pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lào Cai: Phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển du lịch
Phụ nữ người Tày ở Nghĩa Đô khai thác văn hóa truyền thống để phát triển du lịch
Bà Lương Thị Quyên ở thôn Bản Hón, xã Nghĩa Đô là chủ một cơ sở homestay. Trước kia bà chỉ biết làm nông nghiệp, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, bà và gia đình đã chuyển sang làm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du lịch. Từ đó đến nay, cơ sở của gia đình bà Quyên đã phát triển ổn định, ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Bà Quyên chia sẻ: “Mới đầu làm du lịch mình bỡ ngỡ lắm, nhưng được sự động viên giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, gia đình cũng vừa làm vừa học thêm kinh nghiệm, từ việc đón khách, nấu ăn, dọn phòng, hướng dẫn viên... Sau một thời gian thì mọi thứ cũng đi vào ổn định và phát triển được”.
Nghĩa Đô trở thành điểm du lịch của tỉnh Lào Cai
Phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô làm du lịch rất độc đáo. Họ biết cách khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những nét đặc trưng trong phong tục tập quán lao động sản xuất để ứng dụng vào phát triển thành hệ sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm nét riêng của địa phương.
Bà Hoàng Thị May chia sẻ: “Chị em nhận thấy du khách về đây thích những nét văn hóa truyền thống của dân tộc địa phương nên bảo nhau tập trung khai thác. Ví dụ như tổ chức biểu diễn văn nghệ với múa quạt, hát then; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương như kéo co, ném còn... Ngoài ra, còn làm các món ăn truyền thống của dân tộc để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, khám phá của khách du lịch, tạo được ấn tượng với du khách".
Homestay ở xã Nghĩa Đô
Từ những ngày đầu làm du lịch còn bỡ ngỡ, cho đến nay toàn xã Nghĩa Đô đã có gần 20 hộ gia đình làm mô hình du lịch homestay, nhờ đó tạo ra việc làm và thu nhập khá ổn định cho các chị em. Trước kia làm nông nghiệp thuần túy, nguồn thu nhập của họ chủ yếu lệ thuộc vào mùa vụ, không ổn định. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, mỗi tháng các hộ gia đình làm homestay có thêm nguồn thu nhập bình quân trên 10 triệu/tháng.
Ngoài ra, việc phát triển du lịch cộng đồng cũng góp phần thúc đẩy chị em mạnh dạn sử dụng mạng xã hội, mở rộng tương tác với thị trường, đặc biệt là quảng bá giới thiệu hình ảnh quê hương và bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch.
Bà Lương Thị Quyên chia sẻ: “Chị em chúng tôi đã thành thạo sử dụng điện thoại để đăng tin quảng bá, giới thiệu dịch vụ du lịch, bản sắc văn hóa, cảnh quan làng bản, thiên nhiên để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ homestay thì chị em hoàn toàn có thể trao đổi giao dịch online với họ rất tiện lợi".
Hiện nay, xã Nghĩa Đô đã được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là điểm du lịch của tỉnh, vì vậy người dân nơi đây càng tự hào, chú trọng đầu tư phát triển du lịch về cơ sở hạ tầng lẫn kỹ năng phát triển du lịch.
Ông Vũ Ngọc Quang Phó Trưởng ban quản lý di tích huyện Bảo Yên cho biết: “Du lịch không chỉ đem đến việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ xã Nghĩa Đô mà nó còn đem đến sự tự tin, sự chủ động và đặc biệt là giúp nâng cao vai trò và vị thế của chị em trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhận thức được điều này, nhiều chị em càng tập trung đầu tư phát triển mạnh hơn nữa, khiến du lịch xã Nghĩa Đô có những bước phát triển rất mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng”.