Làn sóng kêu gọi phi hình sự hoá việc phá thai ở châu Mỹ Latinh

Nguyên Bách - CTV
09/02/2020 - 10:48
Làn sóng kêu gọi phi hình sự hoá việc phá thai ở châu Mỹ Latinh
Ngày 28/9/2020 là ngày phi hình sự hóa việc phá thai ở châu Mỹ Latinh. Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đang tập hợp tiếng nói của tất cả các tổ chức trên thế giới yêu cầu việc phá thai tự do, an toàn và hợp pháp cho tất cả phụ nữ.

29 quốc gia cấm phá thai hoàn toàn

Theo Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, phá thai không an toàn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ: xuất huyết, nhiễm trùng, huyết áp cao (tiền sản giật và sản giật) và sinh khó. Đây cũng là nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Ước tính mỗi năm có ít nhất 22.000 phụ nữ trưởng thành và nữ thanh niên chết vì phá thai không an toàn, 97% trong số đó ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Nam Á và Tây Á. Ngoài ra, 7 triệu phụ nữ phải nhập viện hàng năm vì các biến chứng sau khi thực hiện phá thai bởi đội ngũ nhân viên thiếu trình độ chuyên môn cần thiết và tại các cơ sở không có đủ điều kiện y tế tối thiểu. Còn theo Liên hợp quốc, các nước có chính sách hạn chế phá thai thường có tỷ lệ nạo phá thai không an toàn cao hơn gấp 4 lần, đồng thời có tỷ lệ tử vong của thai phụ cao hơn gấp 3 lần so với các nước cho phép phá thai.

Trong số 33 quốc gia Mỹ Latinh và Caribbe, chỉ có 4 nước  là Cuba, Guyana, Mexico và Uruguay cho phép phá thai hợp pháp trong các trường hợp khác ngoài hiếp dâm hoặc nguy cơ ảnh hưởng tính mạng hoặc sức khỏe của bà bầu. Trong khi đó, 29 quốc gia cấm phá thai hoàn toàn. El Salvador, Honduras, Aruba, CH Dominica, Haiti, Jamaica, Nicaragua… là các quốc gia khu vực Mỹ Latinh và Caribbe hình sự hóa và có luật cấm phá thai trong mọi trường hợp, ngay cả khi sự sống và sức khỏe của người phụ nữ bị nguy hiểm. Theo Guardian, hơn 6,5 triệu ca phá thai diễn ra trong khu vực mỗi năm nhưng 3/4 trong số đó là bất hợp pháp và thường được thực hiện theo những cách không an toàn.

Mọi trường hợp phá thai đều bị ở tù

Ở các nước cấm phá thai hoàn toàn, mọi trường hợp phá thai đều bị ở tù

Ở Dominica, mọi trường hợp phá thai đều không được chấp từ năm 1884. Ngày 31/5/2017, Cộng hòa Dominica đã bỏ phiếu sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó đề nghị sửa đổi lệnh cấm phá thai hoàn toàn. Dự luật sửa đổi cho phép phá thai trong 3 trường hợp: Khi tính mạng người mẹ gặp nguy hiểm, khi mang thai là vì bị hãm hiếp hoặc loạn luân và khi thai nhi bị dị tật. Tuy nhiên, sau đó cả hạ viện và thượng viện đều không thông qua và không chấp nhận sửa đổi điều luật cấm phá thai. Ngay sau sự kiện trên, một liên minh của các tổ chức nữ quyền đã ban hành một tuyên bố chung: "Luật pháp của Cộng hòa Dominica không công bằng cho mọi phụ nữ". Bà Margaret Wurth - Nhà nghiên cứu cao cấp về quyền của phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - cho biết, luật cấm đã dẫn đến tình trạng phá thai không công khai và thường diễn ra trong "bóng tối", theo đó gây nên những hệ lụy về nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Honduras là một trong số các quốc gia ở Mỹ Latinh hình sự hóa việc phá thai trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi mang thai do bị hãm hiếp, loạn luân hoặc đe dọa mạng sống của thai phụ. Nếu bị kết án cố tình phá thai, phụ nữ Honduras có thể phải ngồi tù từ 3 đến 6 năm, trong khi các y bác sĩ hay bất kỳ ai giúp tiến hành ca phá thai đó có thể phải ngồi tù tới 10 năm. Những vụ ép phá thai hoặc phá thai mà không có đồng ý của người mẹ có thể bị xử nặng hơn. Theo các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ, một khi bị truy tố tội phá thai, người phụ nữ sẽ phải chịu sự kỳ thị của cộng đồng dù có bị kết án hay không. Nhiều người thậm chí còn phải rời làng vì không chịu nổi sự phán xét của những người xung quanh. Nếu được hợp pháp hóa chuyện phá thai, phụ nữ ở Honduras sẽ có một tương lai tươi đẹp hơn khi họ được tự quyết định cuộc sống của mình. Theo một khảo sát của công ty thăm dò dư luận Le Vote, 60% đàn ông và 64% phụ nữ Honduras ủng hộ việc phá thai trong các trường hợp bị hãm hiếp, thai nhi không phát triển bình thường hoặc việc mang thai gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. "Luật phá thai cần được sửa đổi vì chúng ta không thể bắt một bé gái mang thai ngoài ý muốn trở thành mẹ", Nidia Castillo, giám đốc điều hành Mạng lưới Nữ luật sư Bảo vệ Nhân quyền, khẳng định.

Kêu gọi phi hình sự hoá việc phá thai ở châu Mỹ Latinh - Ảnh 2.

Cô Evelyn Hernandez trước tòa án El Salvador

Còn El Salvador được mệnh danh là nơi phụ nữ chịu luật phá thai khắc nghiệt nhất thế giới. Trường hợp cụ thể nhất là cô Evelyn Hernandez (21 tuổi) bị hãm hiếp và có thai. Cô đã bị cáo buộc giết người mang tính chất nghiêm trọng sau khi sinh ra thai chết lưu. Văn phòng Công tố đã kiên quyết yêu cầu tới 50 năm tù cho người phụ nữ này. Bà Elizabeth Deras - Luật sư của cô Evelyn Hernandez cho hay: "Không có yếu tố nào để xác định rằng trong trường hợp tử vong của đứa bé là do ác ý. Nói cách khác, cô ấy không có ý định làm hại con mình. Ngoài ra, tòa án đã nói rằng các khía cạnh thể chất và tình cảm phải được tính đến nhưng chúng lại là những yếu tố đầu tiên bị thẩm phán bỏ qua".

Làn sóng đấu tranh nữ quyền

Vụ việc của Everlyn ở El Salvador đã dấy lên làn sóng phẫn nộ, biểu tình cùng những tranh cãi gay gắt về quyền của người phụ nữ. Các nhà hoạt động nữ quyền yêu cầu Chính phủ El Salvador xem xét lại điều luật cấm phá thai. Bà Morena Herrera - Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ El Salvador cho hay: "Việc hình sự hóa các biến chứng sản khoa là không công bằng. Điều luật về phá thai của El Salvador là một luật có thành kiến đặc biệt đối với phụ nữ".

Biểu tình ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ ở thủ đô Tegucigalpa (Honduras) ngày 8/3/2019

Biểu tình ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ ở thủ đô Tegucigalpa (Honduras) ngày 8/3/2019

Từ năm 2015, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) đã công bố thỉnh nguyện thư 300.000 chữ ký để yêu cầu thu hồi luật phá thai của El Salvador. Trong thập kỷ qua, 41 phụ nữ ở  El Salvador đã được trả tự do do các nhóm nhân quyền trong nước và quốc tế lên tiếng đấu tranh bảo vệ phụ nữ. Theo một dự luật mới do đảng cánh tả Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Marti đưa ra cuối năm 2017, phá thai sẽ được thực hiện trong trường hợp cưỡng hiếp khi nạn nhân còn nhỏ hoặc là nạn nhân buôn người, khi thai nhi không tồn tại được hoặc khi cần bảo toàn tính mạng cho người mẹ.

Từ ngày 8/3/2019, hàng trăm nghìn phụ nữ, đồng tính nữ, người chuyển giới cũng như các nhà hoạt động nữ quyền tham gia vào làn sóng màu xanh lá cây. Họ đấu tranh nhằm kêu gọi phi hình sự hóa việc phá thai thay đổi luật pháp hà khắc để phụ nữ được tiếp cận với các biện pháp phá thai hợp pháp, an toàn và miễn phí.

hàng trăm nghìn phụ nữ, đồng tính nữ, người chuyển giới cũng như các nhà hoạt động nữ quyền tham gia vào làn sóng màu xanh lá cây

Hàng trăm nghìn phụ nữ châu Mỹ Latinh tham gia vào làn sóng màu xanh lá cây kêu gọi phi hình sự hóa việc phá thai

Hướng đến ngày 28/9/2020 là ngày phi hình sự hoá việc phá thai ở châu Mỹ Latinh, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đang tập hợp tiếng nói của tất cả các tổ chức trên thế giới yêu cầu việc phá thai tự do, an toàn và hợp pháp cho tất cả phụ nữ. Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế lên tiếng đòi hỏi rằng phụ nữ có quyền được giáo dục về sức khỏe và tình dục, quyền toàn vẹn cá nhân, quyền có cuộc sống riêng tư. Ngoài ra, phụ nữ không phải chịu sự đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền được có việc làm đàng hoàng và được bảo vệ quyền tình dục và sinh sản.

Nguồn: Guardian, peoplesdispatch.org
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm