Chưa có cách làm mang tính gốc rễ
Suy ngẫm câu chuyện lãng phí SGK từ chính việc học của con mình, chị Mỹ Hằng – Phụ huynh có con học lớp 6 tại Hà Nội chia sẻ, nếu nói rằng giảm thiểu lãng phí SGK, tăng tính tái sử dụng của sách bằng cách kêu gọi học sinh không làm bài tập vào chính cuốn sách, quả thật khiên cưỡng.
Phụ huynh này phân tích, khi viết bài giải vào SGK, trẻ đỡ hẳn mang thêm một quyển vở bài tập, cặp nhẹ hẳn. Thêm quyển vở bài tập cặp sẽ nặng gấp đôi, mà về chi phí môi trường, nếu tính ra có lẽ là gần như tương đương dựa trên độ dày độ nặng của quyển sách và quyển vở.
“Còn về chi phí kinh tế, nếu nói là sách giá thành cao cũng không hẳn đâu! Khi đi mua SGK, vì sách được trợ giá nên chỉ tầm 7.000 -15.000đ một quyển, nhịn vài cốc cafe là mua được cho con bộ sách chính thức gồm cả sách học lẫn bài tập khoảng 15 quyển” - chị Hằng nói.
Chính vì vậy, chị Hằng không tán thành việc tránh lãng phí bằng cách không viết vào sách. Thay vào đó, cơ quan chức năng nên tính đến việc xóa độc quyền, xóa luôn trợ giá, mua sách bằng giá thị trường cho các phụ huynh đỡ thấy bức xúc. Đấy là chưa kể, cả bộ sách cho trẻ con, chỉ sách bài tập vài môn như Toán, Tiếng Việt, cấp 2 có thêm Lý, Hóa, Sinh là viết lời giải vào sách. Các sách khác vẫn có thể sử dụng lại được như thường.
“Vấn đề ở đây không phải là viết bài tập vào sách, mà là nội dung sách thế nào. Có thay sách thì hãy nghĩ đến chuyện đó, một nội dung hợp lý, thực tế, cảm hứng. Còn giải bài tập vào sách thì càng tốt quá, con tôi cặp nhẹ đi gần một nửa, thế là tôi mừng. Con tôi cũng bảo thích viết luôn vào sách cho nhanh, không phải mang nhiều.
Đồng tình với điều này, anh Nguyễn Xuân Hùng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang học lớp 1 cho biết, hai quyển toán và tiếng Việt đều được con giải bài tập trực tiếp vào sách, vừa có tính hệ thống, vừa tiện cho con, cô giáo cũng dễ theo dõi hơn là lích kích nhiều vở, hoặc giấy photo bài làm.
“Tránh lãng phí nên nghĩ đến việc giảm giá thành, bỏ hẳn kiểu chiết khấu, để phụ huynh được lựa chọn nhiều loại sách khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế chứ không phải là bắt học sinh không viết vẽ vào sách” - anh nói.
Hạn chế chỉnh lý SGK
Dường như “đánh” vào tâm lý của phụ huynh là năm học mới thường muốn mua sách mới cho con học vì muốn dành điều tốt nhất cho con, nhiều trường học tổ chức bán sách trọn bộ tại trường nên phụ huynh ít nhiều cảm thấy áp lực.
Một điều đáng lưu ý nữa là mỗi năm thường có sự chỉnh lý, bổ sung kiến thức vào SGK, tuy chỉ vài chi tiết song tâm lý của cha mẹ luôn muốn mua sách mới để tăng tính cập nhật cho sách. Đây là lý do khiến sách giáo khoa vẫn được bán với số lượng lớn vào đầu mỗi năm học.
Về điều này, GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, để tránh lãng phí tiền mua sách, việc biên soạn SGK mới không nên tiếp cận nhiều nội dung mà chỉ gồm những kiến thức cơ bản tối thiểu và nên giữ ổn định trong một thời gian tương đối ổn định. Điều này góp phần giảm bớt lo lắng cho những gia đình học sinh ở vùng miền khó khăn có thể sử dụng lại SGK cũ, không phải mất tiền mua sách mới.
“Việc bổ sung thêm kiến thức thì giáo viên và học sinh có thể bằng cách thức giảng dạy, học tập ở những phương tiện khác như cập nhật Internet, theo dõi truyền hình... Bên cạnh đó, để tiết kiệm cho phụ huynh, các nhà xuất bản cũng không nên in sách để học sinh viết, làm bài tập luôn vào trong đó” – GS Vũ Minh Giang nói.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cần quản lý hiệu quả đối với việc bán sách trong nhà trường. “Giá sách bán tại trường cần được niêm yết rõ ràng không vượt quá mức quy định tránh áp lực cho phụ huynh” - ông nói.
Cũng theo TS Tùng Lâm, nhà trường không nên khuyến khích phụ huynh phải mua sách chọn bộ đóng gói với nhiều sách tham khảo, bài tập, mà nên để phụ huynh được lựa chọn quyển nào phù hợp thì mua quyển đó, tránh mua quá nhiều nhưng không sử dụng hết hoặc sử dụng thiếu hiệu quả.