pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lao động nghèo chật vật thích ứng với “bão giá”
Chị Nguyễn Thị Hiền ngồi phơi cơm nguội để rang cho bữa sau
Mọi thứ phải chắt chiu
"Thời gian gần đây, từ xăng tới gas, nước mắm, dầu ăn, gạo, tiền nhà trọ… cái gì cũng tăng giá. Đã thế thùng xoài chở đi từ sáng chẳng bán được quả nào, tôi lại phải đem về, vừa tốn xăng vừa tốn sức mà còn lỗ vốn", chị Nguyễn Thị Hiền (44 tuổi, quê ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), người thuê trọ dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội), nói với giọng buồn bã.
Chị Hiền cho biết, hằng ngày chị dậy từ 3h sáng ra chợ Long Biên nhập hoa quả, sau đó dùng xe máy mang đi bán khắp các phố hy vọng kiếm chút lãi. Việc nhập hàng với giá rẻ khiến nhiều lần chị gặp rủi ro. "Xoài họ mang đến vào sáng sớm, nhưng rất nhiều người xếp hàng đợi lấy vì giá rẻ. Việc kiểm tra, chọn hàng cũng rất nhanh chóng, nếu kiểm tra kỹ là họ không bán cho. Có thùng thì ổn nhưng sáng nay tôi lấy phải thùng có nhiều quả hỏng, nhặt nhạnh được mấy quả lành mang bán kéo lại chút vốn, còn lại xác định mất gần 500.000 đồng tiền gốc", chị Hiền nói.
Chị Hiền có 3 người con, chồng chị đã mất. Do cuộc sống ở quê quá bấp bênh nên chị đành gửi con cho ông bà nội trông nom, còn chị ra Hà Nội tìm kế sinh nhai. Nhiều năm mưu sinh nơi cửa chợ Long Biên, thời gian qua với chị Hiền là giai đoạn khó khăn chưa từng có. Hết giãn cách vì dịch bệnh, lại thêm "bão giá" khiến cuộc sống của những người lao động nghèo như chị thêm khốn khó. "Tiền nhà trọ trước đây là 900.000 đồng/tháng thì giờ tăng lên 1.000.000 đồng. Buôn bán chưa bao giờ tôi thấy ế và khó khăn như năm nay. Giá gas năm ngoái chỉ 250.000-280.000/bình, giờ tăng lên hơn 500.000 đồng/bình. Dầu ăn đắt nên tôi quyết định chuyển sang dùng mỡ lợn cho rẻ. Mọi thứ tăng giá nên tôi phải chắt chiu. Cơm ăn không hết phải mang ra phơi khô rồi chiên lên ăn", chị Hiền chia sẻ.
Cạnh phòng chị Hiền ở là gia đình bà Nguyễn Thị Huyền (62 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) có thâm niên gần 10 năm sống tại khu nhà trọ này. Bữa cơm của gia đình bà Huyền với 4 nhân khẩu chỉ có duy nhất món thịt rang đậu. Cả gia đình sống tại đây với công việc đẩy hàng thuê từ nhiều năm nay. Dù có bệnh nền nhưng bà Huyền hằng ngày vẫn cố gắng hỗ trợ con trai và con dâu trông cháu để các con đi làm. "Công việc này cũng bập bõm ngày được, ngày không. Có ngày đều việc thì kiếm được 100.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, có lúc chẳng có việc. Chi phí thuê nhà, điện nước khoảng 1,6 triệu-1,7 triệu đồng/tháng. Cuộc sống khó khăn giờ lại thêm cái gì cũng tăng giá. Nước mắm trước 25.000 đồng/chai giờ tăng 30.000 đồng/chai. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng xoay xở qua giai đoạn này thôi", bà Huyền nói.
Không dám về quê thăm con
Trở về phòng trọ sau khi đi nhặt phế liệu, chị Nguyễn Thị Nga (44 tuổi, quê huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, hơn 2 tháng nay, vợ chồng chị chưa về quê để thăm các con vì chi phí đi lại tăng cao. "Quãng đường từ Hà Nội về nhà tôi hơn 80km nhưng hơn 2 tháng nay vợ chồng tôi chưa dám về nhà. Cách đây 2 tuần, vợ chồng tôi nhiễm Covid-19, không đi làm được nên không có tiền để gửi về quê. Nếu chạy xe máy về thì biết bao nhiêu tiền xăng cho đủ. Nhiều lúc nhớ thương con lắm, định bỏ hết tất cả để về bên con nhưng đành ở lại vì nếu mình bỏ việc thì tương lai các con sẽ khổ", chị Nga nói.
Buổi đêm, chị Nga đi đẩy xe hàng ở chợ Long Biên, đến sáng chị lại tranh thủ đi nhặt phế liệu, khi thì bán hoa quả kiếm thêm thu nhập. Chồng chị Nga là anh Phùng Văn Nam (46 tuổi) chạy xe ôm công nghệ. Tuy nhiên, thời điểm này công việc bấp bênh. "Vợ chồng tôi ở đây chi tiêu dè dặt. Giờ chi phí cái gì cũng đắt đỏ nên tôi chuyển từ ăn bột canh sang muối hạt, mua mỡ lợn rán thay dầu ăn cho rẻ. Cơm nấu buổi tối còn thừa tôi rang để sáng ăn đi làm", chị Nga chia sẻ.
Chị Nga kể, chị bị thiếu máu cơ tim. Bác sĩ khuyên chị nên dùng thuốc thường xuyên. Mỗi tháng, tiền thuốc khoảng 1 triệu đồng. Vì gánh nặng chi tiêu nên chị đã "cắt" đi khoản này. "Tôi luôn động viên, dặn dò các con ở nhà phải ngoan ngoãn, chịu khó đi học để bố mẹ đi làm. Có hôm, thằng bé gọi điện nói: "Mẹ ơi dép con đứt hết rồi, mẹ gửi tiền về cho ông bà đi", đúng hôm đó thì vợ chồng tôi bị F0, trong người lại chẳng còn đồng nào. Nghĩ mà thương con lắm nhưng mình chỉ biết khóc chứ không biết làm gì hơn", chị Nga nói.