Làn sóng #SexStrike phản đối dự luật phá thai khắt khe ở Mỹ

13/05/2019 - 13:32
Phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) kêu gọi phụ nữ Mỹ từ bỏ quan hệ tình dục để phản đối một số dự luật ngăn cản phá thai, dấy lên làn sóng #SexStrike (đình công tình dục) trên mạng xã hội.
#SexStrike đang là xu hướng trên mạng xã hội khi ngày càng có nhiều người đồng tình với ý tưởng của nữ diễn viên nổi tiếng Alyssa Milano. Một số nói rằng họ rất vui khi những người phụ nữ tự do chọn cách từ chối quan hệ tình dục.
 
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền lại cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tấn công vào quyền sinh sản của phụ nữ khi sắp xếp các nhà hoạt động chống phá thai vào những vị trí quan trọng trong cơ quan chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và cắt giảm ngân sách cho các dịch vụ y tế thực hiện hoạt động này.
 
 
alyssa-milano-2.jpg
Diễn viên Alyssa Milano tích cực trong phong trào #Metoo

 

Alyssa Milano, người có tiếng nói nổi bật trong phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục #MeToo, kêu gọi tiến hành #SexStrike để phản đối dự luật đã được thông qua ở bang Georgia cấm phá thai khi thai nhi bắt đầu có nhịp tim.
 
Dự luật này được coi gần như một lệnh cấm phá thai vì nhiều phụ nữ không nhận ra mình mang thai cho đến tuần thứ 5, trong khi thời điểm thai nhi có nhịp tim thường ở tuần thứ 6-7.
 
Bang Georgia lâu nay có ưu đãi về thuế để thu hút ngành công nghiệp điện ảnh và 17 trong số 100 bộ phim hàng đầu của năm được sản xuất tại Georgia. Tuy nhiên, một số công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình cho biết họ sẽ ngừng hoạt động ở Georgia để phản đối dự luật.
 
 
pha-thai-o-my-1.jpg
Những người tuần hành với thông điệp "Phá thai là quyền của phụ nữ"

  

Các dự luật tương tự đang được đề xuất ở những bang khác. Luật “Heartbeat” ở bang Ohio cấm phá thai khi xác định được nhịp tim của thai nhi, tức là khi thai nhi được 6 tuần lễ. Những người phản đối cho rằng “Heartbeat” là một trong những luật áp đặt hạn chế phá thai nghiêm ngặt nhất ở Mỹ.
 
Bà Kellie Copeland - Giám đốc của Naral Pro-Choice Ohio - nhấn mạnh các nhà lập pháp và thống đốc bang sẽ khiến đất nước rơi vào “cơn ác mộng” khi luật “Heartbeat” không có ngoại lệ trong trường hợp mang thai do bị hiếp dâm hoặc loạn luân. Những người chỉ trích dự luật thì nói rằng, luật cấm phá thai sẽ khiến hoạt động cấm phá thai trở thành bất hợp pháp trước khi phụ nữ kịp nhận ra là họ đang mang thai.
 
Bang Alabama đã bỏ phiếu dự luật cấm phá thai khi trứng được thụ tinh đã vào tử cung, thường xảy ra 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt thông thường. Lúc này, phụ nữ không thể ý thức được là mình mang thai vào thời điểm đó. Hơn 60 trong tổng số 105 thành viên hạ viện bang Alabama ngày 2/4/2019 đệ trình dự luật cấm tất cả các hành vi phá thai, thậm chí còn hình sự hoá việc phá thai trong trường hợp nạn nhân bị hãm hiếp hoặc loạn luân. Bác sĩ thực hiện việc phá thai sẽ bị quy phạm tội nghiêm trọng cấp độ A.
 
Dự luật quy định mức phạt tù 10-99 năm đối với hành vi phá thai, mức án bị các nhà hoạt động coi như "án tử hình" đối với phụ nữ ở bang Đông Nam nước Mỹ này. Dự luật chỉ cho phép phá thai đối với các trường hợp đe dọa đến tính mạng thai phụ.
 
 
nghi-si-ohio-tranh-luan-ve-luat-pha-thai.jpg
Các nghị sĩ bang Ohio bàn về dự luật “Heartbeat” cấm phá thai

 

Trước Alabama, nhiều bang ủng hộ đảng Cộng hòa ở Mỹ đã đưa ra các luật cấm phá thai nghiêm ngặt, trong đó bang Kentucky và Missisippi cấm phá thai khi tim thai xuất hiện. Bang Nam Carolina cũng có thể đưa ra lệnh cấm tương tự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm