Làng toàn người già, trẻ con ở Tịnh Biên: 'Cao tuổi rồi mà vẫn phải làm quần quật'

29/08/2018 - 10:39
Vài năm trở lại đây, do đời sống kinh tế khó khăn, cả trăm hộ gia đình với 700 - 800 người trẻ ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) ùn ùn bỏ quê lên TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... tìm việc. Ấp nghèo giờ còn lại rất nhiều người già và trẻ con.

Con cái đi xa, người già ở lại “gồng mình” tự lực cánh sinh

Bà Néang Sóc Phon ở ấp Tân Hiệp, năm nay mới 57 tuổi nhưng trông bề ngoài tóc đã bạc nhiều. Bà bảo: “Già rồi mà cứ suốt ngày phải làm quần quật”.

Bà sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này. Kinh tế gia đình không mấy khá giả. Khoảng 30 năm trước, bà đã phải mở quán bánh canh nhỏ ngay trước cửa nhà ven đường tỉnh lộ, sau đó là bán chè, bán xôi… để nuôi gia đình. Bà nghĩ sau này con cái lớn, sẽ được nghỉ ngơi. Nhưng đến tận bây giờ, bà vẫn chưa được nghỉ...

Ông bà sinh được 3 con trai, hiện 2 người đã lấy vợ và đều rời nhà đi làm công ty; người con út còn độc thân nhưng cũng đi làm mướn suốt… Các con đã tự đi tìm việc, lo cho cuộc sống của mình, nhưng cũng không dễ dàng. Chúng hầu như không gửi được tiền về cho cha mẹ. Đã vậy, chúng còn để cả con ở lại cho ông bà nuôi.

Những “lao động chính” của gia đình đều rời đi cả, nên để lo cho cuộc sống của mình cùng cháu nhỏ, vợ chồng bà Néang Sóc Phon đã buộc phải “gồng mình” trong tình thế tự lực cánh sinh.

Để có thu nhập hàng ngày, bà Phon thường làm việc không ngừng nghỉ. Bà thức giấc từ 4 giờ sáng chạy chiếc xe cũ lên chợ Chi Lăng cách đó vài cây số mua lòng lợn về. Trong khi bà đi chợ, ông cũng dậy sớm lo nấu cháo, dọn dẹp… Bà về sẽ sơ chế thực phẩm rồi nhanh chóng bày biện quầy hàng sáng… Khoảng 6 giờ, họ đã có thể phục vụ những vị khách đầu tiên.

Đây là vùng quê nghèo nên quầy bán cháo, mì, bún lòng của bà Phon cũng bán rất rẻ. Bà chỉ bán trung bình từ 5, đến 7, 8 ngàn đồng/bát. Mỗi buổi sáng, bà thường bán được khoảng 300 ngàn đồng, trong đó tiền mua nguyên vật liệu tốn hơn 200 ngàn. Như vậy, trung bình mỗi sáng, từ cái quầy đồ ăn nhỏ ven đường trước nhà, bà Phon sẽ kiếm được khoảng gần 100 ngàn tiền lời. Chừng 9 đến 10 giờ sáng hết khách, hết hàng, bà Phon dọn dẹp xong thì bắt tay ngay vào công việc mới là nạo cùi dừa làm nhân, nhào bột bánh rồi nhóm bếp, đốt củi than và tráng bánh dừa. 

7.jpg
Trong khi bà Phon ngồi nhào bột để chuẩn bị làm bánh bán thì ông phải đảm nhiệm việc ra bể nước giặt giũ rồi lo cơm nước
6.jpg
 Cậu cháu nội đứng xem bà tráng bánh. Trong khoảng 2-3 năm nay, mỗi buổi sáng bán hàng, trưa ngồi liên tục 1-2 giờ tráng bánh dừa đã khiến lưng bà Phon đau rút

Khi chậu bột tráng xong, bà ăn vội chén cơm rồi sau đó khoảng 1 giờ chiều sẽ đi bộ khắp các con đường, con ngõ trong sóc để rao bán. Mỗi chiếc bánh của bà Phon chỉ có giá 2.000 đồng và ngày nào bán hết, bà sẽ có được khoản lãi chừng 30-50 ngàn đồng…

Bà bảo: "Khi người già phải tự cố lo về kinh tế cũng cực lắm. Ở nhà chúng tôi đang phải lo mọi khoản cơm, nước, tiền điện, tiền giỗ chạp, tiền nuôi cháu ăn học rồi tiền chữa bệnh tuổi già, bệnh tiểu đường… Nếu không nỗ lực cố làm, cố tiết kiệm thì có tháng thu không đủ chi".

Kể về việc thay con nuôi cháu, bà Phon cho biết: “Thằng bé học lớp 2 rồi, ở với ông bà suốt từ khi mới sanh đến giờ. Một tay bà nuôi nấng, chăm sóc. Giờ thì hàng ngày có ông đưa đi học, khi về thì làm phụ việc vặt cùng ông bà. Mỗi tháng, tính trung bình chi cho việc nuôi cháu cũng tốn khoảng 400-500 ngàn đồng".

1 ngày làm việc không ngơi nghỉ

Cùng trong ấp, gia đình ông bà Châu Suông hiện có con đi làm ăn xa và người già ở lại cũng đang phải đảm nhiệm phần thay con nuôi cháu. Ông Châu Suông năm nay ngoài 60 tuổi. Ông bà có 4 người con, 2 trai, 2 gái, trong đó có 3 con đã lấy vợ, lấy chồng, chỉ riêng thằng út là chưa. Cả 3 con sau khi kết hôn thì cả vợ và chồng đều đưa nhau đi làm công ty ở Bình Dương, Đồng Nai. Vợ chồng ông ở lại, có phần vất vả hơn những gia đình khác là hai vợ chồng già đang phải chăm lo cho 3 cháu đều đang trong độ tuổi THCS.

4.jpg
Ông Châu Suông chia sẻ: “Cuộc sống vô cùng khó khăn, không chỉ về kinh tế mà còn là việc dạy dỗ bọn trẻ. Chúng tôi già rồi, đôi khi cảm thấy kham không nổi”

Các con của ông Châu Suông đi làm, thi thoảng cũng có gửi 1-2 triệu đồng về để bố mẹ lo cho con họ nhưng ở nhà, ông bà và các cháu vẫn phải làm thêm để có cái ăn. Các cháu ngoài giờ đi học thì giúp việc nhà, còn ông bà thì trồng lúa, nuôi bò. Nhà có 3 công ruộng (khoảng 3.000m2) hầu như đều tự làm chứ không thuê mướn. Chắt chiu hàng tháng kiếm được đồng nào đều để đóng tiền học, tiền ăn, tiền điện nước, quần áo cho ông bà và cháu… Tuy nhiên, trung bình mỗi năm, nhà ông vẫn bị thiếu gạo ăn từ 2-3 tháng. Từ ngày các con đi, bữa sáng của ông bà và các cháu thường xuyên là nồi cháo loãng tự nấu tại nhà chứ không có điều kiện để ra ngoài ăn tiệm như người ta.

1 ngày của ông Suông thường không ngơi nghỉ, sáng dậy sớm cùng vợ lo cơm nước cho các cháu, đưa chúng đi học, rồi vợ chồng thay nhau đi chợ, đi cắt cỏ cho bò, sau đó ra ruộng làm cỏ, trưa về ăn cơm, chiều lại tiếp tục làm các công việc ở đồng ruộng… 

Ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có 52% người dân là dân tộc Khmer. Việc các gia đình trẻ người Khmer nghèo di cư hiện được cho là nhu cầu tất yếu bởi ở địa phương, người dân không có nghề gì để làm thêm, thu nhập chủ yếu chỉ từ nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Cả ấp có 669 hộ thì hộ nghèo chiếm tới 100 hộ. Người Khmer nghèo rời quê đi làm ăn xa ngày càng nhiều, đa số là tới TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân với khoảng 700-800 người. Trong ấp, số lượng gia đình có cả vợ và chồng, con cái di cư đi làm ăn xa, hoặc chỉ có vợ chồng rời đi còn trẻ con và người già ở lại… là gần 100 hộ.

(Bài sau: Làng vắng người lớn, trẻ chịu nhiều thiệt thòi)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm