể và Quỹ hưu trí).
Thành viên người Tây Ban Nha thứ hai, bà Eva Castillo Sanz, tốt nghiệp ngành luật và nghiên cứu kinh doanh tại Đại học Giáo hoàng Comillas (E-3) ở Madrid. Bà Castillo hiện là thành viên Hội đồng quản trị của Bankia S.A và Hội đồng quản trị của Zardoya Otis S.A. và Hội đồng quản trị của Fundación Comillas-ICAI và Fundación Entreculturas.
Việc bổ nhiệm nhân sự mới cho một trong những văn phòng quan phòng quan trọng nhất của Tòa thánh Vatican đánh dấu nỗ lực mới nhất của Giáo hoàng trong cải thiện sự cân bằng giới. Năm 2010, có 385 phụ nữ làm việc cho Tòa thánh thì năm 2019, con số đó đã tăng lên 649. Điều này cho thấy sự gia tăng trong thập kỷ vừa qua từ 17,6 đến 24%.
Giáo hoàng Francis đã khẳng định rằng Giáo hội Công giáo cần nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí lãnh đạo. Giáo hoàng còn cho rằng, 2020 là một năm quan trọng cho phụ nữ được trao các trách nhiệm quan trọng trong giáo hội. "Phụ nữ phải tham gia hoàn toàn vào các quá trình ra quyết định. Khi phụ nữ có thể đóng góp công sức của họ, thế giới có thể đoàn kết và bình an hơn", Giáo hoàng nói. Điều này có nghĩa là số phụ nữ ở các vị trí hàng đầu ở Vatican đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm. Tổng cộng, 5 trong số 22 cơ quan quan trọng nhất của Vatican (Phủ Quốc Vụ Khanh, Vụ kinh tế Tòa thánh, 9 Bộ, 3 cơ quan ngang bộ, 5 Hội đồng, 3 Tòa án) ngày nay đều có phụ nữ trong nhóm lãnh đạo.
Giáo hoàng Francis được coi là có tư tưởng tiến bộ hơn nhiều người tiền nhiệm khi chỉ vài tháng trước, ông đã bổ nhiệm nữ luật sư người Italy Francesca Di Giovanni làm Thứ trưởng phụ trách các vấn đề đa phương trong cơ quan nội các. Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ một vị trí quản lý trong văn phòng quan trọng nhất của Vatican. Tiến sĩ Francesca Di Giovanni đã làm việc tại Vatican gần 27 năm về quan hệ đa phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến di dân và tị nạn, luật pháp quốc tế về nhân đạo, bình đẳng giới, sở hữu trí tuệ…
Ngày 12/6, Giáo hoàng đã bổ nhiệm nữ tiến sĩ Antonella Sciarrone Alibrandi, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công giáo Thánh Tâm, là thành viên của Cơ quan Thông tin Tài chính (AIF) và nữ Tiến sĩ Raffaella Vincenti vào vị trí đứng đầu Thư viện Vatican.
Năm 2017, nhà sử học nghệ thuật người Italy Barbara Jatta đã trở thành Giám đốc của Bảo tàng Vatican.