Lao động nghèo chật vật ở Hà Nội: Con muốn ăn rau xào cũng không thể chiều con

Nguyễn Long - Hải Yến
10/08/2021 - 19:52
Lao động nghèo chật vật ở Hà Nội: Con muốn ăn rau xào cũng không thể chiều con

Chị Điệp đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình

Cuộc sống của người lao động nhập cư ở Hà Nội những ngày này thật sự vô cùng khó khăn. Nhiều người tìm cách xoay xở, vay mượn tiền để cầm cự qua ngày. Khi được hỏi nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, phải ở yên một chỗ, họ sẽ sinh sống tiếp bằng nguồn nào, nhiều người không biết phải trả lời thế nào.

"Nhiều ngày qua, gia đình tôi chỉ ăn cơm với rau và đậu"

Tâm sự với chúng tôi, anh Lê Văn Châu (38 tuổi, quê Thanh Hóa) thuê trọ ở phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh ra Hà Nội được gần 10 năm. Trước khi có dịch Covid-19, vợ anh đi làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, còn anh mở cửa hàng sửa chữa, bán điện thoại.

Bình quân mỗi tháng vợ chồng anh kiếm được khoảng 15 triệu đồng. Trong đó tiền thuê nhà trọ mất gần 4 triệu, tiền học cho 2 con cùng các khoản sinh hoạt phí khác tổng chi phí hết khoảng 10 triệu đồng.

"Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề quá. Vợ tôi phải nghỉ việc ở Khu công nghiệp từ cuối tháng 5. Còn cửa hàng điện thoại của tôi thì không có khách, thu nhập chỉ đủ tiền ăn cho cả gia đình. Tiền thuê nhà trọ đã 2 tháng tôi chưa đóng. Cũng may là chú chủ nhà tốt bụng, biết dịch bệnh nên cũng tạo điều kiện cho gia đình tôi ở, thậm chí còn cho nhà tôi vay tiền", anh Châu chia sẻ.

Chị Điệp, vợ anh Châu, cho biết, kể từ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17 (Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19 – PV), gia đình chị không còn một nguồn thu nhập nào. Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn.

Nếu trước đây, mỗi ngày cả gia đình chi tiêu vào ăn uống hết 200.000 đồng/ngày thì nay chỉ dám chi tiêu một nửa. "Nhiều ngày qua, gia đình tôi chỉ ăn cơm với rau luộc và đậu. Có hôm, con gái thèm ăn rau xào quá nhưng dầu ăn đã hết từ lâu, tiền không có nên không thể xào rau theo ý con được. Mình người lớn thì không sao nhưng thương bọn trẻ quá. Vợ chồng tôi suốt hơn chục ngày qua, đêm nào cũng trằn trọc, thương các con lắm nhưng chẳng biết làm gì hơn", chị Điệp tâm sự.

Vợ chồng anh Châu có 2 người con, đứa lớn năm nay lên lớp 6, con út năm nay lên lớp 3. Gần 10 năm lao động ở Hà Nội, vợ chồng anh cũng tích cóp được mấy chục triệu, nhưng sự "càn quét" của dịch Covid-19 gần 2 năm qua khiến vợ chồng anh cạn kiệt. "Hiện tại gia đình tôi có thể vay mượn tiền của người thân, cố gắng cầm cự được nhưng nếu dịch bệnh kéo dài 1-2 tháng nữa, tôi không biết sẽ sống tiếp bằng gì. Chắc vợ chồng tôi sẽ đưa các con về quê sinh sống. Ở quê chi phí sinh hoạt thấp hơn. Ở đây đã có mấy người bỏ về quê rồi", chị Điệp nói.

Khảo sát các khu nhà trọ trên địa bàn phường Phú Đô, chúng tôi thu được kết quả tương tự. Số công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất nhiều. Số người lao động nhập cư có mức lương trên 10 triệu đồng là rất ít. Đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Lương thấp, không có việc làm do dịch Covid-19, khiến đời sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nợ tiền thuê nhà thời điểm này là tình trạng chung của nhiều người. Nhiều người trong số họ đã phải vay mượn tiền của người thân ở quê để bám trụ lại Hà Nội. Khi được hỏi nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, phải ở yên một chỗ, họ sẽ sinh sống tiếp bằng nguồn nào, nhiều người chỉ biết lắc đầu, không biết phải trả lời thế nào.

Dịch bệnh khiến công việc của vợ chồng anh Lê Văn Châu (38 tuổi, quê Thanh Hóa, trọ tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị ảnh hưởng

Dịch bệnh khiến công việc của vợ chồng anh Lê Văn Châu (38 tuổi, quê Thanh Hóa, trọ tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị ảnh hưởng

Người địa phương cũng chật vật

Không chỉ lao động nhập cư, nhiều người dân gốc ở phường Phú Đô cũng chật vật với nỗi lo "cơm áo gạo tiền" do tác động của dịch Covid-19. Anh Nguyễn Văn Cường (45 tuổi, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh có 2 người con, đứa lớn học lớp 10, đứa nhỏ mới 2 tuổi.

Trước đây, anh chạy xe ôm công nghệ, còn vợ anh ở nhà chăm con. Công việc chạy xe là nguồn thu nhập duy nhất nuôi cả gia đình anh. "Khi chưa có dịch, mỗi tháng tôi chạy xe cũng được khoảng 15 triệu đồng. Số tiền này cũng đủ để vợ chồng con cái sinh hoạt. Nhưng từ khi dịch diễn biến phức tạp, dịch vụ Grab phải dừng hoạt động, cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Với những người thu nhập không ổn định như chúng tôi, một ngày ở Hà Nội không kiếm ra tiền, cuộc sống đã bế tắc lắm rồi. Đây đã 10 ngày trôi qua, cả nhà không kiếm được đồng nào", anh Cường than thở. Anh Cường chia sẻ, anh là người gốc ở đây, không phải mất tiền thuê nhà trọ nhưng những chi phí phát sinh hàng ngày để duy trì các mối quan hệ gia đình nội ngoại cũng không ít.

Chị Nguyễn Mai Hương (27 tuổi, làm nghề cắt tóc, gội đầu ở phường Phú Đô) cho biết, từ đầu năm tới nay chị liên tục phải đóng cửa hàng để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Chị đã cố gắng tìm công việc khác để kiếm thêm thu nhập nhưng lực bất tòng tâm. "Tôi thuộc diện được hưởng gói hỗ trợ an sinh 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tôi cũng đã làm các thủ tục để được nhận tiền. Tôi thật sự rất vui trước sự quan tâm của Chính phủ, của thành phố Hà Nội. Số tiền tuy không lớn, nhưng cũng là nguồn động viên để tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này", chị Hương bày tỏ.

Lao động tự do ở Hà Nội bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được hỗ trợ 1,5 triệu đồng

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 21/7/2021. Quyết định nêu rõ:

- Lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố và bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp.

- Đối với lao động ngừng việc, người sử dụng lao động lập danh sách đến hết ngày 31/12 năm nay gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận và chuyển hỗ trợ cho lao động.

- Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (tại trụ sở chính hoặc các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh) để được hỗ trợ.

- Hà Nội cũng hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 30/6/2022.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan trung ương) lập danh sách viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và gửi hồ sơ đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

- Hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đến Sở Du lịch Hà Nội (nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch). Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

- Hộ kinh doanh cần hỗ trợ gửi đề nghị theo hướng dẫn đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

- Lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cũng được hỗ trợ nếu thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm