Thời gian gần đây, sau giờ tan học, trước cổng trường mầm non và tiểu học ở các địa phương trên địa bàn Nghệ An, việc các bậc phụ huynh xếp thành hàng ngang dài ngay ngắn bên mép đường để đón con em mình đã tạo nên một hình ảnh đẹp trong văn hóa giao thông trước cổng trường học.
Chúng tôi có mặt tại cổng Trường Tiểu học xã Hưng Tây và Trường Trung học cơ sở xã Hưng Tây vào lúc 16 giờ, đây là thời điểm các bậc phụ huynh đến đón con em mình sau khi tan học.
Khác với trước đây đó là cả quãng đường rộng, dài gần 100m trước cổng trường bị ùn tắc, người dân chen lấn để tìm đón con em mình, nay thay vào đó, các phụ huynh đến đón con đã đỗ xe thành hàng ngang, sát mép đường, tạo thành hàng lối ngay ngắn.
Kết quả này có được từ khi mô hình "xếp hàng đón con" do Đoàn thanh niên xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) triển khai từ đầu tháng 11/2019.
Với cách làm này, dù lượng phụ huynh cùng phương tiện đến đón con đông, song không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Các phương tiện khác vẫn có thể di chuyển qua tuyến đường này, phụ huynh và học sinh cũng dễ tìm thấy nhau hơn.
Bí thư Đoàn thanh niên xã Hưng Tây Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, do hai Trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn xã Hưng Tây nằm sát nhau, số học sinh hai trường lên tới hơn 1.000 em, mỗi khi tan học, tuyến đường rộng trước cổng hai trường rất lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông.
Các phương tiện đều phải quay lại đi đường khác vì không thể lưu thông trong thời điểm trẻ tan học.
Đầu tháng 11/2019, từ những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook, Đoàn thanh niên xã Hưng Tây đã xin ý kiến chỉ đạo của Huyện đoàn Hưng Nguyên triển khai mô hình "xếp hàng đón con" trước cổng trường học.
Để triển khai mô hình này, cán bộ Đoàn thanh niên xã Hưng Tây đã phối hợp với Ban Công an xã dẹp các xe bán hàng rong ngay trước cổng trường; kẻ vạch hai bên mép đường.
Vào thời điểm tan học, cán bộ Đoàn thanh niên xã phối hợp với Ban Công an, Hội Cựu chiến binh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh xếp hàng phương tiện theo vạch đã kẻ sẵn. Hiệu ứng được lan tỏa mạnh mẽ hơn khi mô hình nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và toàn xã hội.
Ông Võ Đình Trung, sinh năm 1950, xã Hưng Tây, cho biết nhiều năm đón cháu chứng kiến cảnh lộn xộn trước cổng trường sau khi tan học khiến ông và không ít người dân khó chịu.
Nhà trường cũng rất lo lắng trước thực trạng mất trật tự an toàn giao thông trước cổng trường học. Từ khi triển khai mô hình "xếp hàng đón con," nhìn thấy những hình ảnh nền nếp như hiện nay, ông rất vui và mong rằng, cách làm này sẽ tiếp tục duy trì, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Phan Thanh Lý, xã Hưng Tây, hy vọng rằng cách làm này sẽ dần trở thành thói quen, nền nếp trong mỗi phụ huynh. Đây cũng là một cách để các bậc phụ huynh giáo dục trẻ nhỏ xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử trước cổng trường học.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, Đoàn thanh niên 5 địa phương đã triển khai mô hình "xếp hàng đón con" trước cổng trường tiểu học và mầm non. Với sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, nhà trường và phụ huynh, phong trào này đang ngày càng lan tỏa và đạt hiệu quả thiết thực.
Phó Bí thư Đoàn thanh niên huyện Hưng Nguyên Nguyễn Khánh Thành khẳng định đây là cách làm nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn. Huyện đoàn Hưng Nguyên đang chỉ đạo Đoàn thanh niên các xã còn lại tích cực triển khai mô hình này.
Đây cũng là một trong những cách làm nhằm xây dựng cổng trường an toàn, sạch, đẹp, cổng trường an toàn giao thông do Trung ương Đoàn phát động.
Không chỉ ở huyện Hưng Nguyên, văn hóa "xếp hàng đón con" trước cổng trường học đang lan tỏa rộng rãi tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn... của tỉnh Nghệ An.
Trong đó, tại huyện Diễn Châu và huyện Yên Thành, Đoàn thanh niên các xã đã triển khai phong trào này ở hầu hết các trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn.
Đại diện Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết, thời gian tới, trên cơ sở thực tế tại các địa phương sẽ tích cực chỉ đạo các Huyện đoàn, Đoàn xã triển khai phong trào "xếp hàng đón con" nhằm đảm bảo an ninh trật tự và hình thành nét đẹp văn hóa giao thông trước cổng trường học.