pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lao động nữ bươn chải trong nắng nóng ở "thủ phủ thời trang" Ninh Hiệp
Chị Nguyễn Thị Lý kiểm tra lại địa chỉ để gửi cho khách
"Mưu sinh cũng như đi câu cá"
Với thâm niên gần 20 năm bám chợ mưu sinh, chị Nguyễn Thị Lý (47 tuổi), xóm 6, Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, rất sành sỏi và thạo việc. Chị Lý cho biết, chị là người làng Nành, lấy chồng là người cùng thôn. "Cuộc sống của gia đình chủ yếu làm nông, khi chợ vải phát triển, người dân buôn bán ăn nên làm ra nên mọi người rủ nhau, người có vốn thì mở sạp hàng buôn bán, người không có vốn như bọn tôi lại ra chợ làm công cho người làng, kiếm kế mưu sinh để nuôi con", chị cho hay.
Hiện tại, 3 mẹ con làm công ở chợ vải. "2 con gái lấy chồng sớm, nghề nghiệp thì không có nên lại ra chợ làm việc, các con thì bán hàng còn tôi làm công việc tay chân, khuân hàng, bốc xếp...", chị kể.
"Mùa này khách hàng ít, cộng với kinh tế khó khăn nên vài năm trở lại đây chợ ít người hẳn, buôn bán cũng không được như trước. Tôi làm đây cũng vậy, không phải ngày nào cũng có công, có thu nhập mà như đi câu cá ấy, ngày nào may mắn thì có nhiều mối hàng thì có thu nhập, nhưng có ngày thì ngồi không mấy chị em tám chuyện với nhau...", chị Lý tâm sự.
Đang ngồi nghỉ mệt bên gốc cây trước cổng chợ vì vừa kéo xe hàng ra cho khách, lấy vệt áo lau vội những giọt mồ hồi túa ra trên trán, chị Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi), xóm 2, xã Ninh Hiệp, tâm sự: "Bọn chị đa phần là người dân trong làng, trong xã, nghề nghiệp không có, đất nông nghiệp giờ cũng không còn nên rủ nhau ra chợ mưu sinh. Ai cũng mong muốn có vốn, mở sạp hàng buôn bán nhưng do điều kiện gia đình không có nên đành làm bạn với công việc tay chân "mồ hôi chưa ráo đã hết tiền".
Hai năm lại đây, do kinh tế khó khăn nên lượng khách hàng, nguwoi đi mua sắm ở chợ ít hẳn, đặc biệt là vào màu hè, học sinh nghỉ học, người dân đi mua sắm càng ít nên tiểu thương như chúng tôi cũng lao đao. Nhiều hôm, không muốn dọn hàng ra vì không có khách, bê ra rồi chiều lại bê vào chúng tôi cũng thấy buồn"
Chị Nguyễn Thị Hiền, một tiểu thương cho biết
Cũng theo chị Hoa, trời nắng như thế này vất vả lắm, kéo xe hàng ra gửi cho chủ sạp hàng mồ hôi túa ra như tắm, ướt đầm vai áo nhưng vì "đồng tiền bát gạo" nên phải cố gắng. Mỗi túi hàng được 10.000 - 15.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng có việc. "Làm việc vất vả là thế nhưng trung bình một ngày công được 250.000 đồng, có ngày còn ít hơn", chị Hoa tâm sự.
Xe ôm "3 trong 1"
Với áo chống nắng trùm cả lên đầu, dáng vẻ mệt mỏi, ngồi trên chiếc xe cà tàng đậu bên hông chợ, mặc dù đang trò chuyện với chúng tôi nhưng ánh mắt của anh Trần Văn Thanh, 38 tuổi, xóm 6, xã Ninh Hiệp, vẫn đảo tứ phía xem có vị khách nào cần đi xe để mời chào.
Anh Thanh cho biết: "Gia đình khó khăn nên tôi ra đây mưu sinh, với công việc chính là chạy xe ôm. Nhưng cứ có việc nào là tôi làm, không nề hà việc gì, từ chạy xe ôm đến bốc xếp hàng... chủ hàng người ta gọi là mình vui vì có thu nhập, có tiền phụ thêm với vợ nuôi con ăn học".
Cũng theo anh Thanh, vì gia đình nghèo nên học xong lớp 12, anh không thi đại học như chúng bạn, cũng không học nghề mà ở nhà làm nông giúp bố mẹ nuôi các em. Ở nhà được mấy năm, khi anh đến tuổi dựng vợ gả chồng, bố mẹ giục lập gia đình cho ông bà có cháu bế và lấy vợ là người xã bên. Gia đình bên vợ anh cũng nghèo nên bố mẹ cũng không đỡ đần được gì.
Cuộc sống cứ lần hồi, 2 con, 1 trai 1 gái, lần lượt ra đời lại thêm gánh nặng lên vai vợ chồng trẻ. Đứa lớn hiện học lớp 6, đứa nhỏ đang học tiểu học.
"Không phải như anh em mình lúc trước, lớn lên trong vất vả nên quen, bọn trẻ bây giờ khác mình, nuôi chúng nó ăn học theo chúng bạn, nghĩa là đủ đầy theo tiêu chuẩn thời nay cũng làm cho bố mẹ quay cuồng", anh Thanh tâm sự.