Lạng Sơn: Chỉ số phát triển con người đang từng bước được cải thiện cả về thể lực và trí lực

An Khê
26/12/2023 - 14:11
Lạng Sơn: Chỉ số phát triển con người đang từng bước được cải thiện cả về thể lực và trí lực

Chi cục Dân số tỉnh Lạng Sơn tổ chức Chương trình sức khỏe sinh sản vị thành niên tại trường THPT tại địa phương

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Toàn tỉnh có diện tích hơn 8,3 triệu km2 với quy mô dân số là trên 802 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 84%. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 200 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 88 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chiếm 5,92%.

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn là một tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm trước đây, quan niệm và nhận thức về dân số và giới tính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn chưa cao, còn coi trọng nam hơn nữ, muốn có con trai để nương tựa khi về già hoặc có tâm lý muốn sinh nhiều con, có nếp - có tẻ đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân.

Lạng Sơn: Chỉ số phát triển con người đang từng bước được cải thiện cả về thể lực và trí lực- Ảnh 1.

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, quy định rõ: Cấp xã là nơi tập trung chỉ đạo công tác dân số và cung ứng biện pháp tránh thai phi lâm sàng. Cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và thành lập các đội lưu động hỗ trợ tuyến xã. Tuyến tỉnh thực hiện đào tạo chuyên môn kỹ thuật và giám sát hỗ trợ các tuyến... Đồng thời, chỉ đạo lồng ghép y tế dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đẩy mạng xã hội hóa công tác dân số và phát triển - ông Dương Xuân Huyên cho biết.

Với sự phấn đấu tích cực, công tác dân số của tỉnh Lạng Sơn đã đạt được kết quả đáng khích lệ:

- Năm 2022, tổng tỷ suất sinh giảm xuống còn 2,14 con; tỷ số giới tính khi sinh giảm xuống còn 113,4 bé trai/100 bé gái.

- Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh Lạng Sơn đạt 0,692, đang từng bước được cải thiện cả về thể lực và trí lực.

- Tuổi thọ bình quân đạt 72,45% tuổi.

Đây cũng là điều kiện cho tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Với kết quả như trên, so với các địa phương thì còn thấp, nhưng đây là sự nỗ lực, cố gắng của những người làm công tác dân số tỉnh Lạng Sơn.

Các hoạt động về chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dân số được tập trung đẩy mạnh thông qua các chương trình, đề án, dự án. Tỉnh cũng xác định đây là một giải pháp giúp trẻ vị thành niên, thanh niên, nhất là những người sắp kết hôn chuẩn bị kiến thức, tâm lý cũng như sức khỏe để xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh đẻ và nuôi dạy con tốt. Ngành Y tế thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các cơ sở y tế. 

Đồng thời, tập trung các giải pháp nhằm đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nhằm giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này. Kết quả hằng năm, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đều đạt và vượt so với kế hoạch TW giao (năm 2023, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 100% phụ nữ mang thai (TW giao 75%); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh chiếm 56,6% số trẻ em sinh ra, đạt 103%KH (TW giao 55%).

Tuy nhiên, công tác tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn một số khó khăn.

"Nhận thức của người dân về tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa cao; tình trạng di cư tạm thời từ nông thôn ra thành phố và đi lao động tại các khu công nghiệp đã gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát dân số cũng như công tác tuyên truyền chính sách về dân số và phát triển.

Mặc dù tỉnh đã quan tâm đầu tư bố trí kinh phí cho các hoạt động về công tác dân số, tuy nhiên chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới, nhất là đối với việc triển khai tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho nam nữ thanh niên, vị thành niên.

Việc sát nhập đơn vị hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy… cũng ảnh hưởng đến mạng lưới cán bộ làm công tác dân số, nhất là ở cơ sở.

Theo quy định hiện nay chưa bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn, do đó công tác tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn gặp nhiều khó khăn" - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm