pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lao động đăng ký tìm việc tăng cao, có được việc phù hợp không đáng kể
Lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài. (Ảnh minh họa)
Nên hướng đến những việc phù hợp với năng lực bản thân
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 28.586 lượt người và tạo ra 11.665 chỗ việc làm mới, nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm đạt hơn 253.300 lượt người và tạo ra hơn 115.500 chỗ việc làm mới.
Ngoài ra, có 392.771 lượt người được tư vấn việc làm, 94.131 lượt người được giới thiệu việc làm, 46.346 người được nhận việc làm; 149.795 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Trưởng phòng Dịch vụ việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM, cho biết: Theo thực tế ghi nhận tại Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM thì lượng lao động đến đăng ký tìm việc là 7.038 lao động và số lượng lao động thực tế tìm được việc làm là 612 lao động.
Dự báo trong 3 tháng cuối năm, có khoảng 62.000-65.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm nghề: kinh doanh, thương mại; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; chế biến lương thực, thực phẩm; dịch vụ phục vụ; công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông; điện, điện tử, điện lạnh; dịch vụ tư vấn chăm sóc khách hàng; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm…
Số lượng lao động nữ đăng ký tìm việc là 2.815 lao động và tìm được việc là 245 lao động. Xu hướng công việc trong dịp cuối năm nhu cầu tuyển dụng vị trí lao động phổ thông rất lớn, bên cạnh đó cũng có các vị trí như kinh doanh, bán hàng, thu ngân, phục vụ cũng tăng cao.
Bà Thảo đánh giá, nhu cầu tuyển dụng từ nay đến hết năm 2020 cũng chưa tăng nhiều. Nguyên nhân là do các đơn vị đang trong tình trạng phục hồi và nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu tuyển dụng lớn. Với lao động nữ có thể tìm kiếm một số công việc trong giai đoạn này. Các doanh nghiệp đang tuyển dụng nhiều vị trí lao động nữ, như: Bán hàng, tạp vụ, giúp việc nhà...
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo đưa ra lời khuyên với lao động nữ khi cần tìm cho mình một công việc thì nên hướng đến những việc phù hợp với năng lực bản thân trong giai đoạn này, hơn là ngồi chờ công việc như trước đây mình đã từng làm.
Lao động nữ có tay nghề cao vẫn chiếm ưu thế
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHMC (Falmi), thị trường lao động thành phố trong những tháng cuối năm 2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực kể cả khu vực chính thức và phi chính thức.
Đây là cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường, người lao động tìm việc, người lao động bị mất việc vì dịch COVID-19 và cả nhóm người dịch chuyển lao động trong giai đoạn hiện nay.
Trong số đó, nhu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,26%, bao gồm: đại học chiếm tỷ lệ 20%, cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 31% và sơ cấp chiếm 14,26%.
Chuyên gia nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn nhận định, trong quý III, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các nước Châu Âu vẫn chưa có xu hướng giảm. Nhiều nước đang chuẩn bị đối phó với nguy cơ bùng phát dịch lần thứ 3 nên ảnh hưởng nhiều đến xuất nhập khẩu trong nước.
Dù vậy, ông Tuấn lạc quan về tình hình lao động tại Việt Nam sẽ có những tiến triển tốt. Cơ quan chức năng đang xử lý dứt điểm và có các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Một mặt, các địa phương tích cực tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và có các phương án phòng chống dịch bệnh.
Nhìn chung, nội lực để phát triển kinh tế trong nước đã đi vào ổn định nhưng muốn đẩy mạnh sản xuất thì phải mở rộng ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt, phát huy tối đa lợi thế từ hiệp định thương mại EVFTA. Lao động nữ trong nước có nhiều cơ hội làm việc trong tình hình kinh tế đang trên đà tăng tốc, nhất là với lao động nữ có tay nghề cao.