Làng tỉ phú Cương Gián (Bài 2): Những đứa trẻ bơ vơ

23/07/2019 - 15:00
Ở trường THCS Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), không hiếm những học sinh thiếu vắng sự chăm sóc và yêu thương của cả bố lẫn mẹ như P., như V... Hầu hết các em đều được gửi gắm cho ông bà, chú bác mà có khi nhiều năm liền không được gặp mặt bố mẹ.

Con hư tại... xuất khẩu lao động? 

Nói về những học trò có bố mẹ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhiều giáo viên tại trường THCS Cương Gián, Hà Tĩnh vẫn cảm thấy buồn lòng với trường hợp em V., dù hiện tại em không còn là học sinh của trường nữa. Bố mẹ V. sang Anh làm việc từ khi em còn rất nhỏ nên hai anh em V. sống cùng người chú ruột. Thiếu bàn tay chăm lo của bố mẹ, vợ chồng chú ruột cũng bận rộn mưu sinh nên không thể để ý sát sao đến các cháu khiến càng lớn, V. càng nghịch phá. Đến năm học lớp 9, em thường xuyên bỏ học đi chơi, lôi kéo nhiều bạn ở trường cùng nghỉ học. Kết thúc học kỳ 1, em bị xếp loại hạnh kiểm yếu, nhiều phụ huynh còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và nhà trường tách V. khỏi con em họ.

 

3.jpg
Những đứa trẻ ở Cương Gián phải trông cậy vào ông bà khi bố mẹ đều đi xuất khẩu lao động

 

Dù gia đình đã xuống tận nhà chú ruột của V. để trao đổi, nhắc nhở, tìm biện pháp phối hợp giáo dục V. tiến bộ. Thế nhưng, chú của V. cũng đành lắc đầu bất lực, nói chỉ còn cách chờ bố mẹ cháu về. Được một thời gian sau thì gia đình chuyển V. vào học ở một trường trong Tây Nguyên. “Nếu bố mẹ cháu ở nhà chăm lo chỉ bảo thường xuyên thì có lẽ V. đã ngoan hơn hoặc ít ra không trượt dài như vậy”, một giáo viên từng dạy V. trăn trở.

 

Thêm một trường hợp học sinh cá biệt nữa mà nhà trường vẫn thường lưu tâm là em P., hiện là học sinh lớp 8. Bố mẹ đi làm ăn ở Hàn Quốc, P. ở nhà với ông bà đã lớn tuổi nên không được kèm cặp, quản lý kịp thời. Ở lứa tuổi mới lớn, ham vui, tò mò với mọi thứ nên P. bị bạn xấu lôi kéo chơi game, trốn nhà đi qua đêm,... Đến khi kết quả học tập của P. sa sút nghiêm trọng, xếp loại hạnh kiểm yếu, được liệt vào “học sinh cá biệt” của trường thì mẹ em mới quyết định trở về nước để “cứu” con trước khi quá muộn.

 

Ở trường THCS Cương Gián, không hiếm những học sinh thiếu vắng bàn tay chăm sóc và sự yêu thương của cả bố lẫn mẹ như P., như V... Hầu hết các em đều được gửi gắm cho ông bà, chú bác mà có khi nhiều năm liền không được gặp trực tiếp bố mẹ.

 

Để tiện liên lạc với con, nhiều bố mẹ đi XKLĐ ở xa đã gửi tiền về để mua sắm điện thoại thông minh cho con. Có phương tiện công nghệ hiện đại trong tay, lại không bị bố mẹ quản lý nên nhiều em mặc sức chơi game hay vào các trang web không lành mạnh. Và từ bao giờ, những đứa trẻ “nhân chi sơ tính bản thiện” trở nên lầm đường lạc lối, không có định hướng, ý chí phấn đấu học hành, tu dưỡng bản thân.

 

Những nụ cười trẻ thơ không trọn vẹn 

Bên giếng nước trước cổng nhà, 3 đứa cháu nội của cụ H.T.P. ở thôn Bắc Mới, xã Cương Gián, đang nô đùa. Đã cận kề tuổi 80, cụ cúi xuống lấy tay gạt nước mắt trên khuôn mặt già nua khi nghĩ về các cháu. Đứa cháu lớn của cụ P. mới học lớp 8, đứa thứ lớp 5 và đứa út lớp 3 nhưng đã 3 năm nay phải chịu cảnh bố mẹ ly thân, sống với bà nội già yếu.

 

4.jpg
Sau sự đổi thay “ngoạn mục” về kinh tế, Cương Gián hôm nay đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy từ “bi kịch” gia đình

 

Hơn 9 năm trước, vì cuộc sống ở quê vất vả nên con trai cụ là anh H.V.T đã theo bạn bè trong xã xuất ngoại sang Đài Loan (Trung Quốc) mưu sinh. Khi đó, chị T. vợ anh ở nhà cùng ông bà chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Không dư dả nhiều nhưng đồng tiền anh T. gửi về từ xứ người cũng phần nào giúp vợ con, ông bà sống khá hơn. Sau nhiều năm lam lũ ở nước ngoài, anh T. trở về quê, vợ chồng anh vui mừng sinh thêm bé nữa. Khi con vừa tròn 7 tháng tuổi, hai vợ chồng anh T. quyết định gửi cháu cho ông bà nội rồi cùng đi XKLĐ ở Đài Loan. Dù tuổi lúc đó cũng đã cao nhưng vì thương con, thương cháu, cụ P. vẫn cố gắng chăm sóc 3 cháu còn nhỏ dại, thầm mong vợ chồng con trai có thể mọi việc thuận lợi, kiếm được ít tiền sửa sang nhà cửa, tích góp ít vốn để làm ăn sau này.

 

Thế nhưng, mọi chuyện lại rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Mấy năm đầu khi mới sang, vợ chồng anh T. còn tích cóp tiền gửi về cho ông bà để trả nợ, lo cho con cái ăn học. Nhưng khoảng thời gian sau đó, tình cảm vợ chồng bắt đầu có những rạn nứt. Sau khi trở về từ Đài Loan, người thân cả hai bên cố vun vén cho anh chị nhưng không thành. Chị T. sau đó, tiếp tục quay trở lại xứ Đài, còn anh T. sau đó sang làm thuê ở Singapore. Giờ anh chị mỗi người một nơi, 3 đứa nhỏ vẫn ở với ông bà nội. Tiền chu cấp của các cháu chỉ có anh T. gửi về và một phần người bác ruột hỗ trợ.

 

Nuôi các cháu vất vả song các cụ nào có kêu than nửa lời. Thế nhưng, nhìn các cháu còn nhỏ mà phải chịu cảnh xa bố mẹ, tình cảm gia đình không được như trước, cụ lại không kìm lòng được. “Đứa út còn nhỏ dại, ngây thơ chưa hiểu hết chuyện. Còn 2 cháu lớn thì đã hiểu hoàn cảnh gia đình nên luôn sống trong cảnh tủi thân, học hành sa sút. Ông bà, họ hàng ở quê cũng đã cố gắng hết sức nhưng không thể thay thế tình thương yêu từ bố mẹ các cháu được. Không biết rồi các cháu sẽ ra sao. Buồn không nói hết chú ạ”, cụ P. nghẹn ngào chia sẻ.

 

Ở Cương Gián, câu chuyện về những đứa trẻ bị tổn thương do bố mẹ chia tay sau khi đi XKLĐ như các cháu của cụ P. chẳng còn là hiếm. Ở xóm Đại Đồng, gia đình tan vỡ, chị H. một mình đi phụ hồ nuôi 3 người con ăn học khiến hàng xóm láng giềng ai cũng xót xa. Hai vợ chồng chị H. lấy nhau từ khi còn nghèo khó, rồi vì mưu sinh, anh V. chồng chị sang Hàn Quốc làm việc. Thời gian đầu, mọi chuyện vẫn tốt đẹp, anh V. hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền về để chị H. ở nhà nuôi con. Nhưng chỉ ít lâu sau, nơi đất khách quê người, xa vợ xa con, trong một lần lên mạng anh V. làm quen và yêu đương với một cô gái ở Việt Nam, cách nhà anh chị mấy chục cây số. Từ đây, anh không còn chăm lo cho gia đình như trước nữa, rồi chuyện gì đến cũng đến, anh chị chia tay, chị H. một mình vất vả nuôi các con. Những đứa con của anh chị, phần thì thương mẹ vất vả, phần lại giận cha bỏ bê gia đình, cháu nào cũng cố gắng ngoan ngoãn nhưng vẫn không tránh khỏi những lúc tủi hờn.

 

Bước chậm dọc những ngôi nhà nguy nga trên con đường làng khang trang ở Cương Gián, lòng tôi cứ mênh mang bao niềm trắc ẩn. Tôi xót xa thầm hỏi, liệu những nhà cao cửa rộng, quần áo đẹp, đồ ăn ngon có cho các em cảm giác hạnh phúc của một bữa cơm gia đình đoàn viên, rổn rảng tiếng nói cười của cha, của mẹ, của các con? Liệu sự sung túc về vật chất có đánh đổi được tâm hồn và tuổi thơ an lành của những đứa trẻ? Và rồi sau này, với những “vết sẹo” tâm hồn khi còn quá nhỏ, con đường tương lai phía trước, bọn trẻ sẽ đi về đâu?

 

Bài sau: Được nhiều, mất cũng nhiều

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm