Nhiều vụ bạo hành, ly hôn, thậm chí án mạng
Không ai có thể phủ nhận một điều: từ ngày có làn sóng xuất ngoại, cuộc sống của người dân Cương Gián đã được cải thiện rõ rệt. Sự ấm no, đầy đủ mang dấu ấn từ những con đường, những chiếc xe ô tô đời mới, những ngôi nhà khang trang kéo dài từ thôn này qua thôn khác. Thế nhưng, sự giàu lên trông thấy ấy không đi kèm với sự hạnh phúc cho tất cả mọi người nơi đây, khi ngày càng nhiều những gia đình chia ly, những đứa trẻ “bơ vơ” thiếu vòng tay chăm lo của cha mẹ. Cái lợi trước mắt của xuất khẩu lao động đã hiển hiện nhưng mặt trái và những hệ lụy lâu dài thì không phải ai cũng dễ nhận ra. Chính vì điều này, các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và đặc biệt là Hội LHPN luôn nỗ lực để tìm ra hướng đi cùng giải pháp hữu hiệu nhất.
Bà Phan Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cương Gián - cho hay, nhờ xuất khẩu lao động đã góp phần làm cho địa phương thay da đổi thịt, đời sống kinh tế gia đình ổn định, con cái có điều kiện học hành. Tuy nhiên, từ xuất khẩu lao động khiến vợ chồng sống xa cách, tình cảm vợ chồng không còn như trước, dẫn đến sa ngã, phát sinh tình cảm bên ngoài... từ đó cuộc sống hôn nhân của họ bị rạn nứt. Có rất nhiều chuyện đau lòng khi vợ chồng tan vỡ hạnh phúc, có những vụ ly hôn trong êm đẹp nhưng cũng không ít vụ bạo hành phải ra tòa, thậm chí xảy ra án mạng đau lòng.
“Xảy ra thực trạng này chúng tôi rất buồn và lo lắng. Sau mỗi cặp đôi ly hôn, bản thân người trong cuộc chịu ảnh hưởng không ít nhưng nặng nề nhất, tổn thương nhất có lẽ vẫn là bọn trẻ. Để có thể giảm thiểu những nguy cơ và hệ lụy lâu dài, không chỉ Hội Phụ nữ xã, mà cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị xã Cương Gián đã vào cuộc. Riêng Hội LHPN đã tập trung tuyên truyền, lồng ghép các chủ đề về hôn nhân - hạnh phúc gia đình. Hằng năm, Hội đều có kế hoạch truyền thông và mời chuyên gia về nói chuyện chuyên đề về vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc cho các hội viên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lập hẳn một Tổ hòa giải, thường xuyên tuyên truyền, đồng thời đến tận từng cặp xảy ra mâu thuẫn để tổ chức dàn hòa, nỗ lực xâu nối lại tình cảm của những cặp vợ chồng này” - bà Hằng chia sẻ.
Bà Hằng cho biết thêm, đối với những trường hợp học sinh có bố mẹ đi xuất khẩu lao động được gửi ở nhà cho ông bà, chú bác hay học sinh có bố mẹ ly thân, ly hôn, chính quyền địa phương đã phối hợp với nhà trường thống kê số lượng những em học sinh này và thông qua giáo viên chủ nhiệm, thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, phát triển của các em; tổ chức các chương trình giáo dục giới tính cho các em học sinh. Đồng thời, ngoài chương trình giảng dạy kiến thức trên lớp, các thầy cô giáo cũng dành thời gian quan tâm, lắng nghe các cháu chia sẻ để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của các cháu. Với các trường hợp học sinh cá biệt, nhà trường sẽ sát sao hơn, liên lạc kịp thời với người đang nuôi dưỡng hoặc liên lạc trực tiếp với bố/mẹ các em đang ở nước ngoài để thông báo về tình hình của con và cùng trao đổi tìm giải pháp uốn nắn, quản lý con tốt hơn”.
Cần sự thay đổi nhận thức của mỗi gia đình
Qua tìm hiểu được biết, dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của Hội phụ nữ, chính quyền địa phương và nhà trường nhưng tình trạng ly hôn và những hệ lụy gây ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ ở Cương Gián dường như vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. “Mặc dù việc tuyên truyền, khuyên giải, vận động được Hội LHPN xã cũng như chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm sát sao nhưng điều cốt yếu và quan trọng nhất vẫn là từ mỗi gia đình. Không ai phản đối chuyện đi xuất khẩu lao động nhưng làm thế nào để vẫn giữ gìn được hạnh phúc gia đình, vẫn có thời gian chăm lo, quan tâm, răn dạy các con thì mỗi cặp vợ chồng lại cần có những phương án khác nhau”, bà Hằng bày tỏ quan điểm.
Một điều đặc biệt, một vài năm trở lại đây, tại xã Cương Gián có một sự dịch chuyển lớn trong suy nghĩ của người dân địa phương về chuyện học hành của con em. Nhiều gia đình cho rằng, đầu tư cho con em ăn học tốn kém nhưng ra trường không xin được việc làm nên chi bằng chủ động hướng cho con đi xuất khẩu lao động ngay từ khi con còn ngồi ở ghế nhà trường. Với suy nghĩ thiển cận ấy, nhiều gia đình ở Cương Gián không còn mặn mà với chuyện học hành của con nữa, có những trường hợp học sinh học khá tốt, có tiềm năng nếu tiếp tục đầu tư, phát huy thế nhưng gia đình lại chỉ muốn con học tiếng Anh để sau này đi xuất khẩu lao động.
“Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với các bậc phụ huynh, con em đến trường không chỉ học con chữ, kiến thức mà còn học cả nhân cách. Nếu học giỏi, được đào tạo căn bản thì con em ở đâu cũng sống được, chứ không phải trông chờ vào xuất ngoại. Còn nếu xuất ngoại thì cần quản lý con em thật tốt, không để con em thiếu sự răn dạy như hiện nay” - một giáo viên tại trường THCS Cương Gián chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ của trường Tiểu học Cương Gián, có đến hơn 20 học sinh có bố mẹ đi xuất khẩu lao động hiện ly thân hoặc ly hôn. Lúc rời trường Tiểu học Cương Gián, tôi cứ ám ảnh mãi với niềm trăn trở của một cô giáo khi nói về gia đình và tương lai những học trò của mình: “Đành rằng tiền bạc, sự giàu sang ai cũng muốn nhưng có những thứ thiêng liêng hơn, không có gì thay thế được. Hạnh phúc của bố mẹ phải là những đứa con được sống trong tổ ấm đong đầy hạnh phúc chứ không phải là ký ức của sự chia xa, tan vỡ. Các em sẽ ra sao khi lớn lên với những vết thương hằn sâu trong tâm trí?”.